Hàng trăm ngàn người đã biểu tình ở London để yêu cầu quyền bầu cử đối với các điều khoản của thỏa thuận Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Các nhà khoa học đã xuống đường phố London vào ngày 23 tháng 3 trong một cuộc biểu tình lớn, kêu gọi quyền được bỏ phiếu của người dân Anh với các điều khoản của Brexit.
Các nhà khoa học tuần hành chống lại Brexit và nói rằng Brexit sẽ làm hỏng khoa học của Vương quốc Anh và châu Âu.
Một số nhà nghiên cứu mặc áo khoác phòng thí nghiệm, kính bảo hộ và giữ bảng hiệu khi họ diễu hành. Những người khác nói với Nature rằng họ đang biểu tình yêu cầu dừng Brexit. Những nhà khoa học này nói rằng chỉ viễn cảnh của Brexit đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc tuyển dụng, hợp tác các nhà nghiên cứu của EU, và chuỗi cung ứng vật liệu của các phòng thí nghiệm.
Đối với các nhà khoa học, "bất kỳ hình thức nào của Brexit đều xấu", theo Stuart Conway, một nhà sinh hóa học tại Đại học Oxford, người đã tham dự cuộc tuần hành và muốn người dân Anh có cơ hội bỏ phiếu một lần nữa về Brexit, với lựa chọn ở lại EU.
Cuộc biểu tình của các nhà khoa học được tổ chức bởi nhóm chiến dịch Scientist for EU và là một phần của cuộc biểu tình lớn hơn được điều phối bởi các tổ chức chiến dịch bao gồm Open Britain, một nhóm ủng hộ châu Âu và phản đối các khía cạnh trong thỏa thuận của Thủ tướng Anh Theresa May, Brexit.
Thỏa thuận Brexit, được thống nhất giữa các quan chức Anh và EU vào tháng 11 năm ngoái, đã gây chia rẽ trong các chính trị gia Anh. Thỏa thuận này cho phép Vương quốc Anh rời khỏi EU và bước vào giai đoạn chuyển tiếp 20 tháng trong đó mối quan hệ EU - UK, bao gồm các quy tắc tài trợ khoa học và nhập cư, vẫn giữ nguyên như cũ. Trong thời gian này, hai bên sẽ đàm phán các điều khoản của mối quan hệ tương lai giữa Vương quốc Anh và khối EU.
Phong trào toàn quốc
Các nhà tổ chức biểu tình dự kiến 300.000 người từ khắp Vương quốc Anh sẽ tham gia cuộc tuần hành, bắt đầu gần Công viên London và kết thúc bằng các bài phát biểu tại Quảng trường Quốc hội. Các báo cáo ban đầu về quy của mô đám đông cho thấy có tới 1 triệu người có thể đã tham dự.
Angella Bryan, một nhà khoa học lâm sàng liên kết với Đại học Manchester đã thức dậy lúc 6 giờ sáng để đến London. "Đây là tương lai của chúng tôi và chúng tôi đang lãng phí tiền bạc khi không ở trong EU. Chúng tôi cần phải ở đây và dẹp bỏ Brexit", cô nói.
Stephen McLaughlin, nhà vật lý sinh học tại Phòng thí nghiệm Sinh học phân tử của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa ở Cambridge, nói rằng ông tuần hành để hỗ trợ khoa học Vương quốc Anh. Ông vừa trở về từ một cuộc họp sinh lý học ở Zagreb, nơi tập hợp các nhà nghiên cứu châu Âu và "chúng tôi chia sẻ các ý tưởng, phương pháp tốt nhất và chúng tôi được tài trợ cho các chuyến thăm ngắn hạn", ông nói. "Điều quan trọng là chúng tôi sử dụng những người hàng xóm của mình [các nước EU] để tăng cường khoa học Vương quốc Anh", ông nói thêm. "Tất cả mọi người đều khá lo lắng về những gì sắp xảy ra."
