Ngôn ngữ, tác phong và môi trường sống thường nhật đang quyết định vị thế xã hội và thị hiếu của chúng ta ra sao? Lý thuyết xã hội học của Pierre Bourdieu, được tóm tắt trong cuốn “Pierre Bourdieu, một dẫn nhập” của nhà nhân học Pierre Mounier, sẽ mang đến cho người đọc một bộ công cụ thú vị để trả lời câu hỏi đó.

Những khuôn khổ của tự do

Cuốn sách mở đầu bằng một bản tóm tắt sự nghiệp nghiên cứu và dấn thân của Pierre Bourdieu (1930 - 2002), một trong những tượng đài của xã hội học ngày nay. Nó cung cấp một cái nhìn đa chiều về thành tựu của Bourdieu – tác giả của cả những bài bút chiến gây tranh cãi lúc cuối đời lẫn công trình xã hội học quan trọng thứ sáu trong thế kỷ XX (theo đánh giá của Hiệp hội Xã hội học Quốc tế). Chương đầu của cuốn sách cũng giới thiệu những di sản lý thuyết mà Bourdieu kế thừa. Là một thạc sĩ triết học đi nghiên cứu nhân học thực địa trước khi chuyển sang xã hội học, Bourdieu đã phối trộn và phản bác nhiều lý thuyết khác nhau để tạo nên một bộ công cụ phân tích mà ông sử dụng xuyên suốt sự nghiệp.

Ảnh: NXB Tri thức.

Để tìm một lối đi trung dung giữa hai hệ phái xã hội học xung khắc nhau – một bên cho rằng cá nhân tự do quyết định hành vi của mình một cách duy lý, bên kia cho rằng cá nhân bị cấu trúc xã hội áp đặt hành vi – Bourdieu tìm kiếm những khuôn khổ cho phép cá nhân tự do hành động trong xã hội. Ông tìm ra ba khuôn khổ như vậy: tập tính, giai cấp, và “trường lực” trong lĩnh vực chuyên môn. Vì một người có thể thay đổi tập tính, giai cấp và chuyên môn tùy từng thời điểm, người đó có thể hành xử khác nhau trong các tình huống thực tiễn khác nhau.

Tập tính (habitus) giống như những đường mòn mà lịch sử để lại, để cá nhân và tập thể tiếp tục đi qua, từ đó lặp lại lịch sử. Dù con người có thể thay đổi tập tính để thích nghi với hoàn cảnh, việc này tốn rất nhiều thời gian, và có thể gây nhiều tổn thương. Chẳng hạn, hồi thế kỷ 19, những người nông dân Algerie bị ép di cư lên thành thị đã đánh mất cả giá trị sống lẫn sự cố kết cộng đồng. Thay vì thụ đắc những yếu tố của văn hóa thành thị, họ chỉ cóp nhặt được vài mảnh vụn của một thứ văn hóa xa lạ với văn hóa cũ, đẩy họ vào cảnh mất căn cước, mất định hướng, mất phẩm giá.

Pierre Bourdieu (1930-2002). Ảnh: humanite.fr

Bourdieu phân biệt rõ hai loại tập tính, là tập tính giai cấp (hay tập tính nhóm) và tập tính cá nhân. Giai cấp là một nhóm người có điều kiện sống tương tự nhau, vì vậy có chung một số tập tính. Tập tính của mỗi cá nhân không hoàn toàn lệ thuộc vào tập tính nhóm, vì mỗi cá nhân có lộ trình xã hội và ký ức khác nhau. Đặc biệt, tập tính không phải là một trạng thái tinh thần mà là một trạng thái thể xác, trực tiếp xuất phát từ trải nghiệm của thể xác. Chẳng hạn, con nhà gia thế có thể sống đời thượng lưu một cách tự nhiên hơn nhiều so với những “kẻ học đòi” mới nổi, vì họ có cơ thể thích nghi với tập tính của tầng lớp trên từ nhỏ, thông qua lối ăn uống, đi đứng, giao tiếp, học tập, vui chơi. Cùng lúc, tư thế mà xã hội áp lên cơ thể của từng người cũng quyết định cách người đó cảm nhận, suy nghĩ và giao tế. Chẳng hạn, kỳ vọng của xã hội rằng phụ nữ phải thon thả, cúi đầu e thẹn, ngồi khép chân… đã đưa ra hàng loạt giới hạn đối với kích thước và cử động của cơ thể nữ, từ đó đặt họ ở thế dưới so với người nam, và ngăn họ làm nhiều công việc đang mang lại sức mạnh kinh tế, công nghệ, xã hội và vũ lực cho nam giới.

Kế thừa các truyền thống xã hội học của Durkheim và Weber, Bourdieu dùng khái niệm “trường lực” (field) để xem xét sự phân công lao động trong xã hội. Mỗi “trường” – như trường kinh tế, sư phạm, văn học, chính trị… – gắn với một lĩnh vực được chuyên môn hóa ở mức độ cao, nhờ đó có độ tự trị nhất định đối với các lĩnh vực khác. Nếu cá nhân chấp nhận tập tính của giai cấp do bị giới hạn bởi điều kiện sống, thì họ chấp nhận tập tính của trường do sức ép từ những hình phạt, phần thưởng và cơ hội thăng tiến đặc thù mà trường đặt ra. Trên điểm này, Bourdieu ví von: “Người ta không thể khiến các triết gia ganh đua vì những phần thưởng thường dành cho nhà địa lý học”. Dù vậy, cũng cần lưu ý rằng cả trường triết học lẫn trường địa lý đều nằm trong những trường rộng hơn (như trường học thuật), và mọi trường đều nằm trong trường quyền lực – thứ được Bourdieu ví với một không gian công. Qua ví dụ về cuộc đấu tranh đòi quyền tự trị của trường văn chương trong thế kỷ 19, Bourdieu chỉ ra rằng độ tự trị của các trường trong trường quyền lực là nguồn đảm bảo cần thiết cho tự do của cá nhân và tiến bộ của từng lĩnh vực. Trước thế kỷ 19, trường văn chương của Pháp hoàn toàn lệ thuộc các trường chính trị và kinh tế, nhà văn chỉ được xem là công chức của triều đình hoặc người viết kiếm lợi nhuận. Nhưng đến thế kỷ 19, khi một lượng nhỏ nhà văn bắt đầu có khả năng độc lập tài chính, họ tuyên bố một chuẩn mực mới là “nghệ thuật vị nghệ thuật”, theo đó, tiêu chuẩn cao nhất của nghệ thuật là cái đẹp, chứ không phải doanh thu trên thị trường hay các lý tưởng chính trị. Từ đó, giới văn chương (và trí thức) có một luật chơi ngầm khác biệt với môi trường kinh doanh hoặc chính trị.

Văn hóa như một loại vốn

Vậy các cá nhân và tập thể phải làm gì để thăng tiến trong xã hội, hay nói cách khác, giành vị trí cao hơn trong trường quyền lực? Mượn khái niệm của Marx, Bourdieu mô tả quá trình thu vén quyền lực như một quá trình tích lũy vốn, không chỉ vốn kinh tế mà cả vốn biểu tượng. Chẳng hạn, trong quan hệ vợ chồng ở nhiều xã hội phụ hệ, người nam chu cấp kinh tế cho người nữ, để đổi lấy “danh dự đàn ông” (tức vốn biểu tượng), nhằm khẳng định quyền thống trị của đàn ông. Sự thống trị của nam giới đối với nữ giới trong gia đình không chỉ được quyết định bởi lượng vốn, mà còn xuất phát từ cấu trúc xã hội. Trong xã hội phụ hệ, những nỗ lực của người nữ để bảo toàn danh dự của mình (như chung thủy, làm tốt việc nhà, nuôi dạy con cái…) thực ra giúp tích lũy vốn biểu tượng cho người nam, vì gia đình mang tên họ của người nam và lệ thuộc kinh tế vào người nam. Như vậy, kẻ sở hữu vốn biểu tượng sẽ bóc lột giá trị thặng dư của kẻ không có quyền sở hữu, và tình thế này tạo nên cấu trúc thống trị - bị trị trong xã hội.

Bourdieu cho rằng mỗi cá nhân có nhiều loại vốn biểu tượng khác nhau, ứng với các trường khác nhau mà người đó tham gia (như danh dự gia đình, trình độ văn hóa, học vị, quân hàm, uy tín nghề nghiệp…). Tỷ suất chuyển đổi giữa các loại vốn khác nhau sẽ quyết định cái giá mà cá nhân phải trả để gia nhập mỗi trường, cũng như vị thế và độ tự trị của mỗi trường trong trường quyền lực. Để vốn biểu tượng của mình “có giá” hơn trong trường quyền lực, mỗi nhóm xã hội phải thuyết phục các nhóm khác chấp nhận hệ giá trị của mình. Như vậy, vốn biểu tượng không chỉ tạo nên quyền lực, mà còn che giấu quyền lực, khi khiến cả người thống trị lẫn bị trị tin rằng cấu trúc quyền lực hiện hành là “lẽ tự nhiên” mà cả xã hội phải tuân thủ.

Bourdieu đã dùng những công cụ phân tích vừa kể tìm hiểu thị hiếu giai cấp, môi trường giáo dục và bản thân xã hội học. Chẳng hạn, dưới ảnh hưởng của điều kiện sống dư dả, tập tính hưởng thụ hình thành từ bé và quy chuẩn của các trường giáo dục, nghệ thuật, văn hóa, tầng lớp sở hữu nhiều vốn văn hóa có khuynh hướng ưa chuộng thứ “nghệ thuật thuần túy” tách rời khỏi đời sống thường nhật và các chức năng giải trí, mua vui. Thị hiếu này vừa giúp họ giữ khoảng cách nhất định với đời sống thường nhật, vừa giúp họ tích lũy vốn văn hóa, dù là bằng những hành vi vô thức. Ngược lại, do xem sinh hoạt văn hóa như những phút giải lao chen giữa hai giờ lao động hoặc thời gian để thắt chặt quan hệ cộng đồng, thị hiếu bình dân không tách rời chức năng giải trí, nhu cầu thường nhật và các định kiến phổ thông. Cuộc điều tra của Bourdieu cho thấy khi xem một xấp ảnh, những người có vốn văn hóa lớn thường tin rằng mọi vật (như cây bắp cải, hòn đá…) đều có thể tạo nên một bức ảnh đẹp, cái đẹp đến từ cách chụp thay vì vật được chụp. Ngược lại, những người có thị hiếu bình dân thường thích những bức ảnh có chủ đề được xã hội cho là đẹp – như ảnh chụp phụ nữ, bông hoa hay hoàng hôn. Ở giữa hai cực ổn định này, tầng lớp trung lưu có khuynh hướng hy sinh lạc thú hiện tại vì tương lai, chi tiêu dè xẻn để đặt mình và con cháu trong một lộ trình liên tục nhằm vươnđến tầng lớp trên và tránh rơi về tầng lớp dưới. Trong mỗi tầng lớp, cũng có sự phân cực giữa thị hiếu xa hoa của nhóm gia trưởng (thiên về vốn kinh tế) và thị hiếu thanh đạm của giới trí thức (thiên về vốn văn hóa), giữa những khẩu hiệu ca ngợi hưởng thụ của lớp trung lưu mới nổi trong ngành quảng cáo và tính kỷ luật của các nhóm trung lưu lâu năm như thợ thủ công… Khuynh hướng tiêu thụ dễ dãi của giới bình dân và sự học đòi của giới trung lưu sẽ giúp giới thượng lưu – kẻ sở hữu ngành công nghiệp văn hóa và các thị hiếu cao cấp – dễ dàng bóc lột giá trị thặng dư kinh tế và biểu tượng của tầng lớp dưới. Nhờ đó, sự bất bình đẳng trong xã hội được bảo toàn thông qua chính những nỗ lực thăng tiến của giới trung lưu, cùng những văn hóa phẩm đánh vào ước mơ của giới bình dân. Nhiều khía cạnh của tâm hồn, mà chúng ta tưởng là nhân cách bẩm sinh, hóa ra lại hình thành do xuất thân và hoàn cảnh sống.