Tim nhân tạo làm bằng titan được sử dụng như một giải pháp tạm thời cho những người suy tim đang chờ được hiến tạng.

Một người đàn ông Úc ở độ tuổi 40 đã trở thành người đầu tiên trên thế giới rời bệnh viện với trái tim nhân tạo làm bằng titan. Thiết bị này được sử dụng như một giải pháp tạm thời cho những người suy tim đang chờ được hiến tạng và trước đây, các bệnh nhân sử dụng tim nhân tạo đều phải ở lại bệnh viện trong suốt quá trình được gắn thiết bị.

Người đàn ông Úc đã sống với trái tim titan trong hơn ba tháng, trước khi trải qua ca phẫu thuật ghép tim từ người hiến tặng. Theo tuyên bố từ Bệnh viện St Vincent ở Sydney, Úc – nơi thực hiện các ca phẫu thuật, hiện ông đang hồi phục tốt.

Tim nhân tạo BiVACOR. Nguồn ảnh: Nature

Ông là người thứ sáu trên thế giới được ghép tim nhân tạo BiVACOR, nhưng là người đầu tiên sống với nó hơn một tháng.

“Đây chắc chắn là bước tiến quan trọng trong lĩnh vực này,” Julian Smith - bác sĩ phẫu thuật tim tại Viện Tim mạch Victoria thuộc Đại học Monash, Melbourne, Úc, nhận xét.

“Đây là một công nghệ vô cùng sáng tạo,” Sarah Aitken - bác sĩ phẫu thuật mạch máu tại Đại học Sydney, nói. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp về mức độ chức năng mà bệnh nhân đạt được khi sử dụng thiết bị này, cũng như chi phí cuối cùng của thiết bị.

Công nghệ rotor treo

Tim nhân tạo BiVACOR được phát minh bởi kỹ sư y sinh Daniel Timms. Sau đó, ông đã thành lập một công ty mang tên thiết bị, với văn phòng tại Huntington Beach, California và Southport, Úc.

BiVACOR thay thế hoàn toàn cho tim người. Nó hoạt động như một máy bơm liên tục, trong đó một rotor được treo bằng từ tính giúp đẩy máu theo các huyết mạch thông thường đi khắp cơ thể. Một dây dẫn dưới da kết nối thiết bị với bộ điều khiển bên ngoài chạy bằng pin vào ban ngày và có thể dùng điện nguồn điện vào ban đêm.

Nhiều tim nhân tạo hiện nay chỉ hỗ trợ tâm thất trái, thường hoạt động bằng cách tích máu trong một túi chứa, rồi co bóp khoảng 35 triệu lần mỗi năm để bơm máu. Tuy nhiên, các thiết bị này có nhiều bộ phận phức tạp và hay trục trặc. Trong khi đó, BiVACOR chỉ có một bộ phận chuyển động duy nhất, giúp giảm thiểu nguy cơ hao mòn cơ học, theoJoseph Rogers - bác sĩ tim mạch chuyên về suy tim, chủ tịch Viện Tim Texas, Houston, Mỹ.

BiVACOR được sử dụng như một biện pháp tạm thời trước khi bệnh nhân được hiến tặng tim. Một số bác sĩ tim mạch cho rằng thiết bị này có thể trở thành giải pháp vĩnh viễn cho những người không đủ điều kiện ghép tim do tuổi tác hoặc các vấn đề sức khỏe khác, nhưng ý tưởng này cần được thử nghiệm thêm.

Hiện nay, ở Mỹ có gần 7 triệu người trưởng thành mắc bệnh suy tim, nhưng chỉ có khoảng 4.500 ca ghép tim được thực hiện vào năm 2023, phần lớn do tình trạng thiếu người hiến tạng.

Người đàn ông Úc nhận thiết bị BiVACOR bị suy tim nặng và được cấy ghép trong ca phẫu thuật kéo dài sáu giờ vào tháng 11/2024. Đến tháng 2/2025, ông xuất viện và duy trì cuộc sống tương đối bình thường. Tháng Ba, ông nhận được tim hiến tặng.

Trong cuộc thử nghiệm tại Mỹ do Rogers đứng đầu vào năm ngoái, năm người đàn ông trong độ tuổi 40 đã được ghép một phiên bản BiVACOR cũ hơn. Thiết bị này đã giúp họ duy trì sự sống trong bệnh viện tối đa một tháng nhưng không được thiết kế để sử dụng bên ngoài bệnh viện. Sau đó, cả năm người đều được ghép tim thành công. Rogers dự kiến sẽ công bố kết quả nghiên cứu tại một hội nghị khoa học vào tháng tới.

Kể từ đó, nhóm nghiên cứu BiVACOR đã cải tiến thiết bị để giảm nguy cơ trục trặc, theo William Cohn, bác sĩ phẫu thuật tim tại Viện Tim Texas và Giám đốc Y khoa của BiVACOR.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt mở rộng thử nghiệm ra 15 bệnh nhân khác. Tuy nhiên, Aitken lưu ý rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi công nghệ này trở thành một phương pháp điều trị phổ biến.

Tháng trước, FDA cũng đã phê duyệt thử nghiệm lâm sàng đầu tiên cấy ghép nội tạng từ lợn, một công nghệ khác đang được nghiên cứu để giải quyết tình trạng thiếu hụt tạng hiến trên toàn cầu.

Nguồn: