Nhóm các nhà thiên văn học quốc tế đã chụp được hình ảnh của một thiên hà trông rất giống Dải Ngân Hà của chúng ta thuở mới hình thành.

Sử dụng Kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) của NASA, nhóm nghiên cứu đã chụp được hình ảnh một thiên hà rất giống với Dải Ngân hà thời sơ sinh.

JWST có thể nhìn vượt qua khoảng cách vô cùng lớn, nhờ thế, nó quan sát được những sự kiện xảy ra trong lịch sử vì ánh sáng của các vật thể trong vũ trụ phải mất thời gian rất dài mới tới được vùng không gian quanh Trái đất. Giống như những vì sao mà ta thấy hằng đêm thực chất là ánh sáng của các thiên thể tới từ hàng ngàn năm, thậm chí hàng trăm triệu năm trước.

Khả năng này cho phép JWST quan sát được các thiên hà có niên đại từ vài trăm triệu năm đầu tiên sau Vụ nổ lớn, xảy ra cách từ khoảng 13,8 tỷ năm trước, thời đại được gọi là bình minh vũ trụ.

Thiên hà mới phát hiện được đặt tên là FirefSlyparkle (Lấp lánh ánh đom đóm), hình thành từ khoảng 600 triệu năm sau Vụ nổ lớn, cùng khoảng thời gian mà Dải Ngân Hà của chúng ta bắt đầu thành hình. Những hình ảnh về FirefSlyparkle đang trong giai đoạn hình thành vô cùng giống với thiên hà của chúng ta trong giai đoạn khi vũ trụ mới chỉ 600 triệu năm tuổi.

Các nhà nghiên cứu đã xác định được 10 cụm sao làm nên nguồn sáng chính phát ra từ thiên hà này. Trên các bức ảnh của JWST, chúng được thể hiện bằng nhiều sắc độ của màu hồng, tím và xanh, cho thấy chúng được hình thành ở các giai đoạn khác nhau, nhấn mạnh sự tiến hóa không đồng đều của thiên hà Firefly Sparkle. Cụ thể, các ngôi sao trẻ hơn, nóng hơn thiên về màu xanh hơn, còn các ngôi sao già hơn thiên về màu đỏ.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình máy tính để “cân” thiên hà mới. Kết quả, nó có khối lượng tương tự với Dải Ngân hà có thể đã có khi ở cùng giai đoạn phát triển. Những thiên hà khác mà JWST phát hiện được trong khung thời gian này đều có khối lượng lớn hơn.

Ảnh chụp thiên hà Firefly Sparkle. Nguồn: wellesley.edu

JWST còn phát hiện thiên hà Firefly Sparkle có hai bạn đồng hành, chúng cùng tạo thành Cụm Thiên hà MACS J1423. Hai thiên hà đồng hành có ảnh hưởng tới cách Firefly Sparkle hình thành và tích tụ khối lượng qua thời gian.

Cụ thể, mỗi khi đi ngang qua, hai thiên hà đồng hành sẽ khiến nhiều khí ngưng tụ và nguội đi để hình thành các cụm sao mới. Những tương tác này không chỉ giúp thiên hà Firefly Sparkle lớn thêm và tăng khối lượng, mà cuối cùng có thể dẫn tới việc hai thiên hà nhỏ hơn bị thôn tính trong vụ hợp nhất thiên hà, và chúng ta có thể đang quan sát trực tiếp diễn biến này nhờ JWST.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature.

Nguồn: