Thế giới văn chương thiếu nhi tự thân hình thành quan hệ giao tiếp đặc thù người lớn - trẻ em, nỗ lực nối liền những thế hệ xa cách nhau về tuổi tác, kinh nghiệm, tâm lý và trình độ ngôn ngữ v.v.
Câu hỏi khởi đầu tưởng chừng đơn giản mà không dễ trả lời gọn gàng: thế nào văn chương thiếu nhi? Những cuốn sách chủ đích viết cho trẻ em hoặc do trẻ em viết? Thế những cuốn sách dành cho người lớn mà trẻ em say mê có là văn chương thiếu nhi? Bởi trẻ em không hoặc chưa phải tự lựa chọn, chính người lớn – các nhà văn, soạn giả, nhà giáo dục, người làm xuất bản, thủ thư,… khởi sự lựa chọn và dán nhãn văn chương thiếu nhi qua lăng kính giá trị của họ. Có thể hình dung một cây cầu mà trên đó, khi đã cách đủ xa điểm khởi đầu, người lớn kia ngoái nhìn, hoặc ham muốn trở về, đi lại hành trình thơ ấu của mình, hoặc khao khát thấu hiểu và đồng hành những đứa trẻ đang chập chững; khoảng cách càng lớn, hai bên càng khó nhìn thấy nhau. Người lớn này muốn vĩnh cửu hóa tuổi thơ, để Peter Pan không bao giờ lớn và mãi tự do bay lượn, người lớn nọ lại muốn cậu bé lên ba không nói không cười hóa ngay thành tráng sĩ diệt giặc cứu dân.
Thế giới văn chương thiếu nhi tự thân hình thành quan hệ giao tiếp đặc thù người lớn – trẻ em, nỗ lực nối liền những thế hệ xa cách nhau về tuổi tác, kinh nghiệm, tâm lý và trình độ ngôn ngữ v.v. Mảng văn chương này, bởi thế, tưởng tượng, đáp ứng và thích ứng nhu cầu và năng lực tiếp nhận của cả trẻ em lẫn của chính người sáng tạo, lựa chọn và phân phối tác phẩm. Phải chăng ý nghĩa gốc rễ của văn chương thiếu nhi nằm ở sự bồi đắp mối quan hệ đó: sáng tạo thế giới bắc cầu người lớn – trẻ em, trong đó, tác giả người lớn giả định mình viết cho độc giả – trẻ em, và người đọc, dẫu vừa lên một hay đã tròn trăm, cùng thuộc về giả định kiểu độc giả – trẻ em tương thích. Sự say mê của các độc giả lớn tuổi dành cho các tác phẩm viết cho thiếu nhi khiến ta hiểu rằng, hành trình trưởng thành không bao giờ rời bỏ tuyệt đối mà có thể chỉ luôn là đi xa khỏi cái thế giới ban đầu, và người ta luôn thầm kín mong ước trở về thế giới ban sơ ấy.
Quan hệ giao tiếp đặc thù này đã không rõ ràng ngay từ đầu: những tác phẩm trẻ em vẫn say mê ngày nay ban đầu là dành cho người lớn, hoặc hướng đến cả người lớn lẫn trẻ em, trong đó trẻ em được xem như những “người lớn nhỏ”. Robinson Crusoe (1719), Gulliver’s Travels (1726, 1735), hay cả Peter Pan (các chương đầu tiên xuất hiện năm 1902) là các ví dụ điển hình của văn chương lưỡng đích, dành cho cả người lớn và trẻ em. Không kể các huyền tích dân gian về thời thơ ấu của loài người, mà người lớn thường lựa chọn kể cho trẻ em như nguồn văn học đầu tiên, sự phân loại văn chương thiếu nhi nhất đích với kiểu độc giả – trẻ em ngầm ẩn chỉ hình thành từ đầu thế kỉ XX, gắn với sự nảy nở ban đầu của các khoa nghiên cứu văn học thiếu nhi trên thế giới. Từ đây, người ta mới bàn đến các đòi hỏi cụ thể về phẩm chất văn chương với sự tương thích về ngôn ngữ, chủ đề, phong cách… hướng tới độc giả thiếu nhi ngầm ẩn. Cuốn sách nổi tiếng của Lewis Carroll, Alice’s Adventures in Wonderland (Những cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở diệu kì, 1865) vẫn được xem là dấu ấn trọng đại trong lịch sử văn chương thiếu nhi, đánh dấu sự chuyển hóa từ mục đích giáo dục đạo đức sang giải trí, với sự tạo dựng thế giới phi lý, huyễn hoặc cùng ngôn ngữ chơi đùa. Những người lớn giao tiếp và được chơi cùng trẻ em trong khu vườn tuổi thơ kì diệu cũng chính là bởi họ có thể gìn giữ và bồi đắp khả năng đùa chơi ấy.
