Singapore thường được ca ngợi là một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới, và thành tựu này ghi đậm dấu ấn của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu (1923 – 2015). Nhưng bản thân ông Lý lúc sinh thời lại xem kinh tế gia Albert Winsemius (1910 – 1996) người Hà Lan – cố vấn 24 năm cho Chính phủ Singapore – là thầy.

Winsemius sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh phô-mai. Ngay từ nhỏ, ông đã được dạy và tự xắn tay vào làm phô-mai ngay sau giờ học ở trường. Tuy nhiên, nhận thấy công việc tay chân thường ít khi được trả lương tốt nên ông chuyển sang bán hàng. Năm 26 tuổi, Winsemius nộp đơn vào ĐH Leiden – ngôi trường lâu đời và danh giá nhất Hà Lan – vì cũng muốn được đi học đại học. Ban đầu ông chọn ngành luật vì nghĩ nó dễ học nhưng sau đó nghĩ lại khi thấy các bài kiểm tra sử dụng quá nhiều tiếng Latin. Ông bèn chuyển hồ sơ sang ĐH Delft song bị từ chối vì thiếu nền tảng toán ở bậc phổ thông. Cuối cùng, Winsemius nộp đơn vào ĐH Rotterdam và được ngài hiệu trưởng chấp thuận cho nhập học.

Albert Winsemius (1910 – 1996).

Công việc đầu tiên của ông sau khi tốt nghiệp, ngay trước thềm Thế chiến II (1939 – 1945), là được chỉ định tham gia nhóm kiểm soát giá cả trong bối cảnh thực phẩm khan hiếm tại Hà Lan. Ông làm nó đến năm 1943, và sau khi chiến tranh kết thúc thì gia nhập Bộ Tài chính trên cương vị Tổng cục trưởng Phát triển công nghiệp với nhiệm vụ tái thiết nền kinh tế vừa bị tàn phá nặng nề. Qua thời gian, ông cũng nhận lời mời của World Bank tham gia một số dự án và xây dựng được danh tiếng trong lĩnh vực kinh tế phát triển.

Năm 1960, một năm sau khi Singapore giành được quy chế tự trị (từ Anh), Winsemius tới thăm đảo quốc cùng các chuyên gia UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc) để thực hiện một cuộc khảo sát nhằm đánh giá tiềm năng công nghiệp hóa của nơi này. Ông lần đầu đặt chân lên đất Singapore vào ngày 5/10/1960, và sau đó đúng một năm thì trình bày một báo cáo, trong đó nhấn mạnh quốc đảo cần trung thành với những nguyên tắc của thị trường tự do (free market)1. Ông cũng khuyên người Singapore nên giữ lại tượng Stamford Raffles (1781 – 1826)2 bởi động thái này thể hiện sự tôn trọng những di sản văn hóa thuộc địa, và phần nào sẽ mang lại hiệu ứng tích cực.

Winsemius gặp Ngô Khánh Thụy tại lễ tiếp đón. Ảnh: The Kopi

Winsemius đã đảm nhận vai trò cố vấn kinh tế trưởng cho Chính phủ Singapore trong suốt giai đoạn 1961 – 1984, và làm việc chặt chẽ cùng các chính trị gia kỳ cựu, bao gồm thủ tướng Lý Quang Diệu, Phó thủ tướng Ngô Khánh Thụy (1918 – 2010), Bộ trưởng Tài chính Hàn Thụy Sinh (1916 – 1983), … Hằng năm, ông thường thăm Singapore hai lần và mỗi lần lưu lại khoảng ba tuần, thông qua liên hệ với Tổng thư ký Bộ Công thương. Năm 1965, khi nền kinh tế Singapore đối mặt với cú sốc vì bị trục xuất khỏi Malaysia3, cũng như do tác động từ cuộc xung đột vũ trang giữa Malaysia và Indonesia (1963 – 1966)4, chính quyền Lý Quang Diệu ngay lập tức đã cầu viện Winsemius. Ông khuyến nghị Singapore nên mở lại hoạt động mậu dịch với Indonesia và chia sẻ thị trường chung với Malaysia; đề xuất thứ hai rất tiếc đã không khả thi. Bên cạnh đó, Winsemius cũng khuyên Singapore nên đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và thắt chặt quan hệ với phương Tây để tiếp cận thị trường,… Liên quan đến tầm nhìn công nghiệp hóa Singapore, ngay từ cuối thập niên 1960, ông đã đề xuất quốc đảo nên tập trung vào một số lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất linh kiện điện tử,… với cột mốc quan trọng là sự ra đời của khu phức hợp công nghiệp Jurong. Năm 1970, Winsemius còn hình dung lộ trình cho một nước Singapore mới công nghiệp hóa trở thành quốc gia công nghiệp thực thụ chỉ trong 6 – 8 năm, chuẩn bị xuất khẩu dịch vụ và chất xám. Ông nói chính phủ nên đầu tư cho các đại học và cơ sở đào tạo kỹ thuật (trường polytechnic) mới, thay vì chỉ biết xây thêm nhà máy,…

