Địa lý và địa chính trị vẫn còn ảnh hưởng quan trọng trong cuộc đối đầu giữa các cường quốc thế giới hay khu vực; nhưng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và biến động của tình hình quốc tế đã khiến địa lý không còn quan trọng tuyệt đối nữa.

Ít nhất cho đến thế kỷ XX, địa lý vẫn còn đóng vai trò chủ chốt trong quy định xã hội nhân loại và diễn trình lịch sử. Trong cuốn sách Sự minh định của địa lý, xuất bản lần đầu năm 2012, Robert D. Kaplan lập luận rằng địa lý vẫn quan trọng trong cách các xã hội và nhà nước tự định hình mình và gia tăng quyền lực đối với lân bang và khu vực xa hơn nữa. Đây là một sự điều chỉnh cần thiết đối với quan điểm “thế giới phẳng” hay toàn cầu hóa dường như đang thống trị hiện nay. Như thường lệ, Kaplan đưa ra một tác phẩm khơi gợi suy nghĩ, gây ấn tượng bằng kiến ​​thức sâu rộng về các dân tộc và quốc gia mà ông nói đến.

Đầu tiên, Kaplan xem xét và đánh giá lại một số lý thuyết về địa chính trị trong phần I, bao gồm giả thuyết vùng lõi (heartland) của Mackinder, luận thuyết vùng ngoại vi (rimland) của Spyker, oikoumene (các vùng đất đã có người cư trú) của Hodgson và các lập luận của Mahan về quyền lực trên biển có thể ảnh hưởng như nào đối với lịch sử. Tất cả đều cơ bản đồng ý rằng cuộc đối đầu địa chính trị quan trọng nhất diễn ra tại Cựu Thế giới (lục địa Á-Âu-Phi) vì về mặt lịch sử và thậm chí cả hiện tại, đây là nơi chiếm phần lớn dân số và tài nguyên thiên nhiên của thế giới. Các học giả cũng đồng thuận rằng thế lực nào khống chế Á-Âu-Phi, thế lực đó sẽ khống chế toàn bộ thế giới. Tuy nhiên, họ lại không thể đưa ra một khung tiêu chí để xác nhận những điều kiện gì cho phép quyền kiểm soát Cựu Thế giới.

Mackinder nhấn mạnh thuyết heartland (vùng nội địa ít người nhưng giàu có tài nguyên ở châu Á - ám chỉ không gian Trung Á, Nga và Siberia) - một luận giải cho sự trỗi dậy của các đế chế Sa hoàng, Liên Xô và sự tái khởi sau này của nước Nga thời Putin. Spyker, ngược lại, nhấn mạnh rimland với bốn trung tâm (châu Âu, Trung Hoa, Tây Á và Ấn Độ) đã sản sinh ra các hệ tư tưởng/tôn giáo độc đáo. Hodgson làm sống lại thuyết oikoumene trên không gian Tây Á (vành đai lãnh thổ từ Nile đến Oxus) – nơi gặp nhau của ba châu lục và không có biên giới tự nhiên nào có thể phòng thủ được, nhưng mọi hiện tượng thay đổi của thế giới đều bắt nguồn tại đây, từ các thành bang đầu tiên, đế chế hay tôn giáo thế giới. Mahan từ bỏ cuộc tranh luận đất liền, hướng đến đại dương để giải thích việc kiểm soát các con sóng sẽ có lợi thế ra sao.

Phần II của cuốn sách được dành riêng để phân tích địa chính trị của các khu vực cụ thể - châu Âu, Nga, Trung Hoa, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và những nơi từng thuộc đế chế Ottoman; cùng với Mỹ.

Phần III đề cập đến châu Mỹ và những vấn đề mà Kaplan tin Mỹ sẽ phải đối mặt. Tác giả lo rằng việc duy trì các cam kết và nguồn lực khổng lồ tại nhiều khu vực, trong khi lại bỏ ngỏ và không quan tâm đến mối đe dọa liền kề từ Mexico có thể gây bất ổn cho Tân Thế giới đến mức khiến Mỹ mất khả năng đối phó với Trung Quốc đang nổi lên rõ rệt và nước Nga Sa hoàng mới đang dần tái thiết.

Về cơ bản, Kaplan cố gắng lập luận rằng thế giới không chỉ là Nóng, Phẳng và Chật theo lời của Thomas L. Friedman, mà thay vào đó là nhiều núi và có cả đường bờ biển. (Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy còn có cả ranh giới chủng tộc và tôn giáo luôn ẩn núp ngay bên dưới văn bản của trang sách.) Để rồi, tác giả lâm vào con đường chủ nghĩa Đông phương luận vốn chi phối các học giả phương Tây. Tác giả tiếp tục tin rằng thành công của phương Tây đến từ các địa hình chia cắt của châu Âu, cho phép thử nghiệm nhiều mô hình và con đường phát triển riêng. Hơn thế nữa, việc thường xuyên cạnh tranh của các trung tâm khu vực và vùng thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và sự trỗi dậy của các trào lưu tư tưởng chính trị mới. Đó được cho là nguyên nhân vì sao phương Tây đã dần vượt trội và trở thành trung tâm rimland chi phối chính thế giới.

Vậy trong thế kỷ XXI, địa lý hay địa chính trị có còn ảnh hưởng đến sự trỗi dậy của các cường quốc trong tương lai hay không. Rõ ràng, địa lý và địa chính trị vẫn còn ảnh hưởng quan trọng trong cuộc đối đầu giữa các cường quốc thế giới hay khu vực; nhưng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và biến động của tình hình quốc tế đã khiến địa lý không còn quan trọng tuyệt đối nữa. Trong cuốn sách Cường quốc trong tương lai – Vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030, xuất bản lần đầu năm 2019, Hamada Kazuyuki đưa ra một số phân tích và nhận định về việc các cường quốc mới có thể trỗi dậy như thế nào trong một sân chơi vốn có của các cường quốc truyền thống.