Sự thấu hiểu mối quan hệ đặc thù của người lớn và trẻ em cùng các biến thức của mối quan hệ ấy theo điều kiện xã hội lịch sử trở nên thiết yếu với những người tham gia vào quá trình sản xuất, lựa chọn và phân phối tác phẩm đến tay trẻ em. Văn chương thiếu nhi, do gắn chặt với các vấn đề tâm lý, văn hóa, giáo dục, xã hội theo lứa tuổi, vốn từ chối những mô tả đơn giản và đơn giản hóa về quá trình sáng tác, tiếp nhận, càng lúc càng đòi hỏi các cách tiếp cận liên ngành, liên văn bản và trong sự chuyển dịch giữa các ngôn ngữ, các loại hình văn học và truyền thông đa phương tiện. Dễ hiểu rằng, các nhà nghiên cứu văn học – văn hóa thiếu nhi thường cũng là người sáng tác, là các thầy cô giáo, thủ thư, những người mà thực hành sáng tạo và nghiên cứu, giảng dạy của họ gắn bó sâu sắc với trẻ em. Riêng các nhà văn viết cho thiếu nhi, có lẽ họ đang viết cho quá khứ đã rời xa họ, hay cho hình dung về tương lai của những đứa trẻ – một tương lai luôn bất trắc những mơ mộng. Họ rắc những hạt vừng làm dấu đường bay cho những cánh chim.
MỘT VÍ DỤ VỀ PHẨM CHẤT VĂN CHƯƠNG THIẾU NHI: HOÀNG TỬ BÉ
Sự vững bền trong thế giới biến động
Cuốn truyện mỏng manh Le Petit Prince (Hoàng tử bé), tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry (xuất bản lần đầu năm 1943 tại Mĩ, với minh họa của chính tác giả và đã đến với độc giả Việt Nam qua nhiều bản dịch khác nhau), hơn tám mươi năm qua vẫn hiện diện như một bài thơ đẹp quyến rũ và thân thuộc. Cuộc du hành nhẹ như cánh hồng giữa các tinh cầu của hoàng tử bé có thể được đọc như hành trình xuyên biên giới văn hóa, một tưởng tượng mênh mông về vũ trụ thân thiện thu lại trong lòng tay. Sau khi đi thăm sáu tiểu tinh cầu và Trái Đất, hoàng tử bé mang theo bức vẽ con cừu, trở về chăm sóc tiểu tinh cầu của mình, cạo khói núi lửa, nhổ hết các cây bao báp xói đục hành tinh, ngắm mặt trời lặn, yêu thương bông hồng duy nhất và đẹp nhất của mình (dù Trái Đất có vạn vạn bông hồng như vậy). Hoàng tử bé trở thành sứ giả tình yêu, cụ thể hóa trong cuộc hội ngộ rồi chia ly của hoàng tử bé và người - đã - từng - là - đứa - trẻ dần trở thành người lớn nơi sa mạc Sahara. Hoàng tử bé cũng là sứ giả hòa bình: kết nối tiểu tinh cầu B612 và các tinh cầu khác, đặc biệt, với Trái Đất. Cuộc du hành vũ trụ của hoàng tử bé trong trang sách càng trở nên kì diệu hơn khi đặt vào khung cảnh biến động về chính trị, xã hội của thế giới lúc đó, được khắc họa qua ẩn ngữ những cây bao báp.
Ngay lời đề tặng, tác giả đã “xin lỗi các bé con, vì đã đề tặng cuốn sách này cho một người lớn”, “đang chịu đói và rét”, một người lớn “thật cần được an ủi” [1]. Người kể chuyện – viên phi công mắc kẹt trên sa mạc – đã muốn kể lại cuộc gặp kì lạ của mình với hoàng tử bé như một câu chuyện thần tiên nhưng anh không muốn người ta đọc cuốn sách này hời hợt. Chọn lối kể chuyện rì rầm, Hoàng tử bé chạm tới tầng sâu của những khát vọng muôn thuở về tình yêu, tình bạn, lòng tốt… băng qua các khác biệt điều kiện sống và những biến động lịch sử. Bởi sự phổ quát của chủ đề và hình tượng, tác phẩm có thể du hành xuyên không-thời gian, băng qua gần sáu trăm ngôn ngữ và thổ ngữ [2], trở thành biểu tượng văn chương của thế giới toàn cầu với vẻ đẹp thơ mộng toàn bích.
Hoàng tử bé vượt ra ngoài đường biên của các thể loại. Tác phẩm khó xếp vào thể loại huyễn tưởng (fantasy), trường hợp Chronicles of Narnia (Biên niên sử Narnia – C.S.Lewis) hay The Lord of the Rings (Chúa tể những chiếc nhẫn – J.R.R Tolkien) trong đó, các tác giả kì công xây dựng thế giới thứ hai. Không gian của Hoàng tử bé là tiểu mô hình của các hành tinh xa xôi nhưng không xa lạ. Không gian vũ trụ ở đây cũng là những không gian sống của những con người Trái Đất, và mỗi nhân vật ở từng tiểu hành tinh biểu thị một kiểu người lớn khác nhau. Ta gặp ông vua ra những mệnh lệnh hợp lý, gã khoác lác cô đơn muốn nghe lời tụng ca, bợm nhậu uống rượu để quên đi nỗi xấu hổ vì uống rượu, nhà doanh nghiệp ngồi tính toán các vì sao, người đốt đèn, nhà địa lý không bao giờ rời khỏi bàn làm việc với những bản đồ… Và lòng trìu mến của tác giả với Trái Đất lộ rõ ra ở chi tiết, chỉ khi đến Trái Đất, hoàng tử bé mới gặp người bạn thực sự của mình.
