Các nhà khoa học đã xác định rối loạn điều hòa miễn dịch đặc trưng theo giới tính góp phần vào tình trạng phụ nữ có tỷ lệ mắc hậu COVID kéo dài cao hơn nam giới và đề xuất các liệu pháp điều trị trong tương lai nên được cá nhân hóa dựa trên giới tính và phản ứng miễn dịch của từng bệnh nhân.
Hậu COVID kéo dài đã khiến hàng trăm triệu người trên thế giới bị suy nhược sức khỏe. Một nghiên cứu được công bố vào tháng Tám trên Nature Medicine ước tính từ năm 2020, khoảng 400 triệu người đã mắc hậu COVID kéo dài, với tổng chi phí điều trị ước tính 1 nghìn tỷ USD mỗi năm. Trong đó, phụ nữ có tỷ lệ mắc hậu COVID kéo dài cao hơn nam giới. Một nhóm nghiên cứu đa ngành tại Đại học Stanford đã làm sáng tỏ thêm về tình trạng này và gợi ý những cách điều trị mới.
Nghiên cứu được thực hiện trên 45 người tham gia vào thời điểm ba tháng sau khi mắc COVID vào năm 2020. 36 người đã phát triển hậu COVID kéo dài, trong đó 55% là phụ nữ. Các nhà nghiên cứu thực hiện một loạt xét nghiệm trên mẫu máu của người tham gia, kiểm tra họ trong giai đoạn nhiễm cấp tính và thời điểm ba tháng và 12 tháng sau khi nhiễm bệnh. Mục tiêu là nghiên cứu sự khác biệt và tương đồng trong cơ chế gây COVID và sự khởi phát của hậu COVID kéo dài giữa các giới tính. Nhóm nghiên cứu cũng phân tích các triệu chứng kéo dài và biến mất như thế nào.
Kết quả cho thấy một số con đường miễn dịch, như sự thay đổi kiểu hình và trạng thái kích hoạt của bạch cầu đơn nhân, là giống nhau ở cả hai giới. Bạch cầu đơn nhân là các tế bào miễn dịch thuộc hệ miễn dịch bẩm sinh, được ví như “lực lượng phản ứng đầu tiên” chống lại nhiễm trùng và huy động các thành phần khác của hệ miễn dịch để tiêu diệt virus xâm nhập.
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét mối liên hệ giữa hậu COVID kéo dài và sự suy giảm chức năng miễn dịch, vốn gắn liền với nhiều yếu tố phân tử, nhiều trong số đó phụ thuộc vào giới tính. Họ phát hiện rằng nam giới và nữ giới có sự khác biệt độc đáo trong các mô hình biểu hiện protein và các phân tử tín hiệu, tất cả đều có liên quan đến hậu COVID kéo dài.
“Các con đường miễn dịch khác biệt theo giới được liên kết với hậu COVID kéo dài”, TS. Rebecca E. Hamlin, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine, khẳng định. Ví dụ, nam giới sau này mắc hậu COVID kéo dài biểu hiện sự gia tăng tín hiệu yếu tố tăng trưởng chuyển dạng-β (TGF-β) trong quá trình nhiễm trùng cấp tính, trong khi nữ giới mắc COVID kéo dài có biểu hiện TGFβ1 giảm. Nữ giới phát triển hậu COVID kéo dài cũng cho thấy sự gia tăng biểu hiện gene RNA XIST - liên quan đến các bệnh tự miễn - trong giai đoạn nhiễm cấp tính so với những người hồi phục.
“Trong năm đầu tiên của đại dịch, nam giới được ghi nhận có tỷ lệ bệnh nặng và tử vong do COVID-19 cấp tính cao hơn nữ giới. Ngược lại, nữ giới lại có nguy cơ phát triển hậu COVID kéo dài cao hơn”, TS. Hamlin nói. “Chúng tôi giả thuyết rối loạn điều hòa miễn dịch đặc trưng theo giới tính góp phần vào cơ chế bệnh sinh của hậu COVID kéo dài”.
Từ đó, TS. Hamlin đề xuất liệu pháp điều trị hậu COVID kéo dài trong tương lai nên được cá nhân hóa dựa trên giới tính và phản ứng miễn dịch của từng bệnh nhân.
Nguồn:
Đinh Hương