Nhóm các siêu cường mà dẫn đầu là Mỹ và EU đã chi gần 81 tỉ USD cho bán dẫn thế hệ mới, càng gia nhiệt cuộc cạnh tranh với Trung Quốc về chủ quyền chip.
Mỹ cố lấy lại vị thế
Đây là một phần của làn sóng đầu tư từ các chính phủ trên toàn cầu với tổng kinh phí 380 tỉ USD dành cho các công ty lớn như Intel và TSMC (Đài Loan) để thúc đẩy sản xuất nhiều hơn các bộ vi xử lý vượt trội. Cuộc chạy đua này đã thúc đẩy cuộc cạnh tranh khốc liệt Mỹ - Trung Quốc về công nghệ tiên tiến tới một bước ngoặt được cho là sẽ định hình tương lai của nền kinh tế toàn cầu. “Không nghi ngờ gì nữa, chúng tôi đã vượt qua điểm quyết định trong cuộc đua công nghệ với Trung Quốc, cụ thể là về bán dẫn”, Jimmy Goodrich, cố vấn về Trung Quốc và công nghệ chiến lược của think-tank RAND Corporation nói. “Về cơ bản, cả hai bên đều coi đây là điểm quan trọng trong các mục tiêu chiến lược quốc gia của mình”.
Điểm bắt đầu của cuộc chạy đua này là những lo ngại về những bước tiến nhanh chóng của Trung Quốc trong những công nghệ điện tử chính và trở thành nỗi căng thẳng trong thời kỳ đại dịch, vì tình trạng thiếu chip đã thêm nhấn mạnh vào vai trò của nó với an ninh kinh tế.
Tất cả mọi thứ, từ sự hồi sinh của ngành sản xuất công nghệ Mỹ đến sự phát triển của AI đều bị đe dọa. Mặt khác, việc đầu tư cho chip của Mỹ và liên minh của họ cũng đặt ra thách thức mới cho Trung Quốc với hàng thập kỷ áp dụng chính sách công nghiệp.
Cuộc chạy nước rút tài trợ cho chip lại càng khó khăn hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên điều này lại trao thêm cơ hội cho Intel, từng là công ty dẫn đầu toàn cầu một thời, nay đã mất vị trí đó về những đối thủ mạnh như Nvidia và TSMC. Các kế hoạch đầu tư vào chip ở Mỹ đang nở rộ, vào tháng 4/2024, các quan chức chính phủ tiết lộ khoản tài trợ 6,1 tỉ USD cho Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ máy tính lớn nhất Mỹ. đây là khoản tài trợ cuối cùng trị giá hàng tỉ USD cho một cơ sở sản xuất chip tiên tiến ở Mỹ, một gói tài trợ trong cam kết gần 33 tỉ USD cho các công ty bao gồm Intel, TSMC và Samsung Electronics. Để nhận được các khoản tài trợ này, các công ty đã phải cam kết với Mỹ về những dự án đầu tư trên đất Mỹ, ví dụ TSMC xây dựng hai nhà máy tiên tiến ở Arizona, nhà máy thứ nhất được lên kế hoạch sản xuất khối lượng lớn các chip 4 nano mét vào năm 2025 còn nhà máy thứ hai sẽ sản xuất chip 3 và 2 nano mét vào năm 2028.
Theo Đạo luật Chip và Khoa học, Mỹ sẽ tài trợ khoảng 39 tỉ USD cho các nhà làm chip cũng như các khoản cho vay, bảo lãnh vốn vay 75 tỉ USD cùng thuế ưu đãi lên tới 25%. Đạo luật này hướng tới việc lấp đầy khoảng trống mà các khuyến khích ưu đãi hàng thập kỷ của Đài Loan và Hàn Quốc đã tạo ra. Cuộc chạy đua chính sách này dường như đang được gia nhiệt bởi nhu cầu ngày một tăng về các linh kiện phục vụ cho AI và máy tính lượng tử.
Các đầu tư bán dẫn toàn cầu
EU đang nỗ lực lên kế hoạch 46,3 tỉ USD để mở rộng năng lực sản xuất của mình. EC ước tính, đầu tư công và tư trong lĩnh vực này sẽ đạt 108 tỉ USD, phần lớn hỗ trợ vào các nhà máy sản xuất lớn.
