Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã cố gắng giải mã vì sao việc giảm mạnh tiêu thụ calo trong thời gian dài lại có thể giúp kéo dài tuổi thọ của nhiều loài sinh vật. Giờ đây, họ đã tìm ra một phân tử có thể mang lại hiệu quả tương tự việc giảm nạp calo, ít nhất là với ruồi giấm và giun tròn.

Phân tử này có tên là axit lithocholic, được vi khuẩn trong ruột tạo ra và hỗ trợ tiêu hóa chất béo. Trong hai nghiên cứu được công bố vào ngày 18/12 trên tạp chí Nature, các nhà khoa học cho biết axit lithocholic có thể kéo dài tuổi thọ ở giun tròn (Caenorhabditis elegans) và ruồi giấm (Drosophila melanogaster), đồng thời giúp chuột già hoạt bát trở lại.

Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy axit lithocholic sẽ mang lại tác dụng tương tự ở người. Thậm chí, với liều lượng cao, nó có thể gây độc.

Hình minh họa. Nguồn: SPL

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng giảm nạp calo có thể kéo dài tuổi thọ ở nhiều loài sinh vật, bao gồm giun tròn, ruồi giấm, chuột và một số loài linh trưởng. Trong đó, một loại protein tên gọi AMPK được kích hoạt khi hạn chế lượng calo nạp vào cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong các tác dụng có lợi của việc giảm nạp calo.

Tuy nhiên, việc hạn chế calo, có thể lên đến hơn một nửa lượng calo nạp vào, không chỉ đi kèm với cảm giác đói dai dẳng mà còn liên quan đến mất khối lượng cơ, khó điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, theo Andrea Di Francesco - nhà nghiên cứu về sinh học lão hóa tại công ty công nghệ sinh học Calico Life Sciences, South San Francisco, California.

Nhà hóa sinh Sheng-Cai Lin tại Đại học Hạ Môn, Trung Quốc, cùng các cộng sự đã quyết định xem xét các thay đổi chuyển hóa phức tạp do hạn chế calo gây ra ở chuột để tìm các hợp chất có khả năng kích hoạt AMPK. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, theo Lin, vì hầu hết các hợp chất được tạo ra trong các phản ứng chuyển hóa đều thay đổi về số lượng trong điều kiện đói hoặc hạn chế calo. “Chúng tôi áp dụng phương pháp phân tích toàn diện,” ông nói.

Nhóm đã phân tích hơn 200 hợp chất có mức tăng cao hơn sau khi hạn chế calo, kiểm tra từng hợp chất để xem liệu chúng có thể kích hoạt AMPK hay không. Trong số sáu hợp chất có khả năng này, chỉ có một hợp chất đạt mức tương tự như khi chuột hạn chế calo. Hợp chất đó chính là axit lithocholic, một acid mậtcó trong dịch tiêu hóa.

Khi bổ sung axit lithocholic vào chế độ ăn của giun tròn, ruồi giấm và chuột, nhóm nghiên cứu nhận thấy giun tròn và ruồi giấm sống lâu hơn đáng kể so với nhóm không sử dụng.

Tác động của axit lithocholic lên tuổi thọ của chuột không đạt ý nghĩa thống kê, nhưng nhóm nghiên cứu nhận thấy những con chuột được bổ sung hợp chất này trở nên khỏe mạnh hơn về sức mạnh cơ bắp, cấu trúc cơ và một loạt các chỉ số khác. Điều đó đủ để tạo sự hứng khởi,Nicholas Schork - trưởng nhóm nghiên cứu tại Longevity Consortium thuộc Viện Quốc gia về Lão hóa Hoa Kỳ và nhà nghiên cứu gen tại Viện Nghiên cứu Hệ gen học ứng dụng ở Phoenix, Arizona -nói. “Axit lithocholic có tác dụng giống như hạn chế nạp calo, mang lại những lợi ích sức khỏe.”

Việc hiểu rõ cơ chế hoạt động và tiềm năng của Axit lithocholic có thể mở ra các phương pháp mới giúp cải thiện sức khỏe và tuổi thọ.

Dù các kết quả ban đầu đầy hứa hẹn, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định liệu axit lithocholic có thể được sử dụng an toàn và hiệu quả ở người hay không.



Nguồn: