Theo nghiên cứu mới, dường như cơ tim ở người bệnh suy tim có thể tự tái tạo khi thiết bị hỗ trợ bơm máu làm thay một phần công việc của nó và cho phép nó nghỉ ngơi.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, bệnh suy tim ảnh hưởng đến gần 7 triệu người và gây ra 14% số ca tử vong ở đất nước này. Không có cách nào để chữa khỏi bệnh suy tim, mặc dù thuốc có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Phương pháp duy nhất để điều trị suy tim giai đoạn cuối, ngoài ghép tim, là sử dụng thiết bị hỗ trợ tâm thất trái (LVAD) - một loại tim nhân tạo - để giúp tim bơm máu hiệu quả hơn.
Tiến sĩ - bác sĩ Hesham Sadek, giám đốc Trung tâm Tim mạch Sarver, Mỹ, cho biết, “cơ xương có khả năng tái tạo đáng kể sau chấn thương. Nếu bạn bị rách cơ khi chơi đá bóng, bạn chỉ cần để cơ nghỉ ngơi, nó sẽ lành lại. Nhưng cơ tim thì không, hiện không có cách nào để cứu vãn tình trạng mất cơ tim.”
Sadek đứng đầu một nhóm hợp tác nghiên cứu quốc tế để điều tra xem liệu cơ tim có thể tái tạo không. Dự án khởi đầu với các mẫu mô từ bệnh nhân sử dụng tim nhân tạo, do Trung tâm Y tế và Trường Đại học Y Utah cung cấp.
Nhóm đã sử dụng phương pháp riêng do họ sáng tạo - định tuổi của mô tim người bằng carbon - để theo dõi xem các mẫu này có chứa tế bào mới tái tạo hay không.
Và họ phát hiện ra rằng bệnh nhân sử dụng tim nhân tạo có tốc độ tái tạo tế bào cơ tim cao gấp sáu lần so với những trái tim khỏe mạnh.
"Đây là bằng chứng mạnh mẽ nhất mà chúng ta có từ trước đến nay, cho thấy các tế bào cơ tim của con người thực tế có thể tái tạo. Điều này hết sức đáng mừng, vì nó củng cố quan điểm tim con người có khả năng tái tạo tự nhiên," Sadek nói. "Nó cũng ủng hộ giả thuyết rằng việc tim không thể 'nghỉ ngơi' là nguyên nhân chính khiến nó mất khả năng tái tạo ngay sau khi chúng ta được sinh ra. Chúng ta có thể nhắm vào các phân tử liên quan đến quá trình phân chia tế bào để nghiên cứu tăng cường khả năng tái tạo của tim."
Nghiên cứu cho thấy các tế bào cơ tim có thể tái tạo nếu tim được "nghỉ ngơi". Ảnh minh hoạ: medlatec.com
Ưu tiên hàng đầu của Sadek và và Trung tâm Tim mạch Sarver là tìm ra những cách tốt hơn để điều trị bệnh suy tim. Nghiên cứu mà Sadek đang thực hiện dựa trên kết quả từ nghiên cứu trước đó của ông về nghỉ ngơi và tái tạo cơ tim.
Năm 2011, Sadek công bố một bài báo trên tạp chí Science, chỉ ra rằng các tế bào cơ tim phân chia tích cực khi con người còn trong bụng mẹ, nhưng chúng ngừng phân chia ngay sau khi con người được sinh ra để dành toàn bộ năng lượng bơm máu đi khắp cơ thể không ngừng nghỉ.
Năm 2014, Sadek công bố bằng chứng cho thấy sự phân chia tế bào ở các bệnh nhân sử dụng tim nhân tạo, gợi ý rằng các tế bào cơ tim của họ có thể đã tái tạo.
Những phát hiện này, cùng với quan sát của các nhóm nghiên cứu khác, rằng một số ít bệnh nhân dùng tim nhân tạo có thể tháo bỏ thiết bị sau khi các triệu chứng bệnh được cải thiện, khiến ông tự hỏi liệu có phải tim nhân tạo mang lại "thời gian nghỉ ngơi" cho cơ tim, giống như một người được nghỉ ngơi để phục hồi sau chấn thương khi chơi bóng đá không. "Máy bơm trong tim nhân tạo đẩy máu trực tiếp vào động mạch chủ, bỏ qua vai trò của tim, nhờ đó giúp tim được nghỉ ngơi,” ông giải thích.
Các nghiên cứu trước đây của Sadek cho thấy để tim “nghỉ ngơi” sẽ có lợi cho các tế bào cơ tim. Nhưng để xác định cơ tim ở bệnh nhân sử dụng tim nhân tạo có thực sự tái tạo hay không, ông cần thiết kế thí nghiệm khác. "Trước đây, nhiều bằng chứng gián tiếp đã cho thấy sự tái tạo cơ tim ở người. Giờ đây, nghiên cứu này cung cấp bằng chứng trực tiếp," ông nói.
Tới đây, Sadek muốn tìm hiểu tại sao chỉ khoảng 25% bệnh nhân "đáp ứng" với tim nhân tạo, tức là cơ tim của họ tái tạo được. "Hiện chưa rõ tại sao một số bệnh nhân đáp ứng còn một số thì không, nhưng rõ ràng là những người đáp ứng có khả năng tái tạo cơ tim," ông cho biết. "Nhiệm vụ hiện giờ là tìm cách để tất cả bệnh nhân đều 'đáp ứng'. Nếu làm được như vậy, chúng ta có thể chữa khỏi suy tim."
Nguồn: