Trong bài viết trước, chúng tôi đã kể về quá trình chuyển đổi số đã dẫn đến việc tạo ra sản phẩm mới, giá trị mới, thậm chí là từ những phụ phẩm nông nghiệp tưởng chừng bỏ đi. Câu chuyện lần này là về quá trình chuyển đổi số đã góp phần vừa tạo ra dịch vụ mới vừa bảo tồn văn hóa bản địa như thế nào.
Trong hành trình khám phá tiềm năng của chuyển đổi số tại Tây Bắc, chúng tôi đã có câu chuyện mới đến từ Hà Khuyên Homestay tại Bản Phụ Mẫu, xã Chiềng Yên, Vân Hồ, Sơn La. Không chỉ khách trong nước, mà cả khách nước ngoài đã biết đến Hà Khuyên với dịch vụ nghỉ dưỡng ấm cúng. Trong quá trình đón khách tới lưu trú, homestay này đã nghĩ đến nhiều trải nghiệm cho khách, tận dụng những hoạt động và sinh hoạt ở địa phương như tour hái chè hay thăm làng nghề làm quả còn của người Thái trắng. Bất ngờ là tour thăm làng nghề làm quả còn được nhiều người đặc biệt thích. Và đó là điểm khởi đầu cho quá trình “chuyển đổi số” của họ.
Họ đã “số hóa” quy trình làm quả còn này bằng cách quay video, chụp ảnh chi tiết và chân thực quá trình làm quả còn: từ khâu chọn vải, may vá tới trang trí để giới thiệu trên mạng xã hội. Họ còn tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến về nghề thủ công này cho những người quan tâm nhưng không thể trực tiếp tham gia.
Dẫu mới chỉ là bước đầu chuyển đổi số, nhưng bước đi đầu tiên này không chỉ có ích trong việc quảng bá một tour du lịch mới mở mà còn khởi đầu cho một mô hình kinh doanh mới xoay quanh trò chơi đầy màu sắc của người Thái trắng này. Những quả còn hình tứ diện với dải tay cầm đầy tua rua màu sắc sặc sỡ sẽ được người chơi tung sao cho lọt qua một chiếc vòng dựng cao 10m trong lễ hội Xuân, cầu mong tài lộc, may mắn,…dễ dàng lôi cuốn người xem.
Không chỉ dừng lại ở tổ chức các tour tham quan, tổ chức các “lớp học” dạy làm quả còn, Hà Khuyên còn nhận được đơn đặt hàng quả con qua mạng đầu tiên để làm quà tặng trong các giỏ quà Tết. Họ cũng đang hoàn thiện kĩ năng quay, dựng video, kể chuyện…để làm các khóa hướng dẫn làm quả còn online.
Trong thời gian tới, họ dự định mở rộng tập khách hàng, bán quả còn đại trà hơn để bất cứ du khách nào cũng có thể mua sản phẩm về làm quà, hoặc đặt mua các bộ kit làm quả còn qua mạng và bán thêm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác cho người dân trong bản để gia tăng thu nhập cho mọi người.
Một câu chuyện khác, ở vùng đất nổi tiếng với chè Shan Tuyết, những tài nguyên như môn đá bóng Bản Liền và hát then của người Tày cũng đang có cơ hội phát triển thành những mô hình kinh doanh phục vụ du lịch mới. Đá bóng từng là một phần không thể thiếu trong đời sống của người Tày – nhưng đã dần mai một.
Khác biệt với bóng đá thông thường, những trận đấu của người Tày diễn ra mộc mạc trên những sân ruộng vừa mới gặt, không có niêm luật chặt chẽ và chớp nhoáng (mỗi hiệp có thể chỉ kéo dài 10 phút) với những cầu thủ trong trang phục truyền thống.
Với mong muốn làm sống lại ký ức này, Bản Liền đã tổ chức các trận đấu đá bóng truyền thống giữa các du khách và đội bóng bản địa. Nhưng vẫn không nhiều du khách biết tới bộ môn này.
Kể từ khi những trận đấu được số hóa thành các clip lan truyền mạng xã hội, mọi chuyện đã khác. Anh Vàng A Bình ở Bản Liền Homestay đã biến trải nghiệm này thành một dịch vụ trong nhiều năm qua. Du khách có thể chọn mua vé xem đá bóng hoặc cùng tham gia trận đấu với người địa phương. Song song với đó, tài sản hát then của người Tày ở Bản Liền cũng đang được chính quyền hỗ trợ để phát triển thành đội văn nghệ Bản Liền biểu diễn các bài hát cổ truyền, và dự kiến cũng đang được số hóa theo cách này để trở thành một dịch vụ, làm giàu thêm trải nghiệm văn hóa cho du khách.
