Ai cũng biết rằng những sự kiện trong quá khứ có thể bị nhớ nhầm, nhưng giờ đây, một nghiên cứu mới cho biết ngay cả những ký ức ngắn hạn cũng có thể sai lệch.

“Ngay cả trong khung thời gian ngắn nhất, trí nhớ của chúng ta có thể không hoàn toàn đáng tin", Tiến sĩ Marte Otten - tác giả đầu tiên của nghiên cứu từ Đại học Amsterdam, cho biết. Thậm chí sau một giây rưỡi, hai giây, ba giây, chúng ta bắt đầu nhớ lại dựa trên những kỳ vọng của mình thay vì như xảy ra trên thực tế.

Viết trên tạp chí Plos One, Otten và các đồng nghiệp dẫn ra một nghiên cứu trước đây: khi được cho xem một chữ cái viết ngược, người ta thường cho biết đã nhìn thấy chữ cái xuôi chiều. Kết quả này được cho là do những người tham gia nhìn nhầm, nhưng Otten và các đồng nghiệp cho rằng đây thực tế là hiệu ứng trí nhớ. Nói cách khác, những người tham gia đã nhìn thấy chữ cái ngược, nhưng ngay khi được đưa vào bộ nhớ, hình ảnh này đãbị điều chỉnh lại cho đúng. Để tìm hiểu thêm, nhóm nghiên cứu đã thực hiện bốn thí nghiệm.

Hình minh họa. Nguồn: Alamy

Đầu tiên, những người tham gia được sàng lọc để đảm bảo họ có thể hoàn thành các nhiệm vụ ghi nhớ hình ảnh cơ bản. Sau đó, họ được cho xem một vòng tròn gồm sáu hoặc tám chữ cái, một hoặc hai trong số đó là chữ viết ngược, theo dạng hình ảnh phản chiếu trong gương.

Sau vài giây, những người tham gia được cho xem một vòng tròn thứ hai tương tự. Bước này chỉ có tác dụng làm phân tâm.

Cuối cùng, họ được chỉ một vị trí trên một vòng tròn trống và phải chọn ra chữ cái hoặc chữ cái viết ngược đã xuất hiện ở vị trí đó trên vòng tròn đầu tiên. Họ được chọn từ một loạt các đáp án khác nhau.

Lỗi phổ biến là chọn nhầm sang dạng chữ cái viết ngược, trong khi đáp án đúng là chữ cái viết xuôi chiều, lỗi này chiếm 11% trong số lần chọn đáp án. Đặc biệt, lỗi chọn nhầm xảy ra nhiều hơn nữa, 37%, khi đáp án đúng là chữ cái viết ngược. Lúc này, người tham gia lại thường xuyên cho rằng chữ cái họ nhìn thấy trên vòng tròn đầu tiên là chữ cái viết xuôi chiều.

Các nhà nghiên cứu cho rằng lỗi xảy ra nhiều hơn khi đáp án là chữ viết ngược bởi những người tham gia có định kiến sâu sắc về hình ảnh của một chữ cái, điều này ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn của họ.

Trong trường hợp đáp án đúng là một chữ viết ngược, số lỗi tăng lên khi thời gian trì hoãn, tức mức độ phân tâm trong thử nghiệm, tăng lên. Nhưng trong trường hợp đáp án đúng là chữ viết xuôi, số lỗi vẫn không đổi. Các nhà nghiên cứu cho biết, mức thay đổi không đồng đều này chỉ ra rằng lỗi không xuất phát từ cách người tham gia nhìn các chữ cái mà ở cách trí nhớ ngắn hạn của họ thay đổi nhận thức.

Những phát hiện này đã được xác nhận lại bằng kết quả từ ba thí nghiệm tương tự với tổng số 348 người tham gia.

Nhóm nghiên cứu cho biết đang tiếp tục tìm hiểu liệu các hiệu ứng tương tự có tồn tại trong các tình huống thực tế hay không và đối với các loại ký ức khác nhau.

Trong đời sống thực, hiệu ứng này có thể tác động đến cách chúng ta nhớ lại ngữ điệu. Ví dụ, chúng ta có thể cho rằng một người đã nói với giọng tức giận hoặc khó chịu, mặc dù thực tế có thể ngữ điệu của họ không phải như vậy, nhưng nó đã bị trí nhớ của chúng ta "tô vẽ" dựa trên những giả định của chúng ta về người đó, Otten nói.

Nguồn: