Dù diễn ra âm thầm nhưng kế hoạch chống phong tỏa và phá hủy thủy lôi Mỹ gắn mác "Kẻ hủy diệt" của những người anh hùng Đường biển vẫn được chuẩn bị bài bản về công nghệ.

Nửa thế kỷ nhìn lại, nhiều khi chúng tôi cũng không cắt nghĩa được hết vì sao trong sự gấp rút thời gian và thiếu thốn nguồn lực thời chiến, những con người đời thường bình dị ấy lại có thể nảy sinh sáng tạo độc đáo trên nhiều phương diện như thế…

Chiến dịch “Pocket Money - Tiền trong túi”

Ngày 9/5/1972, chiến dịch thả thủy lôi mang cái tên lạ tai “Tiền trong túi (Operation Pocket Money) bắt đầu. Sớm hôm đó, một chiếc EC-121 cất cánh từ sân bay Đà Nẵng tiến hành khảo sát, nhằm hỗ trợ cho chiến dịch thả lôi. Một lát sau, từ tàu sân bay Kitty Hawk trên vịnh Bắc Bộ có 17 lần máy bay xuất kích tấn công khu đường sắt Nam Định nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của ta. Tuy nhiên do thời tiết xấu, các máy bay này phải chuyển sang tấn công mục tiêu dự phòng là Thanh Hóa và Phủ Quỳ, lần lượt vào lúc 09 giờ 08 phút 40 giây và 09 giờ 08 phút 45 giây. Từ tàu sân bay Coral Sea, ba chiếc A -6A và bảy chiếc A 7-E mang thủy lôi và một chiếc EKA-3B hỗ trợ, tiến vào khu vực ngoại vi Hải Phòng.

Hình 3.3: Thái Phong nghiên cứu về thủy lôi

Các máy bay này đều xuất phát từ tàu sân bay Coral Sea vào lúc 09 giờ 08 phút 40 giây nhằm thả lôi chính xác vào đúng 09 giờ 09 phút như Richard Nixon đã tuyên bố vào ngày hôm trước. Những chiếc A-6 thả lôi luồng trong dẫn vào cảng còn những chiếc A-7E thả lôi vành ngoài luồng. Mỗi máy bay mang bốn thủy lôi MK 52. Trên chiếc máy bay chỉ huy nhằm xác định vị trí thả và thời gian thả có cả chuyên gia bom và hoa tiêu William R.Carr. Quả lôi đầu tiên được thả vào lúc 9 giờ 08 phút 59 giây. 12 quả lôi được thả tại luồng trong còn 24 quả còn lại được thả tại vành ngoài, tất cả các chốt tháo nổ (arming device) hay ta thường gọi là “máy bảo hiểm mạch điện ngòi nổ” của 36 quả lôi Mk52Mod 2 đều được để ở chế độ chậm 72 giờ là thời gian mà Richard Nixon đã công bố để các tàu có điều kiện rút khỏi cảng. Đó là những giây phút đầu tiên của chiến dịch thủy lôi mà Mỹ đã thả tổng cộng 11.000 thủy lôi Kẻ hủy diệt và 108 thủy lôi MK52 kéo dài trong suốt tám tháng tiếp theo.


Hình 3.1- Poster của Mỹ biểu diễn việc thả thuỷ lôi miền Bắc Việt Nam.

Hôm sau, ngày 10/5/1972, chiến dịch Linebacker I bắt đầu nhằm tấn công tất cả các trọng điểm miền Bắc, trong ngày mở đầu chiến dịch này, từ các tàu sân bay đã có 173 lần xuất kích với những chiếc F4 “Phantom - Con Ma” đời mới nhất đi cùng các máy bay gây nhiểu tấn công miền Bắc cho tới tận sát biên giới Việt Trung. Ngày 11/5/1972, các phi cơ xuất phát từ các tàu sân bay Constellation, Coral Sea, Midway và Kitty Hawk tiếp tục xuất kích rải thủy lôi các cảng còn lại trên miền Bắc như Thanh Hóa, Đồng Hới, Vinh, Quảng Yên và Cẩm Phả cũng như ngoại vi Hải Phòng. Ngoài ra, các cửa sông như Cửa Sót, Mũi Ròn, Cửa Đáy, Cửa Lạc Giang, phía Nam Đồ Sơn và toàn bộ khu vực cảng Hải Phòng cũng nằm trong vòng phong tỏa.

