Chỉ vài tuần sau khi có thông tin về việc các nhân viên y tế kiệt sức dưới tiết trời đỏ lửa của tháng năm, những chiếc áo làm mát đến từ hai đơn vị nghiên cứu khác nhau đã ra đời, giúp vơi bớt phần nào cái nóng nực, mỏi mệt của mùa hè cho đội ngũ nhân viên tuyến đầu phòng chống dịch.
Hình ảnh các y bác sĩ đang căng mình để có thể vừa lấy mẫu, vừa xử lý được số lượng mẫu khổng lồ với thời gian ngắn nhất, vừa đảm bảo việc chăm sóc cho các bệnh nhân khiến những người làm nghiên cứu suy nghĩ về một giải pháp làm vơi đi phần nào vất vả của họ, dù không được ai “đặt hàng”. Và những chiếc áo làm mát do Viện Ứng dụng Công nghệ (Nacentech) Bộ KH&CN và Viện Kỹ thuật Hóa học (Trường đại học Bách khoa HN) chế tạo chính là một sản phẩm chứng minh cho điều ấy.
Giải pháp kịp thời
Vừa lấy chiếc áo làm mát được “cấp đông” trong tủ lạnh ra, ThS. Lê Bình Dương (Viện Ứng dụng Công nghệ) vừa hào hứng giới thiệu về tính năng và cách thức hoạt động của chiếc áo đặc biệt. Được thiết kế để mặc bên ngoài đồng phục y tế và bên trong lớp áo bảo hộ, áo hạ nhiệt với tên gọi ACG (Air Cooling Gilet) do nhóm PGS.TS Mai Anh Tuấn (Viện Ứng dụng Công nghệ) chế tạo đem lại cảm giác mát mẻ, dễ chịu cho người sử dụng trong gần 3 tiếng đồng hồ. “Mức nhiệt ban đầu khi mặc là 21°C và tăng dần lên 32°C trong vòng 2 tiếng, rồi sau đó giữ ổn định ở mức nhiệt độ này thêm 1 tiếng đồng hồ nữa”, nhóm nghiên cứu cho biết. Sau mỗi lần sử dụng, người mặc chỉ cần xịt cồn lên bề mặt áo để vệ sinh và đặt áo vào tủ đông (-10°C) trong khoảng 2 giờ hoặc trong tủ đá (0°C) trong 4 giờ là có thể tiếp tục tái sử dụng thêm nhiều lần nữa. Quan trọng hơn, áo chỉ nặng 1,3 kg, phù hợp với cả các nhân viên có thể trạng nhỏ bé, thuận tiện cho việc vận động và làm việc trong suốt hàng giờ liền.
Áo làm mát của Viện Ứng dụng Công nghệ. Ảnh: Mỹ Hạnh
Áo có hai phần chính là thân áo và những chiếc túi gel. Trong đó, phần áo được làm từ vải không dệt tráng Polyphenyl Ether, có tác dụng chống nước và biết “thở”, được thiết kế theo chiều cao trung bình của người Việt và có thể dễ dàng thao tác như mặc, cởi, cúi,... cũng như rất dễ vệ sinh, cấp đông và tái sử dụng. Còn các túi gel - bộ phận quan trọng nhất tạo nên tác dụng hạ nhiệt cho áo - là vật liệu chuyển pha, gồm một hỗn hợp polyme và muối ăn đã được Mỹ, EU và Nhật Bản chứng nhận chất hợp chuẩn và không độc hại, kết hợp cùng một số phụ gia an toàn có kích thước nano nhằm kéo dài thời gian làm mát, nhóm nghiên cứu cho biết.
Để thuận tiện cho người mặc, vật liệu được nhóm của PGS.TS Mai Anh Tuấn đóng thành các gói riêng, có thể dễ dàng tháo ra và đặt vào áo tùy nhu cầu sử dụng. Vị trí đựng các túi đã được nhóm tính toán kỹ để vừa đảm bảo khả năng hạ nhiệt, vừa không khiến người mặc cảm thấy khó chịu hay lạnh bụng. Chưa hết, họ còn nghĩ đến một thiết kế đặc biệt dạng cấu trúc tổ ong cho các túi đựng gel nhằm giảm tiếp xúc trực tiếp giữa cơ thể với vật liệu làm mát, cũng như kéo dài khoảng nhiệt độ bão hòa. Khi áo hết mát, các vật liệu trong túi cũng vẫn giữ được hình dạng ban đầu, không gây bất tiện cho người sử dụng.
