Các chính sách khuyến khích phát triển điện Mặt trời trên mái nhà dân có thể phải đa dạng hơn thay vì chỉ tập trung vào giá FIT như giai đoạn trước đây.

Trong các công nghệ năng lượng tái tạo, điện Mặt trời mái nhà là nguồn điện phân tán tiềm năng mà các hộ gia đình có thể đầu tư.
Trong các công nghệ năng lượng tái tạo, điện Mặt trời mái nhà là nguồn điện phân tán tiềm năng mà các hộ gia đình có thể đầu tư.

Chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu trên toàn cầu nhưng đòi hỏi những nguồn lực rất lớn về kinh tế và kỹ thuật. “Với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ hiệu quả hơn nếu các hộ gia đình cùng tham gia”, ThS. Phạm Ngọc Thẩm, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Xã hội Quốc tế, ĐH Erasmus University Rotterdam (Hà Lan), hiện đang công tác tại trường ĐH Việt Đức, nhận định. “Trong các công nghệ năng lượng tái tạo, điện Mặt trời mái nhà là nguồn điện phân tán tiềm năng mà các hộ gia đình có thể đầu tư”.

Trong nghiên cứu được công bố gần đây trên Renewable and Sustainable Energy Reviews, chị Phạm Ngọc Thẩm và các cộng sự tại ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và ĐH Erasmus University Rotterdam đã tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào hệ thống điện Mặt trời mái nhà của các hộ gia đình tại Việt Nam trong giai đoạn giữa năm 2021, từ đó đề xuất những chính sách phù hợp để thúc đẩy các động lực và tháo gỡ các điểm nghẽn đối với việc lắp đặt hệ thống này.

Các chính sách về tài chính

Kết quả phân tích định lượng khảo sát trên 460 hộ gia đình tham gia nghiên cứu cho thấy ba yếu tố có tác động mạnh nhất đến quyết định việc đầu tư vào điện Mặt trời mái nhà là (1) công suất hệ thống điện Mặt trời mái nhà; (2) giá FIT; và (3) chi phí lắp đặt hệ thống.

Trong ba yếu tố trên, nhà nước có thể chi phối yếu tố về giá FIT và chi phí lắp đặt hệ thống. Tuy vậy, cho đến gần đây (năm 2021), các chính sách về điện Mặt trời mái nhà dân dụng tại Việt Nam mới chỉ tập trung vào giá FIT - giá bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam nếu hộ gia đình “sản xuất” điện dư thừa. Ban đầu, với giá FIT hấp dẫn dành cho điện Mặt trời áp mái là 8.38US cent/KWh - cao nhất trong tất cả các nguồn điện, chính sách này đã khiến rất nhiều hộ gia đình hồ hởi khi nghĩ đến thời gian hoàn vốn và thu lời của hệ thống điện Mặt trời mái nhà.

Nghiên cứu của nhóm ThS. Phạm Ngọc Thẩm cho thấy chính sách giá FIT chủ yếu thu hút các hộ gia đình có thu nhập trung bình và lắp đặt điện Mặt trời mái nhà với mục đích thiên về kinh doanh điện hơn là “tự sản tự tiêu”. Giá FIT 2 đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020 và đây cũng là một trong những lí do khiến các dự án điện Mặt trời chỉ nở rộ được trong giai đoạn 2019 - 2020 rồi sau đó chững lại. Nói cách khác, rất nhiều hộ gia đình trước đây từng rất hào hứng với điện Mặt trời áp mái thì hiện tại không còn mặn mà tham dự vào công cuộc chuyển dịch năng lượng này nữa. Sự ra đời của Nghị định 135/2024/NĐ-CP cuối năm ngoái về khuyến khích điện Mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, ngầm ý rằng khả năng tiếp tục có giá FIT 3 sẽ không cao, càng dập tắt sự quan tâm của kiểu hộ gia đình này. Nếu muốn tiếp tục khuyến khích nhóm này tham dự vào việc lắp đặt điện Mặt trời áp mái mà không tạo điều kiện để họ có thể bán điện với giá cao thì phải làm sao để họ có thể bán được nhiều điện, bằng cách nâng cấp lưới điện cùng hỗ trợ khác từ các công ty điện lực.

