Trong hai thập kỷ qua, đổi mới công nghệ đã vươn lên trở thành động lực chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng đầu ra của Việt Nam. Nó không chỉ thay đổi cách sản xuất, mà còn định hình lại bản chất của tăng trưởng – từ tích lũy sang sáng tạo.
Trong khuôn khổ chương trình Aus4Innovation, nhóm nhà khoa học đến từ Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Công nghiệp Úc (CSIRO), Đại học Queensland, Bộ KH&CN Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tiến hành một nghiên cứu nhằm
tính toán mức tăng trưởng sản lượng đầu ra trên lao động của Việt Nam trong khoảng thời gian từ 2002-2019. Đồng thời, nhóm cũng phân tách sự đóng góp vào sự tăng trưởng này của bốn yếu tố thành phần, đó là: thâm dụng vốn, đổi mới công nghệ, mở rộng đường biên công nghệ, và cải thiện hiệu suất.
Kết quả, trong giai đoạn gần nhất (2015-2019), tốc độ tăng trưởng đầu ra trên lao động ở Việt Nam đạt 5,64%/năm.
Phân tách các yếu tố đóng góp vào mức tăng trưởng đầu ra trên lao động, nhóm nghiên cứu nhận thấy, các hoạt động đổi mới công nghệ - tức tận dụng tốt hơn, tối ưu hóa các công nghệ hiện có trong ngành công nghiệp - đóng góp cao nhất, chiếm 3,25% trong mức tăng trưởng tổng thể hằng năm, tương đương tỷ trọng 57%.
Tiếp theo là thâm dụng vốn đóng góp 3,06%, tương đương tỷ trọng 55%.
Các nỗ lực mở rộng đường biên công nghệ của những doanh nghiệp tiên phong - tức tạo ra, áp dụng các công nghệ hàng đầu trên thế giới - đóng góp 0,63%, tương đương tỷ trọng 11%.
Ngược lại, việc cải thiện hiệu suất - tức là sự cải thiện thông qua học hỏi từ kinh nghiệm thực tiễn; đổi mới cách thức tổ chức và quy trình, hoặc sử dụng các công cụ quản lý chất lượng - của các doanh nghiệp trung bình lại khá chậm chạp, làm giảm mức tăng trưởng tổng thể 1,31%, tương đương đóng góp -23%. Các nhà khoa học nói rằng, trong giai đoạn này, nếu các doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao hiệu suất để theo kịp tốc độ đổi mới công nghệ thì tăng trưởng sản lượng bình quân hằng năm trên lao động có đã có thể đạt mức 6,95%, thay vì 5,64%.
Thay đổi theo thời gian
Phân tích tăng trưởng đầu ra theo giai đoạn, nhóm nghiên cứu khám phá ra rằng nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu có sự thay đổi về bản chất, chuyển dần từ hướng dựa vào tích lũy vốn và lao động giá rẻ sang một động lực mới hơn là công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, trong giai đoạn đầu 2002–2007, thâm dụng vốn đóng vai trò chính cho sự tăng trưởng đầu ra, theo sau là nỗ lực mở rộng đường biên công nghệ của các doanh nghiệp tiên phong, và sự đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp - với đóng góp của thâm dụng vốn cao gấp đôi đóng góp của công nghệ và các yếu tố khác (gọi tắt là Năng suất các nhân tố tổng hợp TFP)
Lý do là, giai đoạn này Việt Nam bắt đầu hội nhập thị trường quốc tế và kích thích sự tham gia của khu vực tư nhân và kêu gọi FDI, dẫn đến sự gia tăng cả về số lượng và quy mô các dự án đầu tư nước ngoài, kết quả là tỷ lệ vốn trên lao động trong nền kinh tế tăng mạnh. Khi lao động được đầu tư nhiều vốn hơn, sản lượng đầu ra trên lao động cũng tăng lên.
