Giáo sư Gwen Robbins Schug tại Đại học bắc Carolina ở Greensboro và các cộng sự đã theo dõi tác động của các sự kiện biến đổi khí hậu đột ngột đối với con người tại các khu vực trên thế giới - trong đó có Việt Nam - trong 5.000 năm qua, từ đó đưa ra khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách ngày nay.
Biến đổi khí hậu đột ngột xảy ra khi hệ thống khí hậu thay đổi một cách nhanh chóng, đó là sự thay đổi vượt ra ngoài dao động bình thường của khí hậu. Một nhóm gồm 25 nhà khoa học thuộc 21 trường đại học đã dành 10 năm để cùng phân tích, tổng hợp dữ liệu khảo cổ học sinh vật và công bố kết quả qua bài báo
Climate change, human health, and resilience in the Holocene trong
Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.
Theo Ủy ban về biến đổi khí hậu đột ngột của Hội đồng nghiên cứu quốc gia Hoa Kỳ, về mặt vật lý, biến đổi khí hậu đột ngột “là sự chuyển đổi của hệ thống khí hậu sang một chế độ khác trên thang thời gian nhanh hơn so với tác động bên ngoài”; về mặt tác động, "sự thay đổi đột ngột là sự thay đổi diễn ra quá nhanh và bất ngờ đến mức con người hoặc các hệ thống tự nhiên gặp khó khăn trong thích nghi".
Có thể kể đến một số sự kiện “đột ngột" trong quá khứ như sự thay đổi khí hậu của Greenland vào cuối thời kỳ lạnh (Younger Dryas), khi đó nhiệt độ bỗng đột ngột ấm lên 10°C trong vòng chỉ vài năm, hoặc sự kiện Nam Cực nóng lên 6°C trong vòng vài thập kỷ ở thời điểm 22.000 năm trước. Các mô hình về hệ thống Trái đất dự đoán: trong điều kiện tiếp tục phát thải khí nhà kính như hiện tại, đến năm 2047, nhiệt độ gần bề mặt của Trái đất có thể biến thiên ngoài phạm vi dao động trong 150 năm qua, ảnh hưởng đến hơn 3 tỷ người và sự đa dạng loài trên Trái đất.
Để ngăn chặn điều này, “trong những năm gần đây, các nhà khảo cổ học sinh vật - những người nghiên cứu di cốt người để hiểu về các quần thể trong quá khứ - đã bắt đầu tập trung vào tác động của các sự kiện biến đổi khí hậu đột ngột đối với các cộng đồng cổ xưa", TS. Robbins Schug giải thích trên trangPhys. "Chúng tôi đã phát hiện bằng chứng cho thấy khi các hiện tượng biến đổi khí hậu đột ngột xảy ra thì không tránh khỏi việc xảy ra các cuộc di cư, tranh chấp, bạo lực và sụp đổ xã hội trở".
Schug và các đồng nghiệp của bà đã đánh giá dữ liệu các bộ xương người và những phát hiện từ 37 nghiên cứu cổ sinh vật học về các quần thể sống từ 5.000 năm trước đến 400 năm trước. Họ xem xét các xã hội trải dài trên khắp thế giới - những khu vực mà ngày nay là Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Argentina, Chile, Ecuador, Anh, Ấn Độ, Niger, Oman, Pakistan, Peru.
Các rủi ro xảy đến
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, xã hội đô thị có phân chia thứ bậc sẽ chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, bởi họ thiếu sự linh hoạt để đối phó với các thách thức môi trường. “Họ sẽ gặp phải khó khăn nếu phụ thuộc phần lớn vào nông nghiệp”, Robbins Schug nói. "Các cộng đồng nông thôn nhỏ, liên kết với nhau, tận dụng nhiều tài nguyên địa phương và nguồn thực phẩm đa dạng từ chăn nuôi, canh tác quy mô nhỏ, săn bắn, đánh cá và hái lượm sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn."
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy, khi các sự kiện biến đổi khí hậu đột ngột xảy đến, cộng đồng đô thị với mức độ bất bình đẳng kinh tế cao có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm và bạo lực cao hơn cả. "Bệnh tật và bạo lực lan rộng," Schug cảnh báo. "Nếu chúng ta muốn bảo vệ một cộng đồng trước những thay đổi đột ngột, thì ta không thể để những người dễ bị tổn thương chiếm một phần lớn trong dân số."
Ngoài ra, các nhà khoa học còn đặc biệt quan tâm đến sự thay đổi môi trường sống của côn trùng, chẳng hạn như muỗi Anopheles, vật chủ mang mầm bệnh sốt rét (Plasmodium spp.). Ngày nay, sốt rét là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, nó có thể dẫn đến loãng xương, di chứng thần kinh và suy giảm nhận thức, đồng thời gia tăng sự nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng khác - chẳng hạn như vi khuẩn bệnh lao và bệnh do giun sán gây ra. PPlasmodium spp.gây ra hơn 240 triệu đợt sốt rét mỗi năm, đây cũng là căn bệnh làm gia tăng tỷ lệ thiếu máu di truyền ở người.
Nghiên cứu cho thấy rằng trong quá khứ, việc con người thay đổi, cải tạo cảnh quan đã mang bệnh sốt rét đến những khu vực mà lúc bấy giờ nó không phải là bệnh lưu hành (bệnh lưu hành là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định). Theo thời gian, bệnh sốt rét lưu hành đã dẫn đến hệ quả là tỷ lệ mắc bệnh thalassemia cao ở miền nam châu Âu - nơi thường xuyên xảy ra nạn phá rừng và lấn chiếm môi trường đầm lầy để đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp (thalassemia là một nhóm các bệnh thiếu máu do tan máu di truyền hồng cầu nhỏ, đặc trưng bởi sự khiếm khuyết trong tổng hợp huyết sắc tố).
Mặc dù nông nghiệp là yếu tố quan trọng thúc đẩy bệnh sốt rét ở Địa Trung Hải, nhưng nông nghiệp không phải lúc nào cũng là nguyên nhân khởi phát sốt rét. Ví dụ, ở vùng nhiệt đới miền Bắc Việt Nam, bệnh sốt rét vốn đã là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với cư dân vào khoảng 7.000 năm trước. Nguy cơ mắc bệnh sốt rét sau đó tiếp tục gia tăng cùng với sự bùng nổ dân số, hoạt động nông nghiệp, thủy lợi và giải phóng mặt bằng ngày càng phát triển.
Những nghiên cứu trên sẽ là nền tảng để các nhà khoa học tìm kiếm các phương thức ngăn chặn cần thiết. Khi Trái đất ấm lên, họ hy vọng những phát hiện trong hiện tại và tương lai của họ có thể giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các biện pháp ưu tiên nhằm giảm thiểu đại dịch, nghèo đói và bạo lực.
"Nếu thành công, các chiến lược này sẽ hỗ trợ sinh kế nông thôn, khuyến khích các hoạt động canh tác đa dạng để có được nguồn thực phẩm bền vững, thúc đẩy phân phối công bằng, duy trì khả năng ứng phó khi xảy ra rủi ro, xây dựng mối quan hệ cùng có lợi giữa các cộng đồng”, Schug nói.