Tại căn nhà 13 Hồ Xuân Hương, Thái Phong nghiên cứu và giảng dạy cho anh em về thủy lôi.

Ngày 12/5/1972, vào lúc 12 giờ 09 phút, lượt thủy lôi đầu tiên để chậm tháo chốt sau 72 giờ (mà Mỹ gọi là “thời gian ân huệ” - grace time) đã tới lúc hoạt động. Cuộc phong tỏa lần thứ hai thật sự đánh vào Đường biển không chỉ hướng đến mục tiêu răn đe để các con tàu không dám tới cảng Việt Nam mà còn trực tiếp cản trở cộng tác vận tải, bốc xếp, qua đó tạo ra tình trạng mất an toàn trên mọi luồng lạch, khiến hàng hóa không lưu thông được. Nhìn chung, hệ quả của nó là chúng ta sẽ không thể tiếp vận được cho chiến trường miền Nam cũng như xây dựng trên miền Bắc.

Đường Biển chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới

Giống hệt một anh lính trơn, bỡ ngỡ bước vào cuộc chiến đấu với vô vàn thuật ngữ chiến tranh như tên các loại thủy lôi nào Mk…, nào Mod số bao nhiêu tới những chi tiết như bao nhiêu kg TNT, các mạch nước ép, cục đường, máy bảo hiểm mạch điện ngòi nổ…, sau năm năm chiến đấu, vừa làm vừa học, Đường biển đã tự tin bước vào cuộc chiến đấu chống phong tỏa lần thứ hai. Nếu những ngày đầu của cuộc phong tỏa lần thứ nhất, Đường biển phải có sĩ quan Hải quân Hoàng Sơn biệt phái đứng bên, giảng giải những bài khai tâm thì nay Đường biển đã tự tổ chức mọi hoạt động chống phong tỏa, trong khi liên tục nhận được các chỉ thị, hướng dẫn từ các cơ quan quân sự.

Trên tàu tăng kích 160. Từ trái qua: Phạm Hải - trưởng ty Bảo đảm Hàng hải, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thái Phong, thuyền trưởng Vũ Đình Kính và các thuyền viên.

Trong 5 năm đó, Đường biển đã cùng Hải quân dự những lớp giảng dạy của chuyên gia Liên Xô Makhov (Махов В.И.). 30 cán bộ của Bảo Đảm Hàng hải dự lớp do Trần Thanh Hoài và Đào Ngọc Tấn, các chuyên gia vũ khí dưới nước của Công binh Hải quân giảng dạy mà học cụ là các quả thủy lôi MK52 và MK50 được tháo gỡ tại Lạch Trào, Thanh Hóa. Rồi cả các trao đổi cá nhân phục vụ cho công tác giữa các cán bộ của tổ nghiên cứu với các kỹ sư Hải quân… Bước vào cuộc chiến đấu mới, Viện Kỹ thuật Quân sự Bộ Tổng Tham mưu đã phát hành tài liệu “Những điểm mới trong bom từ trường của Mỹ và một số điểm bổ sung về các biện pháp chống phá” vào tháng 5/1972 gồm 14 trang và 4 trang phụ lục, đóng dấu mật và được gửi tới tận tay Cục trưởng Lê Văn Kỳ (Hình 3.2).