TS. Albert Winsemius và Lý Quang Diệu tại Trung Quốc năm 1980. Ảnh: Business Times

Với những đóng góp lớn lao vào kỳ tích phát triển của Singapore, Winsemius đã được chính phủ nước này trao tặng Huy chương Distinguished Service Medal (tạm dịch: Huy chương vì những đóng góp xuất sắc) năm 1966 và May Day Gold Medal of Honor (tạm dịch: Huy chương Danh dự tháng Năm) năm 1976. Năm 1970, ĐH Quốc gia Singapore (NUS) trao tặng ông bằng tiến sĩ danh dự (honorary doctorate). Năm 1997, Trường Khoa học Xã hội (School of Social Sciences) thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (NTU) cũng bắt đầu bổ nhiệm ghế giáo sư giảng tòa (chair professor) mang tên Albert Winsemius Chair Professorship,…

Ngày 4/12/1996, Winsemius qua đời vì bệnh viêm phổi ở tuổi 86 tại Hague (Hà Lan).

Trong cuốn hồi ký Bí quyết hóa rồng xuất bản năm 2000, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã tri ân người thầy, người bạn tâm giao của mình như sau: “[…] Winsemius có sự am hiểu dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn, trí nhớ tốt đối với các con số và sở trường nắm bắt những vấn đề cơ bản mà không cần phải quan tâm đến quá nhiều chi tiết. Ông khôn khéo và cẩn thận trong mọi tình huống. Tôi đã học được rất nhiều điều từ ông, đặc biệt là hiểu biết về cách hành động và suy nghĩ của người châu Âu, cũng như các CEO Hoa Kỳ […] Có lần ông bảo tôi rằng không thể giải thích được tại sao bản thân lại có cảm tình lớn đối với Hàn Thụy Sinh và tôi. Đó có lẽ là “một sự hòa hợp giữa triết học Calvin5 và lý thuyết của Khổng Tử”. Nhưng dù cho là vì lý do nào đi chăng nữa thì việc ông thích hợp tác với chúng tôi cũng đã mang đến vận may tốt đẹp cho đất nước Singapore”.

Chú thích
1. Theo thuyết Domino (Hoa Kỳ), thập niên 1960 là giai đoạn đỉnh cao của Chủ nghĩa chống Cộng tại Đông Nam Á. Ở đây, ý của Winsemius là Singapore không được sa vào Chủ nghĩa Cộng sản nếu muốn kinh tế thành công.
2. Thomas Stamford Bingley Raffles (1781 – 1826) là Phó thống đốc vùng Đông Ấn Hà Lan (1811 – 1816) và Phó thống đốc Bencoolen (1818 – 1824), người có công sáng lập Singapore hiện đại và Malaya thuộc Anh.
3. Singapore từng là 1 trong 14 bang của Malaysia từ năm 1963 đến 1965. Malaysia là một thể chế chính trị mới được tuyên bố thành lập ngày 16/9/1963, trên cơ sở sáp nhập Liên bang Mã Lai với các thuộc địa cũ của Anh là Bắc Borneo, Malaysia và Singapore. Tuy nhiên, liên minh này không được bền vững do sự khác biệt về ý thức hệ giữa các lãnh đạo của Bang Singapore với chính phủ Liên bang Malaysia. Năm 1965, Thủ tướng Malaysia Tunku Abdul Rahman (1903 – 1990) quyết định trục xuất Singapore khỏi Liên bang, và Singapore tuyên bố độc lập vào ngày 9/8/1965.
4. Còn được gọi là cuộc xung đột Borneo, xuất phát từ việc Indonesia phản đối sự thành lập Malaysia.
5. Thần học Calvin hay “thần học Kháng cách”, được gọi theo tên của nhà cải cách Jean Calvin (1509 – 1564), là hệ thống thần học và phương pháp ứng dụng đức tin Cơ Đốc, đặt trọng tâm vào quyền tể trị của Thiên Chúa. Một số học giả như Max Webber (1864 - 1920) và R.H.Tawney (1880 – 1962) nhận định chính thần học Calvin đã thiết lập cơ sở cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu (và Mỹ) sau này. Trong cuốn Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của Chủ nghĩa tư bản, Weber lập luận: đạo đức Kháng Cách, nhất là thần học Calvin cho phép con người mưu cầu lợi ích kinh tế thuần lý và các hoạt động thế tục, qua đó tạo nên những tác động tích cực về mặt tâm linh và đạo đức. Mặc dù không phải là mục tiêu nhưng đó lại là kết quả tất yếu của các giáo huấn tôn giáo. Mỗi tín hữu, trong đời sống thường nhật, có nghĩa vụ cống hiến hết sức mình để làm vinh danh Thiên Chúa.