Với lợi thế của một lĩnh vực liên ngành, khoa học dữ liệu có thể sử dụng nhiều phương pháp, cách thức, thuật toán và các hệ chuyên gia để rút trích những hiểu biết và nhận thức mới từ dữ liệu dưới nhiều dạng cấu trúc khác nhau, do đó có khả năng ứng dụng trong nhiều ngành khoa học khác cũng như nhiều ngành sản xuất khác.
Điều đó lý giải vì sao “cơn sốt” cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã kéo theo sự lên ngôi của ngành khoa học dữ liệu trên thế giới, ví dụ Harvard Business Review đánh giá đây là“công việc hấp dẫn nhất thế kỉ XXI”1.Trong bối cảnh đó, chương trình đào tạo Thạc sĩ khoa học dữ liệu (ThS KHDL) độc lập đầu tiên trên cả nước đã được Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai đào tạo thí điểm ở Khoa Toán - Cơ - Tin học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (KHTN), bắt đầu tuyển sinh và đào tạo khóa học đầu tiên từ 2018 – 2020.
Ngành khoa học dữ liệu độc lập đầu tiên
Đây là mốc quan trọng đầu tiên trong chặng đường đưa KHDL vào giảng đường Việt Nam một cách bài bản. TS. Nguyễn Thị Minh Huyền và TS. Lê Hồng Phương (Khoa Toán - Cơ - Tin học, ĐHKHTN) - những người chủ trì xây dựng đề án chương trình đào tạo ThS KHDL này, cho biết, mọi chuyện bắt đầu được chuẩn bị từ ba năm trước. Trong quãng thời gian đó, không chỉ ĐH KHTN mà còn khá nhiều trường đại học khác ở Việt Nam cũng rục rịch mở chương trình đào tạo. Vậy điểm khác biệt của chương trình đào tạo ở đây là gì?
TS. Lê Hồng Phương – một nhà nghiên cứu trẻ được đào tạo về khoa học máy tính ở Đại học Lorraine (Pháp), cho biết, dù mới được đào tạo thí điểm nhưng “Khoa học dữ liệu đã được ĐHQGHN cấp mã ngành thí điểm riêng và là một chuyên ngành độc lập”.
Buổi giảng về khoa học dữ liệu tại ĐHQG-TPHCM. Nguồn: ĐHQG TP HCM
Bản thân việc coi KHDL là một ngành độc lập, mặc dù vẫn là thí điểm, đã cho thấy một cái nhìn khác của những người xây dựng chương trình. Không chỉ có vậy, TS. Minh Huyền và TS. Hồng Phương còn xây dựng chương trình đào tạo KHDL ở Khoa Toán – Cơ – Tin học, nơi cả hai cho rằng hội tụ đủ “ba chân”: toán (bao gồm cả toán lý thuyết và toán ứng dụng); tin học và xác suất thống kê. Nếu thiếu một trong ba chân, hoặc ba chân không đồng đều với nhau thì sẽ bị “khập khiễng”.
Rõ ràng, công nghệ thông tin chỉ mới đáp ứng được “một chân” là tin học. Cả “ba chân” này trên đều là những thế mạnh của Khoa Toán - Cơ - Tin học với hơn 60 năm lịch sử đào tạo các bộ môn toán, tin học, xác xuất thống kê,… và quy tụ nhiều chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực này. TS. Hồng Phương chia sẻ: “Có lẽ đây là nơi duy nhất trong cả nước KHDL được đặt đúng vị trí của nó”.
Với việc xác định đúng vị trí cho KHDL, chương trình bắt đầu được xây dựng vào năm 2016 trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo của nhiều trường đại học quốc tế, “chủ yếu là Đại học Stanford – một trong những ngôi trường nằm trong top đầu thế giới về khoa học máy tính cũng như nhiều lĩnh vực khác”, TS Minh Huyền cho biết.
Điểm thu hút ở đây là chương trình đào tạo khoa học dữ liệu ở ĐH Stanford được đặt trong khoa thống kê thay vì công nghệ thông tin. Cùng với việc lên khung chương trình đào tạo, Khoa đặc biệt chú trọng sự hợp tác với các chuyên gia bên ngoài để chương trình có chất lượng tốt nhất cho học viên”, TS. Minh Huyền nói.
Chỉ sợ thiếu “đầu vào”
Tại lễ ra mắt chương trình đào tạo ThS KHDL vào ngày 4/8, ông Lê Minh Hưng - giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel, đưa ra một nhận xét bất ngờ về quy mô đào tạo, “chỉ có 30 người thì ít quá, riêng công ty chúng tôi đang cần ít nhất là 50 người rồi”. Không riêng Viettel mà nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước khác cũng “khát” nhân lực KHDL. Khi được biết trường Đại học KHTN mở ngành đào tạo, họ đã chủ động tìm đến, đặt vấn đề tuyển người dù phải đến năm 2020, khóa đầu tiên mới ra trường.
Câu chuyện đào tạo ở ngành KHDL dường như có nhiều điểm trái ngược với thực trạng học viên nhiều ngành khác khó tìm được việc làm. Sau khi ‘khảo sát” thị trường việc làm, TS. Phương rút ra kết luận: Dù thông báo tuyển dụng nhân lực về KHDL với mức lương cao gấp đôi ngành công nghệ thông tin nhưng các tập đoàn lớn tại Việt Nam vẫn khó tìm được người ứng tuyển”.
Do đó, để chắc chắn cơ hội “đón lõng” được ứng viên, nhiều doanh nghiệp như FPT đã chủ động liên hệ với khoa đề nghị tài trợ học bổng cho nghiên cứu sinh tiến sĩ với mức 15 triệu đồng/tháng, hay một công ty Hàn Quốc đã đề nghị mức học bổng 100% cho khoảng 5 học viên và đảm bảo hoàn toàn việc làm đầu ra.
Hấp dẫn “đầu ra” như vậy nhưng những người làm công tác đào tạo lại âu lo chuyện khác, đó là làm thế nào tuyển được người học. Bởi số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển khóa đầu tiên vẫn còn ở mức khiêm tốn. Lí giải cho hiện tượng này, ngoài nguyên nhân đây là chương trình mới mở thì còn do độ khó của ngành KHDL mà theo cách nói vui của TS. Phương là “đi từ khó đến rất khó”. Tuy nhiên, chính độ khó này đã tạo nên “tính chọn lọc” của chương trình - riêng điều đó đã khiến KHDL ở trường Đại học KHTN thoát khỏi cái bóng của môn học “thời thượng”, và tạo cơ hội tuyển được những người có tiềm năng và mong muốn theo học về KHDL.
Mọi thành viên trong khoa thống nhất: không hạ thấp tiêu chuẩn để theo đuổi số lượng, dù “ít mà chất”, TS. Phương nhấn mạnh. Vậy làm cách nào để giữ được “chất”? Trước câu hỏi của chúng tôi, TS. Huyền cho biết, chất lượng đào tạo sẽ được kiểm định ở đầu ra và điều đó có nghĩa là có được những người “làm được việc” khi tốt nghiệp: “Định hướng của Khoa là chương trình đào tạo của triển khai như thế nào để người ta ra phải làm được việc chứ không phải là học xong chỉ biết lí thuyết”.
TS. Huyền giải thích, “làm được việc” trong KHDL là phải có kĩ năng công nghệ và biết xây dựng các mô hình thuật toán. Trong khi đó, phần lớn các học viên có xuất thân từ công nghệ thông tin, hoặc chuyên về toán – chỉ có ½ kĩ năng. Để khắc phục vấn đề trên, “chương trình đã có nhiều học phần bổ sung khác nhau, phù hợp cho mỗi loại đối tượng”, TS. Huyền cho biết. Ngoài ra, dù có đội ngũ nhân lực giảng dạy của khoa Toán - Cơ - Tin thì nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, tài chính, logistics… sẽ được tham gia giảng dạy để chia sẻ những kinh nghiệm thực tế cho học viên.
Sự chuẩn bị kĩ lưỡng và “đúng ngay từ đầu” có hứa hẹn một tiềm năng thành công của chương trình đào tạo ThS KHDL? Trước câu hỏi này, TS. Huyền cười, “chúng tôi sẽ có câu trả lời khi khóa đầu tiên tốt nghiệp vào năm 2020”.
1- Xem thêm tại: https://hbr.org/2012/10/data-scientist-the-sexiest-job-of-the-21st-century