Tri thức về một thành phố có thể không đến từ sách vở, mà đến từ kho ký ức và trải nghiệm được những người dân bình thường chia sẻ với nhau, thông qua các thực hành kết hợp nghiên cứu, nghệ thuật và vui chơi.
Đó là điều mà Nguyễn Vũ Hải, một người hoạt động văn hóa dựa trên nền tảng nghiên cứu đô thị và hoạt động cộng đồng, đã thể hiện qua các chương trình như “City in layers” hay “Dấu sông hồn phố”.
Từ tri thức truyền miệng hiện đạiMột ngày tháng 6/2024, trong trại hè Bizee Bees của Trường Tiểu học Jean Piaget, kiến trúc sư Nguyễn Vũ Hải vui vẻ kể với học sinh về những vị thủy thần từng “sống” ở Hà Nội. Qua ngôn ngữ thần thoại và cổ tích, những sông hồ từng làm nên diện mạo của thành phố lần lượt hiện lên dưới lốt các vị thủy thần, với đời sống đổi thay khi dòng chảy bị ô nhiễm hoặc mặt nước bị thu hẹp. Trong những ngày kế tiếp, học sinh lớp lớn được thực hành vẽ bản đồ dòng nước chảy qua thành phố ở năm lát cắt lịch sử - trải từ thời điểm vùng đất chưa có người sinh sống qua thời Trung đại, thời thuộc địa, rồi đến thời nay. Xen giữa các bài giảng, học sinh khác lớp được trao đổi tự do với nhau ở xưởng, và sau trại hè, các sản phẩm của học sinh được nhà trường triển lãm. Trong lớp học của Hải, sinh hoạt tri thức không còn bó hẹp trong việc thụ động tiếp thu các bài giảng, mà trở thành dịp để người học chia sẻ những kỷ niệm, cảm nhận và tưởng tượng mà thành phố từng mang đến cho mình. Theo cách này, linh hồn của Hà Nội – với phân nửa lịch sử được chắp lại từ các câu truyện dân gian – dường như hồi sinh trên các phố phường mà học sinh bước qua trong đời sống hiện tại. Khi trại hè khép lại, Hải thêm vào kho chuyện kể của mình những câu chuyện mà học sinh chia sẻ với anh, như trải nghiệm của một cậu bé có ngôi nhà xây ngay trên đoạn sông Kim Ngưu bị biến thành cống ngầm.
Hải có lý do để khám phá mối quan hệ giữa Hà Nội với các dòng nước. Cái tên “Hà Nội” chỉ rõ một đặc điểm địa lý cũ của thành phố: nằm giữa các con sông. Sông từng kết nối các ngôi làng, nuôi dưỡng mọi hoạt động trong đời sống, và gắn chặt với các huyền thoại nuôi dưỡng tinh thần của thành phố này. Vì vậy, việc biến sông thành một phần của hệ thống thoát nước thải đô thị – một quá trình kéo dài từ thời Pháp thuộc đến ngày nay – đã khởi đầu tiến trình thay đổi các hình dung về nước và thành phố, mà hệ lụy của nó bao gồm nhiều đứt gãy văn hóa.
“Dấu sông hồn phố” – một chuyến đi bộ để khám phá lịch sử và văn hóa Hà Nội được tiến hành thường xuyên từ năm 2017 đến nay – là ví dụ điển hình cho các thực hành văn hóa của Nguyễn Vũ Hải. Theo dấu tích trên các bản đồ cũ, các tư liệu và các công trình tại thực địa, Hải dẫn “du khách” – đa phần là người Hà Nội đã quen thân với chính tuyến đường này – lần theo dấu vết khuất lấp của thượng nguồn sông Tô Lịch, con sông từng gắn với huyền tích về vị thành hoàng của Thăng Long.
Khởi hành từ cửa sông trên phố Chợ Gạo, và dừng bước ở đoạn sông đang bị lấp thành cống ngầm cạnh công trường xây một chung cư mới, du khách nghe Hải kể về các kỷ niệm, các cộng đồng người, các lối sống, các ý nghĩa từng gắn với một từ ngữ hoặc một địa điểm, nhưng nay đã khuất lấp theo quá trình cống hóa của con sông. Khi trực tiếp cảm nhận sự khác biệt giữa không gian trên bản đồ và không gian trong tâm trí của người sinh sống, hồi tưởng hoặc đi qua một địa điểm, mỗi người sẽ có cơ hội để suy tư về bản chất của đô thị, và về cách để làm nên một thành phố đáng sống.
Đến các chuyện kể đa phương tiệnKhi trò chuyện với với tôi tại một quán trà, Nguyễn Vũ Hải nhận xét rằng mọi người thường hiểu lầm về trọng tâm các thực hành văn hóa của anh. Lặp lại một lối nói đang thịnh hành, họ gọi Hải là người bảo tồn và truyền bá di sản, trong khi thực ra anh chỉ đang tìm nhiều ngôn ngữ khác nhau để kể câu chuyện của mình, đồng thời lắng nghe người khác kể câu chuyện của họ.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc Hà Nội vào năm 2015, Hải làm việc tại một công ty kiến trúc đến năm 2018, rồi chuyển sang làm cán bộ chương trình Dân tộc Thiểu số của Viện iSEE đến năm 2022, trước khi bắt đầu làm việc độc lập để tập trung cho các hoạt động văn hóa và nghệ thuật.