Có một sự trùng hợp thú vị trong quá trình chuẩn bị cho chiến công lừng lẫy này là sự xuất hiện của những con số 13: trụ sở của Cục Đường biển đặt tại số nhà 13 Võ Thị Sáu còn “Viện Nghiên cứu Thủy lôi” của Bảo đảm Hàng hải cũng là của Đường biển đặt tại căn biệt thự số 13 Hồ Xuân Hương, Hải Phòng. Người đứng đầu của Viện nghiên cứu đặc biệt này là anh Nguyễn Thái Phong, sinh năm 1936, quê Mộ Đức, Quảng Ngãi, tốt nghiệp Trung cấp Hàng hải khóa đầu tiên. Xuất phát điểm là người thuộc chuyên ngành điều khiển tàu biển nhưng trong suốt 5 năm, hầu như thủy lôi đã theo anh vào cả bữa ăn, giấc ngủ. Sau này, nhà báo Hoàng Tuấn Nhã trong cuốn “Thành phố chống phong tỏa” đặt cho anh danh hiệu “Vua phá lôi” còn đạo diễn phim tài liệu Trần Hồng Cẩm cho rằng anh có “âm binh của Đức Trần Hưng Đạo” phù hộ “nên có biệt tài nhận biết và tháo dỡ những vật giết người”. Khi dựng phim “Tọa độ chết” (Координаты смерти), đạo diễn Nga Samvel Gasparov (Самвел Гаспаров) đã lấy anh làm hình tượng mô phỏng.

Chính tại căn nhà số 13 Hồ Xuân Hương, Thái Phong đã tiến hành tháo dỡ từng chi tiết của các loại thủy lôi và giảng dạy lại cho anh em đi rà phá, cung cấp các thông tin này cho tổ nghiên cứu của Cục để thiết kế tiếp tục những phương tiên chiến đấu thích hợp. Trong hình 3.3, ta thấy Thái Phong đang cầm “máy bảo hiểm mạch điện ngòi nổ, tức “arming device” của thủy lôi MK52, còn hình kế tiếp là Thái Phong đang thuyết trình với hai học cụ bên cạnh là MK52 (to) và DST (nhỏ).

Hình 3.2- Tài liệu “Những điểm mới trong bom từ trường của Mỹ và một số điểm bổ sung về các biện pháp chống phá” - Viện Kỹ thuật Quân sự Bộ Tổng Tham mưu 05/1972 được gửi tận tay Cục trưởng Lê Văn Kỳ.

Tàu tăng kích phá lôi với thiết bị ĐB-72

Tăng kích là tên gọi một loại tàu chuyên dùng để chở xe tăng cũng như các thiết bị, giúp cho việc đổ bộ nhanh từ mép nước lên trên bộ. Tàu có công suất lớn, đặt hai máy 3Д12 nên tốc độ cao, quay trở nhanh. Được viện trợ hàng trăm chiếc cho Hải quân vả Đường biển, ngoài chức năng vận tải, tàu tăng kích có thể lướt nhanh qua bãi thủy lôi để phá nổ mở thông tuyến. Có lẽ, thuyền trưởng Dương Hải Rê là người đầu tiên lợi dụng được trọn vẹn ưu điểm của con tàu này.

Như ta đã biết, hành động cảm tử này trước đó đã được một số thuyền trưởng lái ca nô trên các bến Khu 4 cũng như Đường biển thực hiện, và trước mỗi chuyến đi đều có một buổi “lễ sống” để phòng trường hợp những người anh hùng không thể trở về... Dương Hải Rê đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu ngay sau chiến công và tập thể con tàu số 154 của Đường biển được trao huân chương chiến công. Tiếp theo Dương Hải Rê là các thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Trinh, Nguyễn Duy Hồ, Nguyễn Ngọc Hùng cũng là những cảm tử lái tàu qua bãi lôi. Tại sao không dùng khối sắt thép của con tàu linh hoạt này làm lõi của một thiết bị phóng từ phá lôi? Rõ ràng không tồn tại một kiểu phá lôi như vậy trong các cuốn sách kỹ thuật thủy quân của thế giới nhưng trong hoàn cảnh thiếu thốn và cam go lúc bấy giờ, có thể chúng ta bắt buộc phải làm như vậy. Gần như không còn sự lựa chọn nào khác!