Susan Lea, một nhà sinh vật học cấu trúc tại Oxford, người đã tham dự cuộc biểu tình cùng với nhóm của cô, nói rằng 3/4 nhóm của cô đến từ bên ngoài Vương quốc Anh. "Chúng tôi gặp vấn đề lớn khi tuyển dụng. Chúng tôi đã có một vài người rút ra ngay trước khi phỏng vấn xin việc", cô nói. "Châu Âu và sự vận động của các nhà khoa học là cốt lõi đối với những gì chúng tôi làm trong khoa học."
Suy nghĩ hợp lý
Kể từ trước cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng 6 năm 2016, thời điểm người dân Anh bỏ phiếu thuận cho việc rời khỏi EU với sự chênh lệch nhỏ, các nhà khoa học Anh đã nói rằng Brexit sẽ là một thảm họa cho nghiên cứu. Sự chia rẽ này sẽ phá vỡ sự hợp tác, nhập cư và tài trợ, họ nói, ngoài ra Brexit cũng có thể sẽ loại các nhà khoa học Anh khỏi các chương trình nghiên cứu trị giá nhiều triệu euro của EU, các chương trình đã từng mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho khoa học Anh trước đây.
Nhiều nhà khoa học và các nhà lãnh đạo nghiên cứu đã nói rằng chỉ riêng sự bất ổn do Brexit gây ra đã gây thiệt hại cho khoa học của Anh và châu Âu. "Đây là một vấn đề quan trọng đối với các nhà khoa học vì khoa học phải dựa trên những suy nghĩ hợp lý, sự thật, sự hợp tác và cởi mở. Brexit về cơ bản đi ngược lại tất cả những giá trị này", Jean-Martin Lapointe, một nhà nghiên cứu dược phẩm tại công ty dược phẩm AstraZeneca gần Cambridge. Ông nói rằng mặc dù các nhà khoa học thường không có tiếng nói về chính trị, ông vẫn cảm thấy cần phải tham gia.
Lapointe cho biết thêm, AstraZeneca đã gặp vấn đề với giấy phép và vận chuyển mẫu vì Brexit. "Mọi người đang từ chối thực hiện các kế hoạch liên quan đến việc hợp tác với các địa điểm và quốc gia bên ngoài, và điều này ảnh hưởng lớn đến nhiều khía cạnh trong nghiên cứu của chúng tôi", ông nói thêm.
Các đàm phán
Cho đến nay, các thỏa thuận của Theresa May không được các thành viên Nghị viện (nghị sĩ) của Anh chấp thuận. Nghị viện Anh đã hai lần từ chối các thỏa thuận được đưa ra.
Nếu thỏa thuận không được thông qua, Theresa May có thời hạn đến ngày 12 tháng 4 sẽ tạo ra một hướng đi mới hoặc Vương quốc Anh sẽ thoát khỏi EU mà không có bất kỳ thỏa thuận thương mại hoặc di cư nào. Nếu không đạt được thỏa thuận, rất có thể Vương quốc Anh sẽ rơi vào hỗn loạn. Kịch bản không có thỏa thuận này sẽ lập tức cắt Anh khỏi các tài trợ nghiên cứu của EU và gián đoạn các thử nghiệm lâm sàng, thu thập dữ liệu và nhập khẩu vật tư phòng thí nghiệm. Mặc dù chính phủ đã đồng ý rằng họ sẽ bù đắp số tiền bị mất từ các khoản tài trợ hiện có của EU, nhưng chi tiết quy trình này vẫn chưa rõ ràng.
Hơn bốn triệu người hiện đã ký một bản kiến nghị trên trang web của Nghị viện yêu cầu dừng Brexit. Các bên đã ký kết bao gồm Venki Ramakrishnan, một nhà sinh vật học cấu trúc đoạt giải Nobel và chủ tịch Hiệp hội Hoàng gia ở London, nhưng ông nói rằng ông ký dựa trên tư cách cá nhân. "Cá nhân tôi không thấy lợi ích gì cho khoa học Vương quốc Anh từ Brexit. Cần phải đảo ngược những thiệt hại về danh tiếng của Vương quốc Anh như một xã hội mở và nơi thu hút tài năng toàn cầu", ông Ramakrishnan, người không tham gia cuộc biểu tình, nói. Đã đến lúc các chính trị gia "phải xem xét việc đảo ngược hoặc cải thiện hành động tự làm hại ở cấp quốc gia này", ông nói.