Hai cuốn sách của Robert D. Kaplan và Hamada Kazuyuki chứa đựng một số quan điểm mâu thuẫn với nhau nhưng đều có thể làm hài lòng những độc giả mong muốn đọc về các sự kiện chính trị, thuyết âm mưu cũng như các toan tính của siêu cường. Nguồn: CC
Hai cuốn sách của Robert D. Kaplan và Hamada Kazuyuki chứa đựng một số quan điểm mâu thuẫn với nhau nhưng đều có thể làm hài lòng những độc giả mong muốn đọc về các sự kiện chính trị, thuyết âm mưu cũng như các toan tính của siêu cường. Nguồn: CC

Trong chương đầu, tác giả nêu quan điểm của mình về những quốc gia và khu vực có khả năng trở thành cường quốc mới: CHDCND Triều Tiên, Việt Nam, Indonesia, Israel, Oman và thậm chí cả Liên minh Châu Phi (AU). Đây thực sự là quan điểm chủ quan của tác giả nhưng không thể bỏ qua. Xét về dân số, kinh tế và ảnh hưởng, Indonesia và Việt Nam hoàn toàn có thể định hình vai trò của mình trong hệ thống chính trị thế giới. Oman - vốn ở bên rìa bán đảo Ả Rập, từng có một thời kỳ đế chế ở duyên hải Đông Phi trước khi phải lùi bước trước đế chế Anh. Israel trở thành cường quốc thực sự ở Tây Á cùng các mối liên hệ với Mỹ. Nhưng Triều Tiên và AU cần phải xem lại, ngay cả khi sở hữu vũ khí hạt nhân. Hẳn nhiên, khác với Hàn Quốc, Triều Tiên duy trì sự tồn tại của mình phần lớn liên quan đến vấn đề địa chính trị, chủ yếu như vùng đệm giữa Trung Quốc với các doanh trại Mỹ ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều đó không còn quá quan trọng trong bối cảnh công nghệ hiện đại thế kỷ XXI. Do đó, hầu như không có bất cứ cơ sở nào cho việc trỗi dậy của Triều Tiên để trở thành một cường quốc – ngay cả khi công cuộc thống nhất hai miền thành công.

Sang chương tiếp theo, Hamada Kazuyuki đánh giá lại tương lai của các cường quốc hiện nay gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, và Ấn Độ.

Cuối cùng, tác giả trình bày các tiềm năng duy trì phát triển của Nhật Bản (chủ yếu tập trung vào phân tích các tài nguyên thiên nhiên mới phát hiện) và tinh thần chân thành, hợp tác của người Nhật đối với các quốc gia đối tác.

Cuốn sách hầu như không dựa trên nền tảng lý thuyết nào và việc đánh giá có phần chủ quan. Tác giả đánh giá tương lai một quốc gia trên cơ sở các ưu điểm, nhưng lại thiếu vắng những hạn chế khiến các kết luận rút ra khó có tính thuyết phục.

Có lẽ, điều giá trị nhất mà cuốn sách đưa ra được là việc đề xuất những đặc tính mới đại diện cho một cường quốc điển hình của thế giới tương lai, với năm điểm cốt yếu: (1) Chỉ số hạnh phúc của dân chúng; (2) Tính đa dạng trong công nghệ; (3) Vận dụng và ứng dụng nhanh chóng các công nghệ mới; (4) Đưa ra được các giá trị toàn cầu; (5) Có nguồn lực cho phát triển thịnh vượng.

Chính năm yếu tố này cho phép tác giả củng cố nhận định địa lý và địa chính trị không còn quá quan trọng trong việc định hình một quốc gia và cường quốc thế hệ mới. Có thể thấy sự thiếu vắng những đặc điểm quen thuộc của các cường quốc truyền thống: quy mô dân số, diện tích lãnh thổ, nguồn tài nguyên thiên nhiên và sức mạnh quân sự, đồng nghĩa với việc các quốc gia này sẽ là những “cường quốc khiếm khuyết” cần đến các mạng lưới quan hệ đối tác, đồng minh để củng cố vị thế của mình. Đây cũng chính là các đối tượng lý tưởng mà Nhật Bản hướng tới để xây dựng các quan hệ hợp tác nhằm duy trì và mở rộng ảnh hưởng của mình. Trên thực tế, cuốn sách của Hamada Kazuyuki giống như một văn bản hướng dẫn ngoại giao cho Nhật Bản trong việc xác lập các mối quan hệ đồng minh, hợp tác và cả những đối thủ trong thế kỷ XXI.

Hai cuốn sách thời thượng của Robert D. Kaplan và Hamada Kazuyuki chứa đựng một số quan điểm mâu thuẫn với nhau nhưng đều có thể làm hài lòng những độc giả mong muốn đọc về các sự kiện chính trị, thuyết âm mưu cũng như các toan tính của siêu cường. Trong đó, theo chúng tôi, cuốn sách của Kaplan có thể hỗ trợ độc giả một cách thiết thực hơn so với các tham luận mang tính tự sự của Kazuyuki trong việc tìm hiểu kiến thức chuyên môn về địa chính trị, bởi nó phân tích, tóm tắt và khái quát nhiều nghiên cứu địa chính trị của các học giả hàng đầu đi trước.

Bài đăng KH&PT số 1323 (số 51/2024)