Kinh nghiệm đa ngành này cho phép anh ghi nhận các câu chuyện về Hà Nội bằng nhiều phương pháp khác nhau – từ quan sát cảnh quan và mối liên kết giữa các vật thể trong đời sống thường nhật cho đến trò chuyện với những cộng đồng đang sống trong thành phố. Từ chuyện một quán café lâu năm chuyển sang lối làm việc công nghiệp nên đánh mất sự quen thân giữa khách hàng, chủ quán và lũ trẻ hàng xóm, cho đến chuyện hương hoa nhài đọng lại dưới đáy bát tào phớ có còn hay mất là nhờ những kết nối giữa người với người và với thiên nhiên – những câu chuyện mà Hải kể về Hà Nội vừa có vẻ tinh tế của một người biết thưởng thức và chìm đắm vào đời sống quanh mình, vừa có tầm bao quát khi liên kết các mẩu chuyện thường nhật với những đổi thay trong xã hội và môi trường sinh thái.
So với những người khác đã và đang kể câu chuyện về Hà Nội, điểm mới của Hải nằm ở cách kể chuyện. Thay vì chỉ dùng ngôn ngữ nói hoặc viết kể một câu chuyện duy nhất từ góc nhìn của mình, anh xây dựng các môi trường đa phương tiện để mọi người cùng tham gia kể chuyện. Phương tiện được dùng có thể là các hoạt động nhóm như trò chuyện, lập bản đồ hoặc đi bộ khảo cứu, cũng có thể là một vở kịch hoặc một trò chơi. Người ta kể chuyện cho nhau không chỉ bằng lời, mà còn bằng cách cùng trải nghiệm thông qua các giác quan, các công việc, các suy tính và quyết định.
Chẳng hạn, khi thực hiện tác phẩm sắp đặt Hộp Hộp Hộp vào năm 2019, Hải và các nghệ sĩ khác đã cùng xây dựng một dãy hộp vuông để mô phỏng các chung cư, văn phòng, nhà ống…, vốn là nơi đa số cư dân thành thị hiện đại đang sống. Để chiêm ngưỡng tác phẩm này, khách tham quan phải khom lưng, nheo mắt nhòm qua một lỗ nhỏ được đục trên mỗi hộp, để nhìn ngắm những con rối dị hình trong hộp chứa chật hẹp. Mỗi cái hộp vừa là không gian riêng tư, vừa là lồng nhốt, và người ta chỉ nhìn thấy một góc rất nhỏ của cả thiên nhiên lẫn người khác trong cảnh sống này. Khán giả “lắng nghe” câu chuyện của các con rối không chỉ bằng cách nhìn cảnh tượng, mà còn bằng sự chật hẹp trong động tác nheo mắt, khom lưng, và sau trải nghiệm này, họ sẽ được khơi gợi để kể câu chuyện về chiếc hộp của mình với những người khác.

Một số “chuyện kể” muộn hơn của Hải có dạng trò chơi, trong đó người chơi phải tương tác với nhau và với môi trường, để từ đó lắng nghe thành phố, và “nghe” nhau, thông qua quá trình va chạm, thảo luận và cùng ra quyết định. Chẳng hạn, khi làm chuỗi workshop KTT-ing (2022-2024), anh trao cho mỗi người chơi một căn hộ trong mô hình khu tập thể làm bằng plastic, rồi hướng dẫn họ xây dựng bản sắc và ký ức của mình bằng những món đồ cá nhân, sau đó thảo luận với những người chơi khác để trải nghiệm quá trình mở rộng căn hộ và bàn cách chia sẻ các tài nguyên khan hiếm.
Các thực hành của Nguyễn Vũ Hải hé lộ một thực tế, rằng tri thức về một thành phố, hoặc về xã hội, là thứ không cố định. Các cá nhân khác nhau về ký ức, hoàn cảnh, địa vị và thời đại sẽ kể về một thành phố theo những cách rất khác nhau; và mỗi chuyện kể này đều truyền tải một cách sống, một cách để xây dựng và tham gia các liên kết với xã hội và môi trường – tức là một dạng tri thức. Khi thành phố đang hiện đại hóa một cách bất định, người ta không thể không chứng kiến sự đứt gãy về mặt tri thức giữa các thái cực như cũ và mới, trung tâm và ngoại biên – cả ở cấp độ xã hội lẫn trong đời sống một cá nhân. Những môi trường giáo dục áp đặt một tri thức duy nhất cho mọi người sẽ không đáp ứng được nhu cầu, vì chúng ngăn người học tiếp cận các tri thức mới, hội nhập vào các lối sống đa dạng đang xảy ra trong đời thực, và dùng trải nghiệm dị biệt của cá nhân như một vốn quý. Khi tạo lập một môi trường cho phép các cá nhân chia sẻ chuyện kể về thành phố bằng các tương tác và trải nghiệm sâu, qua đó xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa giữa họ với nhau và với thành phố, Nguyễn Vũ Hải đã cung cấp một mô hình trao đổi tri thức đáng tham khảo trong bối cảnh đương đại ở Việt Nam. Khi người học được cảm nhận môi trường, ra quyết định và kết nối với nhau thông qua các trò chơi đa phương tiện, họ sẽ có cơ may được trao quyền để trở thành chủ thể tham gia kiến tạo tri thức, thay vì chỉ làm một khách thể chịu đựng tri thức.
Bài đăng KH&PT số 1323 (số 51/2024)