Sự tồn tại của mạng xã hội cho phép ai, ở bất kì đâu cũng có thể sáng tạo nội dung. Những nội dung số này, ban đầu có thể chỉ để quảng bá một sản phẩm dịch vụ nhưng về sau nó có thể mở ra cả một mô hình kinh doanh mới. Những hoạt động văn hóa của các dân tộc vùng cao chỉ cần thể hiện một cách trung thực, mộc mạc đã chứa đầy sự độc đáo để lôi cuốn người xem, kể cả khi các video hay những tấm ảnh không hề được chỉnh sửa và biên tập cầu kỳ, hoa mỹ. Quá trình “chuyển đổi số” này mở ra vô số những khả năng kinh doanh các dịch vụ du lịch, trải nghiệm, bởi vậy có thể truyền cảm hứng và động lực cho những người dân địa phương tiếp tục lưu giữ và bảo tồn những giá trị, văn hóa của mình.
Nhưng hành trình này cũng gặp phải nhiều rào cản. Một trong những thách thức nổi bật là việc nhận diện và khai thác nét đặc sắc văn hóa vẫn còn rời rạc, chưa thực sự chuyển hóa được thành các sản phẩm, trải nghiệm dịch vụ chất lượng cao. Nhiều giá trị văn hóa quý giá chưa được định hình rõ ràng để chuyển thành các sản phẩm hoặc trải nghiệm có thể thu hút du khách và nâng cao giá trị kinh tế. Số hóa các nội dung bằng ngôn ngữ bản địa, kết hợp với tiếng Anh, tiếng Pháp và các ngôn ngữ phổ biến lại thiếu hụt nghiêm trọng cả về chất lượng và số lượng.
Ngay cả khi số hóa có thể được thực hiện dễ dàng hơn với sự tham gia đồng sáng tạo của cộng đồng, thì việc định giá các trải nghiệm và tính phí dịch vụ, lựa chọn phân khúc khách hàng có chất lượng cao, trân trọng và tôn trọng văn hóa bản địa ngay từ ban đầu cũng là những thách thức rất lớn.
Thêm vào đó, cộng đồng địa phương – nơi lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa sống động – đôi khi chưa thực sự nhận thức được tiềm năng mà chuyển đổi số có thể mang lại cho việc bảo tồn di sản và phát triển kinh tế. Sự thiếu niềm tin hoặc thiếu hiểu biết này đã làm chậm lại quá trình áp dụng công nghệ và đổi mới, cản trở khả năng tận dụng những lợi thế độc đáo của văn hóa Tây Bắc.
Từ góc độ đổi mới sáng tạo và phát triển mô hình kinh doanh, những rào cản này không chỉ làm chậm lại quá trình khai thác giá trị mà còn làm tăng chi phí và rủi ro cho các nỗ lực chuyển đổi số. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tạo điều kiện để cộng đồng địa phương tham gia một cách chủ động hơn, đồng thời xây dựng năng lực nhận diện, sáng tạo và số hóa giá trị văn hóa. Nếu không vượt qua những rào cản này, tiềm năng gia tăng giá trị từ chuyển đổi số sẽ không thể được phát huy một cách trọn vẹn.
Lào Cai và Sơn La, với kho báu văn hóa từ ruộng bậc thang kỳ vĩ đến các lễ hội truyền thống đặc sắc, chính là những vùng đất đầy tiềm năng trong kỷ nguyên số. Công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) hay trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ giúp tái hiện phong tục tập quán, nghi thức văn hóa mà còn biến những câu chuyện dân gian sống lại theo cách hấp dẫn du khách toàn cầu.
Như cách Ý tái hiện thành phố cổ Pompeii qua AR, hay Nhật Bản số hóa bảo tàng để du khách có thể “tham quan” từ xa, văn hóa Tây Bắc cũng hoàn toàn có thể tiếp cận thế giới qua những công cụ công nghệ tương tự. Từ điệu múa khèn của người Mông đến lễ hội xòe Thái, những nét đẹp văn hóa ấy không chỉ hiện lên qua ảnh mà có thể trở thành trải nghiệm sống động đối với du khách khắp nơi.
Chuyển đổi số, trong trường hợp này, không chỉ đơn thuần là công cụ hiện đại mà còn là chìa khóa giúp cộng đồng địa phương nhận ra sức mạnh văn hóa tiềm tàng. Từ việc số hóa các giá trị văn hóa để quảng bá, đến tìm kiếm những hình thức kinh doanh mới, tất cả đều hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững. Những câu chuyện như của Hà Khuyên Homestay và Bản Liền không chỉ minh chứng cho khả năng thay đổi của cộng đồng, mà còn khẳng định rằng, trong kỷ nguyên số, văn hóa có thể là động lực kinh tế và bản sắc vẫn có thể là lợi thế cạnh tranh.
Hành trình này mới chỉ bắt đầu, nhưng những thành công sơ khởi đã thắp lên hy vọng lớn cho tương lai của chuyển đổi số tại vùng cao Tây Bắc.
Bài đăng KH&PT số 1322 (số 50/2024)