Trở lại tổ nghiên cứu của Cục Đường biển, lúc này người đứng đầu là kỹ sư Trần Văn Chấp được đào tạo chuyên ngành máy tàu từ Liên Xô. Các sản phẩm lúc này không còn mang ký hiệu PĐ – phao đẻn nữa mà mang ký hiệu ĐB tức Đường biển. Những sản phẩm PĐ trước đây vẫn tiếp tục được các đơn vị chiến đấu trong Đường biển dùng để rà phá, tổ nghiên cứu đưa thêm bốn sản phẩm mới trong năm 1972, đó là ĐB-72-1, ĐB-72-2, ĐB-72-3 và ĐB-72-4
Thiết bị ĐB-72-01 bao gồm cuộn phát từ với ống kích thước đường kính 1000 mm, chiều dài 800 mm trên đó có quấn dây; lõi từ tôn silic kích thước 150x150x1500 mm. Như vậy, so với các thiết bị PĐ năm 1967, thiết bị này đã to hơn, mạnh hơn nhiều và được lắp trên các phương tiện tự hành như các tàu Tự Lực, các tàu cá... cho phép phá thủy lôi an toàn ở cự ly xa hơn, Phiên bản số 2, có cải thiệm thêm cuộn dây. Nhưng to hơn, mạnh hơn là hai thiết bị sau dễ quấn quanh tàu tăng kích, đó là phiên bản số 3 và số 4 của ĐB, tức là ĐB 72-3 và ĐB 72-4 (xem hình 3.4). Thiết bị ĐB72-03 gồm cuộn phát từ là cuộn dây bọc cao su tiết diện 100 mm2 quấn hơn 100 vòng quanh một khung kích thước 5000 x 5000 x 2000mm. Phần trên là khung thép, phần dưới là bản thân vỏ tàu tăng kít, dòng điện sử dụng là 400A. Lõi từ là cả khối sắt thép của tàu cộng với một lõi tôn silic đặt ở trung tâm cuộn dây và có kích thước 3000 x 750 x 700mm. Trọng lượng lõi từ khoảng 10 tấn. Bộ phận tạo xung là bộ phận quan trọng nhất, có nhiệm vụ tạo ra tín hiệu có dạng giống với tín hiệu của con tàu thực, tránh phải đóng cắt với dòng điện lớn, làm cháy mặt tiếp xúc các cầu dao từ như đã xảy ra với các thiết bị trước. ĐB 72-3 đã phá được 161 quả thủy lôi.

Sau ĐB-72-03, Tổ Nghiên cứu tiếp tục đề ra ĐB-72-04. Trước khó khăn không tìm ra máy phát điện một chiều công suất lớn và dây bọc cao su tiết diện lớn, tổ nghiên cứu đã thay bằng máy phát xoay chiều sau đó dùng chỉnh lưu nắn dòng, có sự giúp sức của các nhà nghiên cứu trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cuộn phát từ được chuyển đặt ngay trong lòng tàu tăng kít nên sử dụng được các loại dây bình thường không cần dây bọc cao su cỡ lớn. Vì ở đoạn cuối cuộc chiến chống phong tỏa nên ĐB-72-04 chưa được phát huy tác dụng.

Lúc này, từ Xưởng 46 Hải quân cho ra đời liên tiếp 4 tàu tăng kích cuốn dây phóng từ mang số hiệu V 412,V 414,V 416,V 418. Thông tin chính thức trên báo chí được biết, vào lúc 20 giờ đêm 27/7/1972, tàu V 412 với máy phát điện 36kW do thuyền trưởng Nguyễn Văn Khơ chỉ huy đã phóng từ phát nổ quả lôi đầu tiên gần đèn Aval tức là đèn cửa luồng Nam Triệu từ sông Bạch Đằng ra Biển Đông. Sau đó, con tàu còn phá thêm 6 - 7 quả lôi nữa.

Sau ĐB-72-03, Tổ Nghiên cứu tiếp tục đề ra ĐB-72-04. Trước khó khăn không tìm ra máy phát điện một chiều công suất lớn và dây bọc cao su tiết diện lớn, tổ nghiên cứu đã thay bằng máy phát xoay chiều sau đó dùng chỉnh lưu nắn dòng, có sự giúp sức của các nhà nghiên cứu trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cuộn phát từ được chuyển đặt ngay trong lòng tàu tăng kít nên sử dụng được các loại dây bình thường không cần dây bọc cao su cỡ lớn.

Vì ở đoạn cuối cuộc chiến chống phong tỏa nên ĐB-72-04 chưa phát huy được tác dụng.

(Còn tiếp)