Các dự án lớn nhất trong số này thuộc về Đức: một nhà máy của Intel được lên kế hoạch xây dựng ở Magdeburg, trị giá 36 tỉ USD và nhận được gần 11 tỉ USD trợ cấp, một liên doanh với TSMC trị giá 11 tỉ USD, một nửa sẽ từ nguồn của Chính phủ Đức.
Tuy nhiên EC vẫn chưa phê duyệt chính thức hỗ trợ cho các quốc gia thành viên và các chuyên gia cảnh báo là đầu tư của châu Âu sẽ không đủ để đạt được mục tiêu là làm ra được 20% lượng chip toàn cầu vào năm 2030.
Điều này có thể trở nên khó đạt được khi nhiều nền kinh tế mới nổi đang mong muốn nhập cuộc. Ấn Độ đã thông qua các khoản đầu tư, trong đó có 10 tỉ USD từ chính phủ, bao gồm tài trợ cho tập đoàn Tata Group xây dựng nhà máy chip đầu tiên của đất nước. Tại Ả Rập Saudi, quỹ Đầu tư công đã để mắt tới một khoản đầu tư cỡ lớn để khởi động cuộc chơi mới nhằm đa dạng hóa nguồn thu cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc dầu mỏ.
Tại Nhật Bản, trong tháng 2/2025, nội các Thủ tướng Shigeru Ishiba đã thông qua một đề án được thiết kế để cho phép chính phủ đầu tư vào công ty bán dẫn Rapidus để xây các nhà máy sản xuất chip 2 nano mét đầu tiên trên thế giới ở Chitose, Hokkaido. Quyết định này ra sau loan báo của chính phủ là muốn cung cấp 650,9 tỉ USD tài trợ vào năm tài chính 2030 cho AI, các nhà máy bán dẫn và các thiết bị. Nếu Quốc hội thông qua đề án này thì chính phủ sẽ được phép phát hành trái phiếu công để trang trải nguồn tài chính cần thiết cho sản xuất chip tiên tiến tại Rapidus vào tháng 3/2031.
Dự kiến tháng tư năm nay, Rapidus sẽ sản xuất thử nghiệm và sản xuất số lượng lớn vào năm 2027 – đó là một cột mốc cho nỗ lực của Nhật Bản trong việc tái sinh nền công nghiệp bán dẫn của mình. Tuy nhiên, việc sản xuất chip tiên tiến số lượng lớn sẽ đòi hỏi một khoản đầu tư thêm 4 nghìn tỉ Yên và có nghi ngờ về việc liệu Rapidus có thành công hay không.
Ngược lại, Hàn Quốc sẽ tránh cung cấp các khoản tài chính và hỗ trợ trực tiếp như Mỹ và Nhật Bản vì họ thích đóng vai trò dẫn đường các chaebol (tập đoàn gia đình). Về bán dẫn, Chính phủ Hàn Quốc đóng vai trò hỗ trợ khoảng 246 tỉ USD – một phần của một tầm nhìn rộng hơn cho nuôi nấng công nghệ trong nước, từ xe điện đến robotics. Từ đây, họ trích ra một khoản 7,3 tỉ USD cho chip.
Cuộc chạy đua đầu tư vào chip có thể phủ bóng xuống một khía cạnh: tạo ra cuộc dư thừa chip. “Tất cả các khoản đầu tư cho sản xuất theo định hướng của đầu tư chính phủ mà không do thị trường định hướng có thể cuối cùng dẫn đến một tình trạng là thừa năng lực hơn thứ năng lực chúng ta cần”, nhà phân tích Sara Russo của Công ty Bernstein nói.
Bùng nổ ở Trung Quốc
Cho đến hiện tại, các công ty như Nvidia, Qualcomm và Broadcomddang dẫn đầu thế giới trong thiết kế chip cho các lĩnh vực quan trọng như AI. Tuy nhiên vẫn còn tranh cãi về việc mức độ dẫn đầu của họ như thế nào. Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã chậm trong nhiều năm nhưng giờ thì họ đang bắt kịp xu thế. Trung Quốc giờ đang có thêm nhiều nhà máy bán dẫn đang được xây dựng hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, quá trình này đi kèm với tích lũy chuyên môn nội tại cần thiết cho bước nhảy vọt công nghệ. Họ cũng tìm cách nội địa hóa để thay thế các chip AI của Nvidia và các chip tiên tiến khác. “Người ta có thể thấy sự liên kết của lĩnh vực tư và mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc để loại bỏ sự rủi ro trong quá trình nội địa hóa”, theo nhận xét của John Lee, Giám đốc East West Futures Consulting.