Tuy nhiên, đến giai đoạn 2008–2014, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, chỉ còn hai yếu tố gánh vác sự tăng trưởng là vốn và hoạt động mở rộng đường biên công nghệ của các doanh nghiệp tiên phong. Hai yếu tố còn lại đều có mức đóng góp âm, tức kéo lùi sự tăng trưởng đầu ra trên lao động.
Đến giai đoạn 2015-2019, đổi mới công nghệ bắt đầu vươn lên trở thành nhân tố bứt phá, dẫn đầu cho sự tăng trưởng, vượt qua cả yếu tố vốn.
Đây là giai đoạn Chính phủ Việt Nam đã có những điều chỉnh quan trọng về chính sách đối với hoạt động ứng dụng công nghệ, và một loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đã triển khai những nhiệm vụ hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia công nghệ để phát triển sản phẩm với sự hỗ trợ của nhà nước.
Sự gắn kết này đã góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp SME và đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ trong thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, ở tất cả các giai đoạn, sự gia tăng ngày càng nhanh về đầu tư ứng dụng và đổi mới công nghệ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp khó theo kịp về mặt tổ chức, cơ cấu và quản lý.
Kết quả là tốc độ cải thiện hiệu suất thực tế của doanh nghiệp không tương ứng với tốc độ thay đổi của bối cảnh công nghệ - biểu hiện ở chỗ sự đóng góp của cải thiện hiệu suất đều ở mức âm trong tăng trưởng đầu ra trên lao động.
Tác động khác nhau ở các ngành kinh tế
Các nhà nghiên cứu cho biết, tác động của công nghệ đến tăng trưởng sản lượng đầu ra trên lao động của các ngành kinh tế rất khác nhau.
Công nghệ đóng góp rất ít cho sự tăng trưởng sản lượng của các ngành nông nghiệp, dịch vụ (bán lẻ, bán buôn, lưu trú và thực phẩm).
Trái lại, các ngành như giao thông, chăm sóc sức khoẻ, máy tính và các dịch vụ liên quan khác đạt tốc độ tăng trưởng khá cao nhờ hoạt động cải thiện đổi mới công nghệ và cải thiện hiệu suất. Với các ngành này, vai trò của các doanh nghiệp đầu ngành nhằm mở rộng đường biên công nghệ cũng được thể hiện khá rõ nét.
Các ngành sản xuất, chế biến, chế tạo vẫn luôn là khu vực đóng góp quan trọng nhất vào tổng sản lượng đầu ra của Việt Nam (hơn 16%), và có vai trò chủ đạo đối với tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế quốc gia.
Sử dụng cách phân loại của OECD, nhóm nghiên cứu đã chia các ngành sản xuất, chế biến, chế tạo thành bốn nhóm công nghệ cao, công nghệ trung bình cao, công nghệ trung bình thấp, và công nghệ thấp - với cường độ R&D (chi tiêu cho R&D trên doanh thu) lần lượt là từ 5% trở lên, từ 3-5%, 0,9% - 3%, và dưới 0,9%.
Theo phân tích, thâm dụng vốn và mở rộng đường biên công nghệ là hai yếu tố chính đóng góp vào tăng trưởng sản lượng đầu ra trên lao động của ba nhóm phân ngành - công nghệ cao (điện - điện tử...), công nghệ trung bình cao (máy móc, thiết bị, hóa dược, ô tô, xe máy...), và công nghệ trung bình thấp (than, dầu mỏ, nhựa/polymer, cao su, thu gom rác thải và xử lý rác...).
Trong khi đó, tại phân nhóm chế biến chế tạo công nghệ thấp (chế biến thực phẩm, dệt may, may mặc, sản phẩm gỗ, giấy và in ấn), sự tăng trưởng sản lượng đầu ra trên lao động chủ yếu dựa trên vốn, kèm theo các nỗ lực đổi mới công nghệ ở một số ít doanh nghiệp.
Nhóm nghiên cứu cho biết, trong năm 2025, họ có kế hoạch cập nhật báo cáo để phản ánh dữ liệu mới nhất.
Tin đăng KH&PT số 1347 (số 23/2025)