Nhà giáo Hoàng Hưng - dịch giả, người sáng lập và điều hành Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm, lý giải vì sao muốn tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ của giáo dục thì cần đón nhận, cập nhật và nhanh chóng áp dụng những thành tựu khoa học mới về tâm lý học - giáo dục học vào thực tiễn.

Nhà giáo Hoàng Hưng (trái) và nhà giáo Phạm Toàn, người đầu tiên giới thiệu một cách hệ thống các lý thuyết tâm lý học giáo dục thế giới trong cuốn “Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục” (2008). Ảnh: TGCC
Nhà giáo Hoàng Hưng (trái) và nhà giáo Phạm Toàn, người đầu tiên giới thiệu một cách hệ thống các lý thuyết tâm lý học giáo dục thế giới trong cuốn “Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục” (2008). Ảnh: TGCC

Trước tình trạng yếu kém, lạc hậu kéo dài quá lâu của nền giáo dục nước nhà, năm 2013, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó quan điểm chỉ đạo về nội dung và đường lối giảng dạy là “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”.

Thật đáng buồn, nếu đối chiếu với tình hình giáo dục thế giới, ta thấy sự chuyển đổi như thế đã có từ thập niên 1960, 1970 ở các nước Âu Mỹ, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của giáo dục phương Tây từ đó cho đến nay.

Lý do chính là phương Tây đã luôn đón nhận cập nhật và nhanh chóng áp dụng những thành tựu khoa học mới về tâm lý học và giáo dục học vào thực tiễn.

Có thể nói bước chuyển quan trọng của giáo dục Âu Mỹ xuất phát từ sự ra đời các thuyết “kiến tạo luận” (constructivism) của Jean Piaget (Thụy Sĩ), Lev Vygotsky (Nga) và những người khác từ thập niên 1930, 1940, thách thức thuyết “hành vi luận” (behaviorism) vốn ngự trị đường lối giáo dục đương thời.

“Hành vi luận” dựa trên nguyên lý “phản xạ có điều kiện” của Pavlov, nhằm tạo nên hành vi của đối tượng bằng kích thích và thưởng/phạt từ bên ngoài. Đó chính là đường lối đã tạo thành truyền thống “thầy dạy, trò học theo” mang tính áp đặt, đặt người học vào tư thế bị động, trạng thái cực đoan của nó chính là “cầm tay chỉ việc”, “thầy nhồi sọ, trò học vẹt” kéo dài nhiều năm trong giáo dục Việt Nam. Nó chỉ thích hợp với thời đại mà nhu cầu xã hội là đào tạo ra những “con người công cụ” như những công nhân thao tác một cách máy móc trong dây chuyền sản xuất cố định, nhưng không còn thích hợp với thời đại của nền kinh tế tri thức, đòi hỏi những “con người sáng tạo”.

“Kiến tạo luận” của Piaget dựa trên phát hiện về khả năng tự hình thành kiến thức mới của trẻ em qua các diễn trình “đồng hóa” (assimilation) cái mới vào “cấu trúc sơ khai” (scheme) có sẵn của trẻ, khiến trẻ “thích nghi” (adaptation) với môi trường, tạo nên trạng thái “cân bằng” (balance) mới; từ đó mà ra đời phương châm giáo dục: “lấy học sinh làm trung tâm”, “thầy hướng dẫn, trò tự học”. Nó làm sống lại phương pháp giáo dục “học bằng hành” (learning by doing) mà nhà tâm lý học Mỹ J. Dewey đã khởi xướng từ cuối thế kỷ 19.