Với văn chương thiếu nhi, việc tạo dựng cảnh quan xa lạ hay thân quen, kì bí hay chân thực, phổ quát hay đặc thù không tách rời việc truy tầm các ý nghĩa văn hóa của nơi chốn. Những hình ảnh “wonderland”, “neverland”, thế giới phù thủy, xứ Narnia tưởng tượng… là phóng chiếu của mơ mộng về những thế giới phi thường, khác biệt của trẻ em. Thế giới đó luôn chứa đầy Bí Mật, luôn chờ đợi các bước chân Phiêu Lưu, và các nhân vật có thể bước qua nhiều tầng không gian trong sự chơi tự do của trí tưởng. Hoàng tử bé, ở khía cạnh tạo dựng cảnh quan, vừa là hồi ức mộng mị gắn với những chi tiết đời thực của tác giả, vừa là huyễn du hoang đường theo những bước chân không cố tình sắp đặt thủ pháp… Cuộc phiêu lưu giữa các thế giới trở nên hữu thực, trong hình hài những mảnh hồi ức về các chuyến bay của người phi công – tác giả. Đây là cuốn sách của một người lớn nọ, một người lớn nhìn thế giới bằng con mắt và tình yêu của một đứa trẻ, và nhận ra những điều chỉ thấy được “bằng trái tim”, như lời trò chuyện trong sách. Bởi thế, người lớn ấy mới gặp được hoàng tử bé, không phải hoàng tử – chức năng của cổ tích, mà là hoàng tử bé độc nhất, tình nhân của bông hồng, thi sĩ, nhà thám hiểm, bạn của những người lớn này người lớn nọ, bạn của con cáo, con rắn và cả những ngôi sao…
Sự nhẹ nhõm sâu xa
Sự xuất hiện và biến mất không để lại bất cứ dấu vết thân thể nào của hoàng tử bé là một biến tấu của chủ đề cái chết, hiện lên qua lối kể chuyện hết sức nhẹ nhõm thơ mộng. Trong văn chương thiếu nhi, cái chết không chỉ là thủ pháp hay một yếu tố kĩ thuật thể loại (chẳng hạn, các nhân vật chết đi để vượt qua các giới hạn không, thời gian, sang các kiếp sống khác) mà luôn là một chủ đề tâm lý và văn hóa với những biểu thuật đa dạng. Cũng như Peter Pan không bao giờ lớn, sự biến mất của hoàng tử bé là cách thức lưu giữ vẻ đẹp bất tử có tính biểu tượng, một cách vô hiệu hóa sự ăn mòn và bao phủ của thời gian, làm nên nỗi lưu luyến không dứt với cái huyền diệu trầm tích trong mỗi con người. Hoàng tử bé không sở hữu thân xác vĩnh cửu, nhưng cậu đã ở lại trong trái tim một-người-bạn như tiếng cười lanh canh vô tận chuông ngân trong hàng vạn vạn ngôi sao, để lại một khung cảnh đẹp nhất và buồn nhất thế gian. Trong một song chiếu khác, như Antoine de Saint-Exupéry mất tích ở tuổi 44, hoàng tử bé bí ẩn và nhẹ nhàng rời khỏi thế gian này.
***
Trong không gian văn hóa đương đại, trẻ em đang hiện ra rõ rệt hơn như những nhà tiêu dùng nhỏ tuổi, một mắt xích trong dây chuyền sản xuất và lựa chọn, phân phối văn chương thiếu nhi của các tác giả, nhà xuất bản, nhà giáo dục, nhà phê bình,… Với sự lấn lướt của công nghệ quảng cáo, những cuốn sách mang tiềm năng thành hàng hóa nhất dễ trở nên nổi bật nhất, kéo theo vô số biến thể, chuyển thể sang phim ảnh, đồ chơi, đồ ăn… và có thể hoàn toàn xa lạ với các phẩm chất văn chương. Chính bởi thế, việc đọc và đọc lại những ví dụ kinh điển của văn chương thiếu nhi, như trường hợp Hoàng tử bé, có thể gợi dẫn các suy tư về chức năng gốc rễ và phẩm chất của mảng văn chương đặc thù dành cho trẻ em này. Ở đó, những câu chữ đùa chơi có thể gieo vào lòng ta sự nhẹ nhõm sâu xa, như một hơi thở nhẹ đưa hương.
9/2009 –5/2025
(Bản rút gọn và sửa chữa từ bài viết “Văn chương của sự nhẹ nhõm sâu xa”, bài viết tham dự hội thảo “Những ảnh hưởng của văn học thiếu nhi đến sự phát triển nhân cách trẻ em trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế” - tháng 10/2009, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.)
Bài đăng KH&PT số 1346 (số 22/2025)