Quan trọng hơn, nhóm nghiên cứu thấy rằng, có một nhóm hộ gia đình mà chính sách của Việt Nam trước đây đã bỏ qua. Đây là các nhóm giàu có hơn, chỉ chiếm khoảng 5% số hộ gia đình đang lắp đặt điện Mặt trời mái nhà như hiện nay. Họ sẵn sàng đầu tư hệ thống pin lưu trữ (BESS) đắt đỏ mặc dù “ở thời điểm chúng tôi nghiên cứu, nếu gọi đến các công ty cung cấp giải pháp điện Mặt trời và hỏi tư vấn về hệ thống pin lưu trữ thì nhà cung cấp sẽ đưa ra lời khuyên là không nên lắp đặt. Họ đều phân tích là nó không có hiệu quả về kinh tế”, ThS. Phạm Ngọc Thẩm cho biết. Nhóm hộ gia đình này không quan tâm đến giá FIT mà lắp đặt điện Mặt trời áp mái để phục vụ nhu cầu sử dụng điện của gia đình. Giờ đây, chi phí lắp đặt và mua hệ thống BESS đã rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm nghiên cứu diễn ra, “rất tích cực để hộ có động lực đầu tư”, theo lời chị Phạm Ngọc Thẩm, càng là cơ hội để Việt Nam xem xét những cơ chế khích lệ các hộ này.

Mặc dù trợ cấp chi phí lắp đặt có thể là giải pháp thúc đẩy các hộ giàu có này lắp điện Mặt trời mái nhà nhưng đó chưa phải là phương án lí tưởng nhất. Theo nhóm nghiên cứu, xét cho cùng, trợ cấp là cách chính phủ chịu gánh nặng tài chính thay cho tư nhân nên cách này có thể không bền vững. Nhóm cho rằng cần có các chính sách thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp để làm giảm giá thành công nghệ và nâng cao chất lượng dịch vụ, từ đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Các chính sách phi tài chính


Không chỉ các chính sách về tài chính, các chính sách về truyền thông và nâng cao hiểu biết của người dân về điện Mặt trời mái nhà cũng đóng vai trò quan trọng. Nhóm nghiên cứu đánh giá người tiêu dùng nhìn chung chưa có nhiều hiểu biết về các yếu tố kỹ thuật của điện Mặt trời mái nhà, từ tên gọi (nhiều người vẫn gọi tấm quang năng là “pin Mặt trời”), cách vệ sinh đến cách tái chế hệ thống. “Thời điểm đó, vẫn có rất nhiều hộ nghĩ lắp đặt điện Mặt trời mái nhà sẽ có rủi ro với sức khỏe của họ”, ThS. Phạm Ngọc Thẩm lấy ví dụ về một phản hồi từ bảng hỏi trong nghiên cứu.

Điều đáng nói là sau gần bốn năm, chị nhận định mức độ hiểu biết của các hộ gia đình vẫn chưa có nhiều cải thiện, chủ yếu do các chính sách về điện Mặt trời mái nhà mới có trở lại trong thời gian gần đây nên chưa có nhiều hoạt động truyền thông một cách có hệ thống. Hơn nữa, các hoạt động truyền thông chủ yếu tập trung vào tư vấn hiệu quả đầu tư của hệ thống điện Mặt trời mái nhà thay vì các nội dung về kỹ thuật - những thông tin quan trọng hơn nếu muốn thúc đẩy việc lắp đặt.

Ngoài ra, xây dựng một quy trình đăng ký lắp đặt và kết nối hệ thống điện Mặt trời mái nhà thân thiện với người dân cũng rất quan trọng. Nhóm cho rằng, các thủ tục đăng ký đã được quy định khá rõ ràng trong Quy hoạch Điện 8 nhưng vẫn còn một số thông tin có thể được công khai, minh bạch hơn. “Những hộ gia đình mong muốn lắp đặt điện Mặt trời mái nhà thường gặp một số trở ngại trong đăng ký thủ tục, thời gian chờ đợi lâu, quy trình chưa rõ ràng và chưa minh bạch về số lượng hồ sơ, đối tượng thuộc diện được đăng ký hay ưu tiên, dẫn đến tâm lý ngại đăng ký”, ThS. Phạm Ngọc Thẩm cho biết.

Bài đăng KH&PT số 1344 (số 20/2025)