Khi tìm thấy hài cốt người cổ xưa, các nhà khảo cổ thường cố gắng tìm cách xác định xem người này là nam hay nữ dựa trên bộ xương của họ. Làm sao họ làm được điều này và các phương pháp của họ có độ chính xác bao nhiêu?

Các nhà khảo cổ thường đo các khúc xương dài, mảnh như xương đùi và xương chày (những khúc xương cấu thành chân), tiếp theo họ sẽ sử dụng các phương pháp thống kê để đoán giới tính sinh học (sex) của người này.

“Trung bình, nam giới [có kích thước cơ thể] lớn hơn nữ giới khoảng 15%” – nhà nhân sinh học Kaleigh Best tại Đại học Western Carolina cho biết. Tuy nhiên, có nhiều biến số như chế độ ăn, di truyền, bệnh tật và môi trường, v.v., cũng góp phần ảnh hưởng tới kích thước cơ thể, vì thế có sự khác biệt lớn ngay cả giữa những người cùng giới tính.

Đa phần các kỹ thuật dùng phép đo giả định rằng nam giới có hình thể lớn hơn và cao hơn nữ giới. Các dự đoán giới tính từ các phép đo này chính xác khoảng 80%-90%. Song, nếu khung xương chậu của hài cốt được bảo quản tốt, thì việc quan sát một số đặc điểm nhất định của nó thường là phương pháp chính xác hơn so với dựa vào số đo xương chân.

Phương pháp chính để ước đoán giới tính của một người từ khung xương chậu là phương pháp Phenice – được đặt theo tên của nhà nhân chủng học đã đề xuất cách này vào những năm 1960. Những khác biệt trong hình dạng của xương mu ở đằng trước khung xương chậu tương quan với giới tính của một người. Chẳng hạn, xương mu cao hơn thì nhiều khả năng người này là đàn ông, còn xương mu rộng hơn thì khả năng cao đây là một phụ nữ. Một nhà khảo cổ được đào tạo bài bản có thể dùng phương pháp này để dự đoán giới tính của một bộ xương với độ chính xác lên tới 95%.

Bộ xương của nam giới (trái) và nữ giới (phải) có một số điểm khác biệt, trung bình, chẳng hạn như xương mu cao hơn thường thấy ở nam giới. Ảnh: Alamy
Bộ xương của nam giới (trái) và nữ giới (phải) có một số điểm khác biệt, trung bình, chẳng hạn như xương mu cao hơn thường thấy ở nam giới. Ảnh: Alamy

Phân tích DNA cổ đại cũng là một phương pháp ước đoán giới tính nhiễm sắc thể chính xác. Trong phương pháp này, các nhà khoa học xác định biến thể liên kết giới tính của một gene liên quan tới sản xuất men răng. Kỹ thuật này hiện nay đạt được độ chính xác tới 99%, ngay cả ở các bộ xương khảo cổ. Tuy nhiên, vì DNA phân rã theo thời gian, nên không phải bộ xương khảo cổ nào cũng áp dụng được cách phân tích này.

Dù tỷ lệ chính xác cao là vậy, nhiều nhà khảo cổ cho biết việc ước đoán một người quá cố là nam hay nữ chỉ dựa trên các khúc xương của họ không thôi có thể bỏ sót các khía cạnh khác của giới tính sinh học – kết quả của sự tương tác giữa nhiễm sắc thể, hormone, tuyến sinh dục và giao tử. (Ngược lại, giới tính xã hội hay bản dạng giới [gender] là một cấu trúc văn hóa phản ánh bản sắc riêng, vai trò xã hội và những áp lực đi kèm.)

“Giới tính sinh học không phải nhị phân (binary - chỉ có hai trạng thái rõ ràng là nam và nữ), mà có thể là lưỡng đỉnh (bimodal)” – nhà nhân sinh học Donovan Adams tại Đại học Central Florida cho biết. Lưỡng đỉnh trong ngữ cảnh này có nghĩa là nếu bạn vẽ giới tính sinh học trên biểu đồ, sẽ có hai “đỉnh” riêng biệt cho nam và nữ ở hai đầu của biểu đồ. Nhưng khu vực giao nhau giữa hai nhóm ở giữa sẽ đại diện cho những người được mô tả là liên giới tính (intersex).

“Khoảng 1,7% dân số có một dạng liên giới tính nào đó, tức là thấp hơn một chút so với tỷ lệ 1/50 người” – nhà nhân sinh học Virginia Estabrook tại Đại học Maryland chỉ ra.