Nếu Piaget nhấn mạnh năng lực tự thân chủ động xây dựng kiến thức của trẻ, thì Vygotsky đóng góp phương diện kiến tạo xã hội (social constructionism), nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa và hoàn cảnh trong việc hiểu điều gì diễn ra trong xã hội và việc kiến tạo tri thức dựa trên hiểu biết này. Khái niệm có ảnh hưởng nhất của Vygotsky là “vùng phát triển gần nhất” (Zone of Proximal Development - ZPD), được coi như một cuộc cách mạng về sự học. Nó nêu bật sự trợ giúp của người dạy/phụ huynh và chúng bạn có năng lực cao hơn đối với trẻ em, qua diễn trình mà ông gọi là “bắc giàn giáo” (scaffolding).

Trong những thập niên giữa và cuối thế kỷ 20, tiếp tục ra đời những lý thuyết Tâm lý học có ảnh hưởng lớn đến giáo dục Âu Mỹ như: thuyết “trí khôn đa dạng” (multiple intelligence) của H. Gardner (Mỹ), thuyết “văn hóa và giáo dục” của J. Bruner (Mỹ)…

Có thể kết lại nhận thức mới về giáo dục hiện đại trong câu này của J. Bruner (1966): “Dạy một người… không phải là làm cho người ấy đưa các kết quả vào tâm trí. Mà đúng hơn, là dạy người ấy tham dự vào diễn trình tạo khả năng cho việc thiết lập kiến thức. Chúng ta dạy một môn học không phải là tạo ra những thư viện sống nho nhỏ về môn học ấy, mà đúng hơn, làm cho người học suy nghĩ một cách toán học [logic, chính xác - ND] cho chính mình, xem xét các vấn đề như một nhà sử học, tham dự vào việc đạt tới kiến thức. Hiểu biết là một tiến trình chứ không phải một sản phẩm”.

Ở Việt Nam, sau 1945, tình trạng chiến tranh suốt 20 năm ngăn cản việc tiếp nhận những lý thuyết tâm lý học giáo dục mới của thế giới. Cũng có nguyên nhân từ định kiến ý thức hệ mà không tiếp nhận những lý thuyết bị coi là “tư sản phương Tây”. Một ví dụ là bà Đỗ Thị Xuân, sinh viên trực tiếp của nhà tâm lý học hàng đầu thế giới Piaget từ Thụy Sĩ về nước với thiện chí đóng góp cho giáo dục nước nhà đã không có cơ hội phổ biến lý thuyết của ông trong Viện Tâm lý giáo dục mà bà là thành viên.

Mãi đến cuối thập niên 1970, những lý thuyết tâm lý học hiện đại mới lần đầu được áp dụng tại Trường Thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại (từng là nghiên cứu sinh tâm lý học giáo dục tại Nga, trong thời gian này ông được học với một đệ tử của Vygotsky). Phương châm của Trường là không dạy trẻ bắt chước mà dạy tư duy logic, khám phá và vận dụng quy luật.

Đến đầu thập niên 2010, nhà giáo Phạm Toàn, một thành viên của Trường Thực nghiệm, đã sáng lập ra nhóm giáo dục Cánh Buồm, triệt để áp dụng những lý thuyết tâm lý học giáo dục hiện đại vào việc xây dựng chương trình Văn - Tiếng Việt cấp phổ thông cơ sở với tuyên ngôn: “Chương trình giáo dục mới này trả lại niềm vui đến trường cho học sinh, để các em có thể thực sự cảm thấy đi học là hạnh phúc, thấy sách giáo khoa không phải là những tập giấy dày cộp, nặng trịch, chi chít chữ mà là những gì các em cùng với người dạy làm ra trong giờ học. Hơn thế, chương trình giáo dục ấy trang bị cho các em năng lực tự học bền vững để mang theo suốt cuộc đời, để là những công dân tự chủ, có trách nhiệm và tâm hồn phong phú”.

Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu một cách hệ thống các lý thuyết tâm lý học giáo dục thế giới trong cuốn “Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục” (2008).

Cuối năm 2013, Tủ sách tâm lý học giáo dục Cánh Buồm (NXB Tri thức) ra đời với chủ đích giới thiệu văn bản gốc của các tác giả quan trọng trên thế giới thế kỷ 20 hầu như chưa từng được dịch ra tiếng Việt. Cho đến nay, Tủ sách đã ấn hành 12 cuốn sách dịch từ tiếng Pháp, tiếng Anh của Piaget, Gardner, Bruner…, trong đó có ba cuốn đã đoạt các giải thưởng uy tín: “Cơ cấu trí khôn” (Howard Gardner - Phạm Toàn dịch) đoạt Giải Sách Quốc gia 2023; “Sự ra đời trí khôn ở trẻ em” (Jean Piaget - Hoàng Hưng dịch) - Giải Sách Hay 2016; “Chân - Thiện - Mĩ trong tầm nhìn đương đại” (Howard Gardner - Hiếu Tân dịch) - Giải Sách Hay 2022.

Qua hơn 10 năm thực hiện cải cách toàn diện, triệt để, giáo dục Việt Nam đã có bước đầu chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sự níu kéo của tư duy cũ kỹ, giáo điều vẫn còn cản trở bước tiến của nó. Một trong những biện pháp thúc đẩy bước tiến vững chắc của giáo dục Việt Nam trên con đường mới là phổ biến rộng rãi và thấm nhuần sâu sắc trong đội ngũ những người làm giáo dục các tư tưởng tiến bộ về tâm lý học, giáo dục học của thế giới. Không nắm vững lý thuyết cơ bản để chủ động sáng tạo, mà chỉ thực hiện một cách bị động những phương pháp giáo dục - dạy học mới theo kiểu “mì ăn liền”, thì người làm công tác giáo dục cũng chỉ là cái máy vô hồn, không thể truyền cảm hứng cho người học tự xây dựng kiến thức như yêu cầu của cuộc cải cách.


TỦ SÁCH TÂM LÍ HỌC GIÁO DỤC CÁNH BUỒM

Tủ sách tâm lý học giáo dục Cánh Buồm đã ra mắt 12 tác phẩm. Ảnh: TGCC
Tủ sách tâm lý học giáo dục Cánh Buồm đã ra mắt 12 tác phẩm. Ảnh: TGCC

1. “Sự ra đời trí khôn ở trẻ em” (Jean Piaget) - Hoàng Hưng dịch. Giải Sách Hay 2016

2. “Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em” (Jean Piaget) - Nguyễn Xuân Khánh và Hoàng Hưng dịch

3. “Sự xây dựng cái thực ở trẻ” (Jean Piaget) - Hoàng Hưng dịch

4. “Cơ cấu trí khôn” (Howard Gardner) - Phạm Toàn dịch. Giải Sách quốc gia 2023

5. “Trí khôn phi học đường” (Howard Gardner) - Phạm Anh Tuấn dịch

6. Trí khôn sáng tạo (Howard Gardner) - Hoàng Hưng dịch

7. “Chân - Thiện - Mĩ trong tầm nhìn đương đại” (Howard Gardner) - Hiếu Tân dịch. Giải Sách Hay 2022

8. “Các lí thuyết về học tập cho tuổi thơ” (Colette Gray, Sean McBlain) - Hiếu Tân dịch

9. “Những thế giới trong tâm trí” (Jerome Bruner) - Hoàng Hưng dịch

10. “Sổ tay dịch thuật Tâm lí học” - Hoàng Hưng chủ biên

11. “Luyện trí năng cho học sinh” (Mike Gershon) - Nguyễn Thị Phương và Lê Hà Mai Trang dịch, Hoàng Hưng hiệu đính

12. “Thuật ngữ Tâm lí học hiện đại Anh-Việt-Đức-Pháp” - Hoàng Hưng chủ biên, với Nguyễn Viết Dũng

Sắp xuất bản: “Lev Vygotsky” (Rene Van Der Veer) - Hoàng Hưng và Nguyễn Viết Dũng dịch.



Bài đăng KH&PT số 1324+1325 (số 52/2024+1/2025)