Điều này càng làm cho chủng loài hoa lan tại Tây Nguyên và Việt Nam phong phú hơn.
Tiến sỹ Nông Văn Duy cho biết trong 8 loài hoa lan mới được tìm thấy, có 4 loài được tìm thấy tại Lâm Đồng gồm: Schoenorchis hangianae Aver., Taeniophyllum phitamii Aver., Sarcolyphis tichii Aver., Ludisia phongii Aver..
4 loài khác được tìm thấy tại 4 tỉnh còn lại của Tây Nguyên là Cymbidium repens Aver. & Thinh, Dendrobium thinhii Aver., Trichoglottis canhii Aver., Octarrhena minucscula Aver.
Các loài lan mới này được tiến sỹ Nông Văn Duy cùng cộng sự tìm thấy trong quá trình thực hiện đề tài khoa học “Điều tra họ Lan tại Tây Nguyên, nghiên cứu các cơ sở khoa học để bảo tồn, phát triển, sử dụng có hiệu quả và bền vững.”
Trong 2 năm thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã khảo sát thực địa tại 100 điểm còn rừng ở khu vực Tây Nguyên, thu được hàng ngàn số hiệu mẫu.
Trước đó, tiến sỹ Nông Văn Duy cũng đã hợp tác cùng giáo sư người Nga Averyanov, Viện Thực vật Komarop và các giáo sư Chen Tao, Dianxiang Zhang (Trung Quốc) đã xác định được 4 loài lan mới khác, định tên khoa học được 325 loài; phát hiện và mô tả được 3 chi lan loài mới (Corybas, Hymenorchis và Octarrhena) của Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã có 1.184 loài lan. Khu vực Tây Nguyên là khu vực có số loài lan hàng đầu hiện nay với 325 loài, 107 chi; trong đó có 88 loài lan đặc hữu có giá trị kinh tế. Riêng chi lan Dendrobium có số lượng loài lớn nhất với 49 loài.
Tuy nhiên, số lượng chi, loài hoa lan ngày càng có nguy cơ tuyệt chủng cao cùng với mức độ tàn phá rừng tự nhiên hiện nay.
Theo nhóm nghiên cứu của tiến sỹ Nông Văn Duy, khu vực Tây Nguyên hiện có đến 72 loài lan chưa có dẫn liệu khoa học và cũng chưa có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.