Một số ví dụ về tình trạng liên giới tính bao gồm tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh (CAH) – tình trạng sản xuất quá mức hormone nam có thể khiến bộ phận sinh dục nữ không rõ ràng khi sinh; hội chứng Klinefelter, hay nhiễm sắc thể giới tính XXY, dẫn đến tinh hoàn nhỏ và ngực to ở người sinh ra là nam; hội chứng không nhạy cảm androgen (AIS) khiến một người có thể sinh ra với bộ phận sinh dục ngoài giống nữ nhưng không có cơ quan sinh sản bên trong; và thiếu hụt 5α-Reductase 2 là bệnh lý di truyền bẩm sinh ảnh hưởng đến sự phát triển giới tính của bé trai, trong đó trẻ sinh ra có bề ngoài giống nữ nhưng sau này phát triển dương vật và tinh hoàn. Và mọi người có thể có các dạng khác của hiện tượng khảm nhiễm sắc thể giới tính, với nhiễm sắc thể XX ở một số tế bào và XY ở một số tế bào khác.

Chẳng hạn, nhà nhân sinh học Estabrook đã nghiên cứu hài cốt của anh hùng Chiến tranh Cách mạng người Mỹ gốc Ba Lan Casimir Pulaski, qua đời trong trận chiến vào năm 1779. Theo Estabrook, bộ xương của vị anh hùng cho thấy một số đặc điểm xương điển hình hơn trong quá trình phát triển và tăng trưởng của phụ nữ, nhưng các tài liệu lịch sử rõ ràng cho thấy người này đã sống cả đời như một người đàn ông. Một lời giải thích khả thi cho mâu thuẫn trên có thể là bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, trong đó trẻ sơ sinh nữ về mặt nhiễm sắc thể có bộ phận sinh dục trông giống của nam hơn. Những người mắc căn bệnh này sản xuất nhiều androgen hơn và có thể mọc lông mặt.

Trường hợp của vị tướng liên giới tính khá là độc đáo, “bởi vì thường thì khi chúng tôi tìm thấy hài cốt trong khảo cổ, chúng tôi không biết những người này là ai” - nhà nhân sinh học Estabrook nói.

Công cuộc xác định thân thế của một người cổ đại có thể gặp nhiều cản trở không chỉ vì giới hạn của phương pháp ước đoán giới tính dựa trên xương, mà cũng do biến số giới tính xã hội.

Hầu hết những khía cạnh trong bản sắc của một người – từ đội thể thao họ ủng hộ cho tới giới tính xã hội mà họ chấp nhận – đều không phải thứ sinh ra đã có, mà mọi người phải thể hiện bản sắc đó trong suốt cuộc đời. Những trải nghiệm sống, bao gồm các hành vi như giương cung bắn tên hay quỳ gối xay ngũ cốc, thường mang tính đặc trưng giới. Và chúng sẽ lưu dấu ấn trên bộ hài cốt cổ xưa, khiến quá trình phân tích thêm phần phức tạp – đặc biệt là vì chúng ta chưa có hiểu biết đầy đủ về các nền văn hóa trong quá khứ.

Sự phức tạp của giới tính sinh học và giới tính xã hội khiến đôi lúc các nhà khảo cổ gặp sai lầm khi suy diễn. Ví dụ, tại Pompeii, phân tích DNA hé lộ một bộ xương được cho là một cặp mẹ con thực ra là một người đàn ông và một đứa trẻ không có quan hệ huyết thống; vào năm 2019, một ngôi mộ của người Viking chứa đầy vũ khí được phát hiện thuộc về một người mang nhiễm sắc thể nữ chứ không phải nam.

Mặc dù phân tích DNA có thể tăng mạnh độ chính xác trong việc xác định giới tính nhiễm sắc thể, song điều này không có nghĩa là các nhà khảo cổ đã giải quyết được vấn đề ước đoán giới tính từ hài cốt của tiền nhân.

Một lý do là vì các nhà khảo cổ khó lòng tách mình ra khỏi hệ nhị nguyên nam-nữ, tuy mọi cố gắng phân loại giới tính sinh học theo các tiêu chuẩn tuyệt đối đều gặp phải những trường hợp ngoại lệ. Hơn nữa, họ vẫn thiếu thông tin về các tình trạng liên giới tính khi không có nhiều nghiên cứu về nhóm người ít ỏi chiếm 1,7% dân số này.

Nguồn:

livescience

Bài đăng KH&PT số 1344 (số 20/2025)