Cùng lúc đó, ở một phòng thí nghiệm khác tại Viện Kỹ thuật Hóa học (Đại học Bách khoa HN), ba sinh viên năm thứ tư gồm Phạm Đình Giỏi, Nguyễn Thị Hương Hảo, và Kiều Thị Thùy Linh, cùng với sự cố vấn của PGS. Vũ Đình Tiến (trưởng Bộ môn Máy và Thiết bị công nghiệp Hóa chất) cũng vừa chuyển đi 50 chiếc làm mát do nhóm chế tạo cho Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và một cơ sở y tế ở Bắc Ninh. Chiếc áo của họ hoạt động theo cơ chế: tuần hoàn nước lạnh. Theo đó, nước sẽ đi từ một bình đựng nước và đá, qua một ống dẫn được “chạy” trong áo để làm mát cơ thể người mặc, rồi sau đó lại tuần hoàn về hộp đựng và tiếp tục lặp lại quy trình này. Với một chiếc bơm nhỏ được gắn vào hộp đựng và chạy bằng sạc pin điện thoại dự phòng, thời gian làm mát có thể kéo dài đến vài tiếng và người sử dụng hoàn toàn có thể điều chỉnh nhiệt độ bằng cách tăng giảm lưu lượng nước chảy qua các ống.
Áo làm mát của nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa khi mặc với áo bảo hộ. Ảnh: NVCC
Áo làm mát này gồm bốn lớp: một lớp vải chống thấm, một lớp cách nhiệt, một lớp vải kháng khuẩn và cuối cùng là một lớp chống thấm nữa. Giữa lớp chống thấm và lớp kháng khuẩn, nhóm sắp xếp một đường ống sao cho bao phủ toàn bộ tiết diện của áo và có các nhánh để nối với chiếc hộp đựng nước đá đặt trong ba lô giữ nhiệt. Hai nhánh ra - vào được nhóm thiết kế để có thể luồn qua khe hở giữa phần cổ và cằm của áo bảo hộ, do đó vẫn đảm bảo chức năng bảo vệ của áo.
Khối lượng của cả áo và balo nước đá cũng chỉ nặng khoảng 1,3-1,5kg. “Trong thời tiết nóng nực hiện nay, mỗi lần đổ đầy nước và đá, áo có thể giữ mát cho người mặc trong khoảng 2 tiếng với nhiệt độ đầu tiên là khoảng 24°C và tăng dần lên nhiệt độ ban đầu nước”, Giỏi giải thích. Đặc biệt, với thiết kế balo đeo bên ngoài, các ý bác sĩ hoàn toàn có thể dễ dàng tiếp thêm đá - một nguyên liệu gần như ở đâu cũng có - mà không cần phải cởi bỏ áo bảo hộ, “do vậy thậm chí có thể duy trì khả năng làm mát cả ngày nếu có đủ pin dự phòng”, nhóm sinh viên cho hay.
Chạy đua với thời gian
Ở hai chiếc áo hạ nhiệt trên là hai nguyên lý hoạt động khác nhau, song những người làm ra những chiếc áo ấy lại gặp nhau ở một điểm chung: tất cả đều chạy đua với thời gian để kịp ra sản phẩm chi viện cho đội ngũ nhân viên y tế.
Trước khi bắt tay vào thực hiện, nhóm của Phạm Đình Giỏi đã có chút kinh nghiệm chế tạo mũ bảo hiểm làm mát. Do đó, khi chuyển qua thiết kế áo làm mát, họ đã có một số ý tưởng khác nhau và cuối cùng quyết định chọn chính nguyên lý mà thầy đã dạy.
Để đánh giá hiệu quả làm mát, nhóm mất hơn một tuần chỉ để thử nghiệm các mẫu áo, thiết kế cách sắp xếp ống. Từ những sinh viên đang đi làm nhiều công việc để trang trải cuộc sống, họ lựa chọn tạm dừng lại để tập trung vào nghiên cứu chiếc áo. Chọn thời điểm nắng nóng nhất trong ngày, các bạn đã thử nghiệm: mặc mẫu áo làm mát mà lúc bấy giờ mới là phiên bản đầu tiên bên trong, khoác bên ngoài chiếc áo khoác dày lót bông, ngồi ngoài hành lang giữa xung quanh là các cục nóng của điều hòa từ các nhà bên để trải nghiệm cảm giác gần nhất với các nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ. Sau 1 tiếng rưỡi, trong khi hai người bạn còn lại không dùng chiếc áo này đã ướt sũng mồ hôi thì Giỏi vẫn cảm thấy mát mẻ. Cả nhóm mừng rỡ nói với nhau: bắt đầu có hiệu quả rồi.