Trung Quốc đang trong lộ trình đầu tư hơn 142 tỉ USD, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ ước tính. Trung Quốc đã huy động thêm 27 tỉ USD cho Big Fund cho các công ty, trong đó có nhà sản xuất Semiconductor Manufacturing International và Huawei Technologies.
Theo phân tích của Bloomberg News về hàng trăm công ty trong cơ sở dữ liệu doanh nghiệp chính thức Tianyancha, cả Trung Quốc có hơn 200 công ty bán dẫn với vốn đăng ký hơn 61 tỷ USD. Phần lớn nguồn tiền này đều từ các tổ chức trực thuộc nhà nước và tất cả đều phải được chuyển thành vốn thực tế được triển khai.
Tương lai khó lường
Các kế hoạch đầu tư cho bán dẫn đã khởi động trên toàn cầu nhưng kết quả như thế nào vẫn còn nhiều bất định. Bức tường hạn chế mà Mỹ áp đặt nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận bán dẫn tiên tiến đã làm chậm lại những nỗ lực của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh ở châu Âu và châu Á áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các thiết bị tiên tiến cần thiết để sản xuất những con chip tiên tiến nhất.
Trước khi áp dụng lệnh cấm xuất khẩu, Trung Quốc đã có những tiến bộ, dẫn đầu là Huawei. Khả năng thiết kế một số loại chip của Huawei bắt đầu sánh ngang với các công ty Mỹ, trước khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen vào năm 2019. SMIC, nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, đã gia nhập danh sách các thực thể bị hạn chế của Chính phủ Mỹ cùng với Huawei vào năm 2020.
Tháng 8/2024, Huawei đã có bước tiến đáng kể vào tháng tám khi ra mắt điện thoại thông minh Mate 60 Pro mới với bộ xử lý 7 nano mét từ SMIC — một kỳ tích mà các quan chức chính quyền Mỹ hy vọng sẽ giữ ngoài tầm với của Trung Quốc. Theo Bloomberg, việc sản phẩm này được sản xuất bằng công cụ của Mỹ và Hà Lan cho thấy sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ phương Tây.
Thêm vào đó, việc ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ làm cho cuộc chạy đua này càng trở nên khó lường. Có lẽ, người ta có thể chắc chắn vào khả năng gia nhiệt cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi ở nhiệm kỳ trước đã áp đặt các lệnh trừng phạt về công nghệ với Trung Quốc, bao gồm cả Công ty Huawei. Tuy nhiên, vẫn còn một ẩn số khác, đó là quan điểm của ông với Đạo luật Chip. Tuy ông Trump không thể nhanh chóng hoặc dễ dàng hủy bỏ Đạo luật này nhưng ông có thể sa thải những người liên quan đến chuỗi tài trợ chip. Ông từng nói rằng không ủng hộ Đạo luật Chip, nơi khởi nguồn của khoản tài trợ 53 tỷ USD cho R&D, sản xuất bán dẫn. Giờ các cơ quan quản lý đạo luật này đang bị cắt giảm, ví dụ gần 500 nhân viên tại Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) sẽ bị sa thải, trong số đó có những người điều hành chương trình R&D bán dẫn trị giá 11 tỷ USD. Việc sa thải này cũng sẽ làm suy yếu Viện An toàn AI Mỹ, đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá tính bảo mật của các mô hình AI mới nổi.
Việc cắt giảm đáng kể nhân sự Chip có thể cản trở khả năng thực hiện sứ mệnh phân bổ quỹ để trợ cấp cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ và tài trợ cho hoạt động R&D trong nước của cơ quan này, tất cả đều được cho là giúp đất nước phụ thuộc ít hơn đáng kể vào các nhà máy nước ngoài.
Vẫn chưa rõ việc sửa đổi Đạo luật Chip và giảm biên chế của NIST sẽ giúp chính quyền Trump đạt được mục tiêu đã nêu là đảm bảo quyền tối cao về công nghệ của Mỹ như thế nào.
Nguồn: https://www.bloomberg.com/news/features/2024-05-12/chip-technology-spending-gets-81-billion-boost-in-china-rivalry
https://www.japantimes.co.jp/business/2025/02/07/companies/rapidus-government-funds/
https://www.theregister.com/2025/02/19/trump_layoffs_nist/
Bài đăng KH&PT số 1333 (số 9/2025)