Các nhà nghiên cứu đã phát hiện con vẹt lớn nhất từng được biết đến, với kích thước gấp đôi so với loài vẹt lớn nhất hiện nay. Vị trí phát hiện hóa thạch dọc theo một con sông ở phía nam New Zealand.

Phát hiện này dựa trên hai chân hóa thạch của con chim. Không chân nào còn nguyên vẹn, nhưng đủ để xác định con chim thuộc về Bộ Vẹt, nhóm bao gồm tất cả các loài vẹt, các nhà nghiên cứu báo cáo hôm nay trên tạp chí Biology Letters.

Hình minh họa cho loài vẹt mới được phát hiện, sống cách đây khoảng 20 triệu năm.

Các nhà khoa học ước tính, loài vẹt này sống cách đây khoảng 20 triệu năm và nặng khoảng 7 kg, tức là gấp đôi khối lượng của loài vẹt nặng nhất được biết đến, vẹt kakapo, và có kích thước tương đương với loài dodo đã tuyệt chủng.

Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho loài vẹt mới phát hiện này là Heracles inexpectatus - ghép từ Haracles, á thần Hy Lạp và inexpectatus (expect có nghĩa là chờ đợi, mong đợi) vì loài này là một phát hiện bất ngờ. Các nhà cổ sinh vật học đã đặt tên này để phản ánh kích thước và sức mạnh khác thường của nó và bản chất bất ngờ của khám phá.

Giáo sư Trevor Worthy, Đại học Flinder, Úc, tác giả chính của nghiên cứu công bố trên tạp chí Biology Letters, cho biết: "Khi chúng tôi phát hiện đây là một động vật mới mẻ và thú vị, thử thách là tìm ra bộ của chúng".

"Vì không có con vẹt khổng lồ nào từng được tìm thấy trước đây, chúng tôi không nghĩ đến bộ vẹt - do đó phải mất một thời gian để phân biệt tất cả các loài chim khác với vẹt để kết luận rằng những đặc tính độc đáo của con vật này chắc chắn là của một con vẹt".

Paul Scofield, người phụ trách lịch sử tự nhiên tại Bảo tàng Canterbury, cho biết, hóa thạch đã được khai quật vào năm 2008, và ban đầu nhóm nghiên cứu đã nghĩ rằng đây là một phần xương của một con đại bàng khổng lồ.

Những chiếc xương, sẽ được đưa ra trưng bày tại một triển lãm vào tháng 11 tới, đã được tìm thấy trong một mỏ hóa thạch từ thế Miocene, khoảng 19 triệu năm trước, gần Saint Bathans ở Trung tâm Otago, New Zealand.

Mặc dù khu vực này hiện nay rất lạnh và được biết đến là nơi trượt tuyết, Scofield cho biết khí hậu ở đây vào thời điểm con vật sinh sống là gần một hồ nước khổng lồ trong một khu rừng cận nhiệt đới đa dạng.

"Hồi đó, đây là một môi trường cận nhiệt đới khá giống với miền bắc New South Wales, và thậm chí còn có thảm thực vật tương tự", Scofield nói.

Ông cho biết, trọng lượng lớn của con vẹt có nghĩa là khả năng cao là nó không bay được. Mặc dù chưa biết chế độ ăn của con vẹt này, Scofield lưu ý, hầu hết các loài vẹt ngày nay đều ăn thực vật.

"Nhưng khi động vật trở nên lớn hơn, chúng trở thành loài săn mồi", ông nói. "Con vẹt này lớn đến mức nó sẽ cần một lượng calo đáng kể mỗi ngày". Scofield cũng cho biết có những ví dụ khác về loài vẹt ăn tạp, như vẹt ở New Zealand ăn chim biển.

Các hệ sinh thái trên các đảo thường tạo ra những con chim lớn, khác thường, thường không biết bay - ví dụ, kiwi của New Zealand và dodo của Mauritius. New Zealand đã tạo ra một số lượng lớn các loài như vậy do kích thước lục địa lớn, hệ sinh thái phức tạp và thiếu động vật ăn thịt.

Daniel Field, nhà nghiên cứu về chim cánh cụt tại Đại học Cambridge, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: "Kích thước lớn của động vật có liên quan đến việc chúng sinh sống ở nơi không có động vật săn mồi".

"Thật không may, điều này có thể dẫn đến động vật dễ bị tuyệt chủng trong trường hợp động vật săn mồi bước vào hệ sinh thái. Đây là một phát hiện rất gây tò mò và chúng tôi rất muốn biết thêm về loài chim đã tuyệt chủng này. Tôi hy vọng họ sẽ tìm thấy nhiều hóa thạch hơn nữa trong tương lai".

Các nhà nghiên cứu nói rằng phát hiện này có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử tiến hóa của chim, và tại sao những con chim lớn, không biết bay lại từng sinh sống trên khắp thế giới.

Nguồn: