Cả trăm nghìn con trâu bò mua bán qua đường tiểu ngạch không được kiểm soát dịch bệnh có thể là cả trăm nghìn trung gian truyền bệnh sang đàn vật nuôi trong nước, hoặc thậm chí từ vật nuôi sang người.
Tờ mờ 5 giờ sáng, trong tiết trời se lạnh của vùng biên giới Đông Bắc, tiếng người quát tháo, tiếng còi xe cộ inh ỏi, tiếng trâu bò, tiếng tranh mua tranh bán… phá đi tĩnh lặng của thinh không. Chợ trâu bò Trà Lĩnh, Cao Bằng cứ 5 ngày lại họp một lần, bắt đầu từ mùng 4 âm hàng tháng là trạm trung chuyển phía Bắc đưa hằng trăm ngàn trâu bò từ các nước Đông Nam Á khác sang biên giới.
Sáu năm buôn trâu bò qua biên giới Việt - Trung, ông Mẫn, 42 tuổi, người Nùng, chẳng mấy khi bỏ sót phiên chợ nào. Cũng như hàng trăm tiểu thương buôn trâu bò theo đường tiểu ngạch ở chợ Trà Lĩnh, ông không quan tâm gì đến nguy cơ lây lan bệnh tật khi trâu bò không được kiểm dịch.
Lịch sử ghi nhận các ổ bệnh than, loại bệnh không chỉ đe dọa đến đàn gia súc mà còn lây lan cả sang người, thường tập trung tại khu vực biên giới phía Bắc, có tỷ lệ mắc cao nhất chính là các tỉnh vùng biên, bao gồm Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai và Sơn La.
Những trạm trung chuyển
Hiện nay lượng tiêu thụ bò thấp cùng với nguồn cung dồi dào đã thúc đẩy Myanmar xuất khẩu bò sang các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, và Việt Nam. So với các nước láng giềng, giá trâu bò sống ở Myanmar thấp hơn khu vực. Mức tiêu thụ thịt bò ở Myanmar thấp do phần lớn dân số theo đạo Phật tránh ăn thịt bò (dù nước này có đàn bò 10 triệu con, lớn gấp rưỡi Việt Nam). Ngoài ra, theo Nghiên cứu sinh tiến sĩ Yan Lin Aung tại Đại học Nông nghiệp Yezin, Myanmar, quốc gia này cũng chưa xây dựng chính sách thúc đẩy tiêu thụ bò nội địa.
Sau năm 2020, liên tiếp COVID, binh biến trong nước và sau đó Trung Quốc, nước nhập khẩu gia súc lớn nhất của Myanmar (chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2019) đóng cửa biên giới nên giá bò ở Myanmar càng giảm sâu (giá gia súc bán tại chuồng giảm 47%, và giá thịt bò nội địa giảm 17% so với cùng kỳ năm 2020, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu các vấn đề toàn cầu T.wai). “Chính những áp lực do các cuộc khủng hoảng liên tiếp này dẫn đến thừa nguồn cung tại Myanmar còn giá bán lại tiếp tục rẻ,” NCS Tiến sĩ Yan Lin Aung cho biết.
Nguồn cung trâu bò giá rẻ với số lượng lớn mang lại lợi nhuận cao hơn đã thu hút thương lái Việt Nam. Nhiều thương lái Việt dần chuyển sang buôn bò Thái và Myanmar trong hai năm trở lại đây.
Địa hình hiểm trở của những ngọn núi dọc biên giới giữa tỉnh Cao Bằng và Trung Quốc tạo ra những tuyến đường bí mật để buôn lậu gia súc.
Việt Nam vừa là thị trường tiêu thụ chính vừa là điểm trung chuyển cho trâu bò từ Thái Lan, Myanmar và Lào vào Trung Quốc. Từ 2015, đã có ước tính, khoảng 150,000 trâu bò đi theo các tuyến đường đường không chính thức, qua nhiều điểm trung chuyển ở Thái Lan, Lào, và Việt Nam sau đó vào thị trường Trung Quốc, hoặc từ Myanmar tới thị trường Thái Lan, Lào, và Việt Nam mỗi năm, theo nghiên cứu của Đại học Queensland, Australia.
Ở Việt Nam, theo quy định của Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trước khi vận chuyển động vật ra khỏi tỉnh, chủ hàng phải đăng ký kiểm dịch với Chi cục Thú y cấp tỉnh hoặc các Trạm Thú y được ủy quyền và nhận giấy chứng nhận kiểm dịch và phải trình chứng nhận này ở cửa khẩu biên phòng, các trạm kiểm dịch trên đường. Nhưng trâu bò nhập lậu thì không qua quy trình kiểm soát dịch như vậy.