Suốt ba tuần sau đó, họ chạy đi chạy lại khắp Hà Nội để tìm từng “linh kiện” cần thiết từ chiếc ống, máy bơm đến balo, hộp đựng đá,... sao cho phù hợp nhất với việc dùng trong thực tế. “Đỏ mắt” tìm nguyên vật liệu chưa xong, nhóm lại vấp thêm một khó khăn khác là gõ cửa nhà may nào thì cũng bị từ chối vì không nơi nào biết cách may một chiếc áo với thiết kế chưa từng có sẵn mẫu. Rất may mắn là sau khi nắm được thông tin, một giảng viên khác của trường là PGS. Lã Thị Ngọc Anh, nguyên trưởng Bộ môn May và Thời trang, Viện Dệt may Da giày và Thời trang đã “xắn tay” vào hỗ trợ và cùng góp ý cho nhóm từ khâu thiết kế đến khâu may và hoàn thiện chiếc áo để đưa sang Bệnh viện Đại học Y xin đánh giá thực tế của nhân viên y tế. "Đây là một sản phẩm rất nhân văn và hiệu quả với những nhân viên y tế ở tâm dịch", anh Trần Đức Phong, điều dưỡng trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại (Bệnh viện Đại học Y), chia sẻ.
Với nhóm của PGS.TS Mai Anh Tuấn, tiến độ các công việc khác của họ cũng đã bị chậm lại hết để dành thời gian tập trung vào hoàn thiện chiếc áo làm mát, "sao cho có thể nhân rộng ra để hàng nghìn người được sử dụng”. Xung quanh phòng làm việc của nhóm PGS.TS Mai Anh Tuấn tại Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KHCN (Viện Ứng dụng Công nghệ) có treo 4 chiếc áo lưới, áo vải không dệt,... với đủ kiểu thiết kế khác nhau. Đây là một vài phiên bản cũ của chiếc áo hạ nhiệt mà họ vừa phát triển. Để áo thực sự phù hợp với nhu cầu sử dụng của các bác sỹ, nhóm đã phải liên tục trao đổi và tìm kiếm sự tư vấn của các bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Đại học Y tế Công cộng và Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock.
“Thậm chí, ngay cả khi áo đã chuyển đi, chúng tôi vẫn tiếp tục góp ý với anh Tuấn để cải tiến”, TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, người đã đồng hành với nhóm của PGS.TS Mai Anh Tuấn từ khâu tư vấn thiết kế, phòng chống nhiễm khuẩn và phân phối áo đến các cơ sở y tế, cho biết. “Khi sản xuất ra một chiếc áo sẽ phải nghĩ đến rất nhiều thứ chứ không phải chỉ có mát hay không. Nhóm của anh Tuấn rất cẩn trọng trong việc đó, họ luôn suy nghĩ, đi tham khảo ý kiến và lắng nghe đề điều chỉnh rất nhiều”. Dưới góc độ của một chuyên gia về y tế dự phòng, chị đánh giá “chiếc áo làm mát của nhóm là một giải pháp rất hữu hiệu và an toàn để sử dụng trong phòng chống dịch”. Kết quả là hơn 1000 chiếc áo hạ nhiệt đã được nhóm nghiên cứu của PGS.TS Mai Anh Tuấn kết hợp với một doanh nghiệp sản xuất và chuyển đến 22 cơ sở y tế trên cả nước từ Hà Nội, Hải Phòng đến Nghệ An, Hà Tĩnh, TP.HCM.
Và nếu hỏi rằng chiếc áo này cần thiết với nhân viên y tế ở tâm dịch đến mức nào thì câu trả lời luôn là “rất, rất cần”. “Ở nhiều nơi nắng nóng như Hà Tĩnh, TP.HCM hay các địa phương không có nhiều điều kiện, những chiếc áo này được sử dụng liên tục, và khi chúng tôi liên tục nhận được yêu cầu bổ sung thêm áo thì có nghĩa là nhân viên y tế thấy có hiệu quả”, TS.BS Nguyễn Thu Anh nói. Với nhóm của Phạm Đình Giỏi, ngay sau khi biết thông tin về chiếc áo làm mát, đã có bệnh viện liên hệ ngay với nhóm để “không cần tặng nữa mà đề nghị đặt mua sản phẩm luôn”, dù điều tiếc nuối là lúc đó nguồn lực của nhóm còn có hạn và chưa thể sản xuất được nhiều.
Từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ra đến việc áp dụng thực tế chắc chắn là điều không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh cản trở việc đi lại và thử nghiệm. Nhưng cả hai nhóm đều vượt qua bởi “những khó khăn của các nhân viên y tế, của các tình huống ngặt nghèo trong bệnh dịch chính là một bài toán thực tế đòi hỏi chúng tôi phải tìm cách giải quyết. Nếu như nghiên cứu cơ bản đi trước thời đại rất nhiều, thì trước những bài toán như thế này, phải rất nhanh đưa các ứng dụng công nghệ vào trong cuộc sống”, nhóm nghiên cứu Viện Ứng dụng Công nghệ nói.