Trước khi đến trạm trung chuyển phía Đông Bắc ở Trà Lĩnh, trâu bò được vận chuyển vào Việt Nam sẽ được đưa về “trạm dừng nghỉ” ở chợ trâu bò Đô Lương hoặc chợ Ú, xã Đại Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Đây là hai trong số những khu chợ trâu bò lớn nhất miền Bắc, mỗi ngày, hàng ngàn con bò được vận chuyển trái phép từ Thái Lan vào Nghệ An sẽ được nhốt cạnh trâu bò từ khắp các tỉnh trong cả nước cũng dừng nghỉ ở đây.
“Cả làng ai cũng buôn trâu bò,” ông Nam cùng nhiều người buôn trâu bò hai mươi năm nay tại xóm 1, Đại Sơn cho biết mỗi ngày gần 100 người Nghệ An tham gia trao đổi và mua bò trực tiếp tại các khu chợ dọc biên giới Thái Lan-Myanmar và Thái Lan-Lào.
Những con trâu bò đi khoảng 3600 km đường bộ (qua hai ngả: ngả từ Thái Lan vào Việt Nam, sau đó vào Trung Quốc khoảng 1600 km, ngả Myanmar vào Việt Nam khoảng 2000 km), với khoảng 11 điểm trung chuyểnở Lào, 8 điểm trung chuyển ở Việt Nam đã trở thành nơi tiếp nhận rủi ro dịch bệnh trên gia súc hàng đầu trong khu vực.
Là cửa ngõ giao thông đường bộ từ các nước Đông Nam Á vào Trung Quốc, Việt Nam gánh chịu nguồn lây rất lớn, và lịch sử truyền lây các bệnh trên gia súc cho thấy rất khó kiểm soát những nguồn lây này. Vấn đề nghiêm trọng hơn, như nghiên cứu của các nhà khoa học Viện vệ sinh dịch tễ trung ương và các nghiên cứu khác trước đó cũng cho thấy, dịch bệnh không chỉ “khu trú” ở các “điểm nóng” này mà còn lan rộng ra khắp các tỉnh thành. Mặt khác, các dữ liệu nghiên cứu còn chưa đầy đủ, đặc biệt là còn thiếu nhiều nghiên cứu về truyền lây bệnh qua gia súc vận chuyển xuyên biên giới nên có thể chưa đánh giá hết được các mối nguy tiềm ẩn, các dạng virus truyền lây qua con đường này.
Tại chợ Ú, trâu bò được nghỉ một ngày tại các trại vỗ béo để hồi lại sức trước khi tiếp tục hành trình theo hai ngả. Ngả một, được các thương lái đưa đi khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ngả hai, thương lái trong nước hoặc Trung Quốc đến mua để vận chuyển qua biên giới Trung Quốc (qua các chợ nổi tiếng như Trà Lĩnh, chợ Nghiên Loan (Bắc Cạn), và Bắc Hà (Lào Cai)).
Dẫu nhiều rủi ro truyền lây dịch bệnh do đàn bò trong nước, nhưng đó không phải là điều những thương lái như ông Mẫn hay ông Nam quan tâm, điều họ lo lắng chỉ là những may rủi khi buôn bán qua biên giới. Trạm biên phòng Trung Quốc không nhận hối lộ và vì vậy, nếu bị phát hiện, những tiểu thương phải chấp nhận mất trắng đàn bò. Ông Mẫn ngao ngán nhớ lại một lần cuối năm 2023, bò của ông bị bắt tại phía bên kia biên giới và khiến ông lỗ trắng gần 600 triệu cho chín con bò.
Không thể kiểm soát nguồn lây Trâu bò lậu di chuyển từ Thái về Việt Nam trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 24 giờ với rất ít điểm dừng hoặc kiểm tra sức khỏe từ lúc khởi hành cho đến khi đến nơi. Và cho dù có kiểm tra thì cũng chỉ phát hiện được những con đang nhiễm bệnh hoặc vừa mới khỏi, chứ không thể xác định những con đang ủ bệnh hoặc mang virus sau khi đã khỏi. Tiêu biểu, đối với bệnh lở mồm long móng, dịch bệnh nhiều lần gây thiệt hại nặng cho đàn gia súc, khả năng xác định và loại bỏ động vật bị nhiễm virus là vấn đề nan giải, việc đánh giá bằng mắt thường khó có thể phát hiện những con gia súc đang phục hồi nhưng vẫn mang virus hoặc đang trong giai đoạn ủ bệnh.
Hiện nay mọi cuộc kiểm tra trên đường đi chỉ nhằm kiểm tra hình thức của lô hàng - tức là đảm bảo số lượng và loại gia súc trên xe khớp với thông tin trên giấy phép vận chuyển.
“Bò ngoại vừa được chuyển xuống xe thì nhiều thương lái đã lùa bò ta vào. Bò đi vùng nọ vùng kia gây ra lan truyền về bệnh,” ông Phùng Thế Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn, Giám đốc của Trung tâm giống Gia súc Trung ương, cho hay. Hơn nữa, ông cho biết cùng xe đó nhiều người lại dùng để vận chuyển thức ăn cho bò khiến nhanh chóng lây lan hơn. Chưa kể, các xe vận chuyển không đảm bảo yêu cầu vệ sinh cũng là nguyên nhân gây ra việc lây chéo bệnh của trâu bò.
“Bệnh dịch do những đàn trâu bò này gây ra rất căng thẳng và ở mức báo động trong ngành. Lớn nhất là bệnh lở mồm long móng, sau đó đến bệnh viêm da nổi cục vì dù sao cũng đã kiểm soát tốt hơn và bệnh tụ huyết trùng. Đây là những bệnh gây nhức nhối trong xã hội,” ông Phùng Thế Hải cho biết.
Về dịch tễ học, dịch bệnh ở gia súc “có thể bùng phát từ nhiều nguồn khác nhau”, nhưng nguồn buôn gia súc lậu là “một nguy cơ lớn bởi vì mình không kiểm soát được, mình không tiêm phòng trước được và các gia súc này cũng không được kiểm soát chặt chẽ trên toàn bộ tuyến đường di chuyển cho nên cái khả năng mắc bệnh hoặc mang trùng của gia súc này rất lớn mình không kiểm soát được”, GS.TS Nguyễn Xuân Trạch, Giảng viên cao cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết.
Gánh nặng kiểm soát dịch bệnh luôn đè nặng lên vai mạng lưới thú y cơ sở, các cửa kiểm soát biên giới. Đơn cử, với bệnh viêm gia nổi cục ở trâu bò, loại bệnh mới chỉ xâm nhập vào nước ta từ cuối năm 2020, được phát hiện lần đầu tiên ở cũng chính ở tỉnh biên giới Cao Bằng – trạm trung chuyển cuối cùng trên con đường tiểu ngạch đưa gia súc vào Trung Quốc, thì đến năm 2022, cả nước phát sinh 257 ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tại 17 tỉnh, thành phố, theo Cục Thú y.
Để kiểm soát dịch bệnh, chính phủ đã ban hành nhiều chương trình tiêm vaccine cho đàn gia súc nhằm phòng chống các bệnh thường gặp, tiêu biểu là mục tiêu kiểm soát các bệnh dễ lây dan như tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục cho hơn 80% tổng đàn trâu bò.
Không chỉ kiểm soát đàn trâu bò trong nước, năm 2022, trước tình trạng trâu bò nhập lậu từ Lào, Campuchia, và Thái Lan tràn về ồ ạt, Cục Thú y gửi văn bản tới cơ quan thú y của ba quốc gia đề nghị thông cáo tình hình dịch bệnh. Nếu ba quốc gia trên không đáp ứng được yêu cầu về phòng chống dịch, đầu năm 2023, Cục sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quyết định dừng nhập khẩu trâu bò từ ba quốc gia này. Tuy nhiên, đến nay, chưa có cập nhật chính thức về phản hồi của ba nước.
Để giảm thiểu tình trạng buôn bán trâu bò trái phép cũng như giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của đàn gia súc nhập khẩu tới sức khỏe đàn gia súc nội địa và sức khỏe cộng đồng, các chuyên gia cho rằng cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan và có biện pháp cách ly phù hợp.
“Lực lượng biên phòng phải đảm bảo kiểm soát được biên giới. Còn khi nhập gia súc vào, cần kiểm soát để đảm bảo rằng đàn gia súc khi vào Việt Nam không còn bệnh nữa,” GS.TS Nguyễn Xuân Trạch nói. Giáo sư Nguyễn Xuân Trạch khuyến nghị, cần cách ly hai tuần để đảm bảo không cho những con mang bệnh vào trong nước và lan truyền cho đàn trâu, bò địa phương. Thời gian vận chuyển gia súc xuyên biên giới, chẳng hạn từ Thái Lan sang Việt Nam khoảng 24 giờ, đủ để virus lây lan, nhưng không phải lúc nào cũng đủ để biểu hiện các triệu chứng lâm sàng. Do đó, cần có xét nghiệm nhanh để xác định liệu gia súc có bị nhiễm bệnh hay không.
*Bài viết, trong khuôn khổ một báo cáo chung về nguy cơ của buôn bán gia súc lậu xuyên biên giới đến sức khỏe ở các nước Đông Nam Á, được thực hiện với sự hỗ trợ của Mạng lưới Báo chí Trái đất.
Bài đăng KH&PT số 1321 (số 49/2024)