Hành trình của chiếc nĩa là câu chuyện về quyền lực, khát khao kiểm soát và khẳng định đẳng cấp của con người.
Chiếc nĩa là một trong những vật dụng ăn uống phổ biến nhất trên thế giới - quá bình thường đến mức chẳng mấy ai nghĩ về nó. Nhưng trong nhiều thế kỷ, chiếc nĩa từng bị lên án là biểu tượng của sự kiêu ngạo và suy đồi đạo đức trong xã hội. “Sự ra đời của chiếc nĩa đã phản ánh và thúc đẩy những thay đổi sâu sắc về văn hóa và thói quen ăn uống”, Lucia Galasso, một nhà nhân học ẩm thực đến từ Rome, cho biết.
Bằng chứng khảo cổ học cho thấy những công cụ giống như nĩa đã xuất hiện ở Ai Cập, Hy Lạp và La Mã cổ đại, nhưng chủ yếu dùng trong nấu nướng và phục vụ, chứ không phải là dụng cụ ăn uống cá nhân. Chẳng hạn, các bữa tiệc của người La Mã thường có các dụng cụ bằng bạc tinh xảo, nhưng thực khách chủ yếu vẫn dùng tay để lấy đồ ăn, thỉnh thoảng mới dùng dao hoặc thìa.
“Trong hàng thiên niên kỷ, con người đã dùng ngón tay để đưa thức ăn vào miệng”, Galasso giải thích. “Có lẽ vì vậy mà nĩa không cần thiết bằng thìa và dao; trên thực tế, nó ra đời sau cùng và đến giữa thế kỷ 19 mới được sử dụng thường xuyên”.
Vụ bê bối lớn đầu tiên liên quan đến nĩa xảy ra vào thế kỷ 11 khi Công chúa Maria Argyropoula của Byzantine, kết hôn với con trai của Tổng trấn Venice. Tương truyền, trong bữa tiệc cưới xa hoa, Maria đã dùng một chiếc nĩa vàng hai chấu tinh xảo để lấy đồ ăn đưa lên miệng, thay vì dùng tay.
Sau đó, một giáo sĩ người Venice đã công khai lên án hành động này. “Chúa sáng suốt đã ban cho con người những chiếc nĩa tự nhiên - những ngón tay”, ông tuyên bố. “Vì vậy, việc dùng nĩa kim loại thay vì dùng tay là điều xúc phạm đến Người”.
Sự xuất hiện của chiếc nĩa trong tầng lớp thượng lưu vào thế kỷ 11 đã để lại ấn tượng tiêu cực với các nhà lãnh đạo tôn giáo và những người theo chủ nghĩa thuần túy văn hóa. Theo Galasso, việc Giáo hội phản đối nĩa ăn cũng cho thấy nỗi sợ về sự phung phí và suy thoái đạo đức. “Giáo hội luôn ca tụng sự giản dị trong ăn uống”, bà giải thích. “Bàn tay được coi là sự kết nối trực tiếp, đơn giản với thức ăn. Ngược lại, nĩa là biểu tượng của sự dư thừa và phù phiếm của giới quý tộc”.
Trong vài thế kỷ tiếp theo, dụng cụ ăn uống phổ biến ở châu Âu vẫn chỉ có thìa để ăn súp và dao để cắt thịt. Hầu hết người châu Âu, bao gồm giới quý tộc, vẫn thích ăn bằng tay. Rửa tay là một phần nghi lễ của bữa ăn. Chẳng hạn ở Pháp thời Trung cổ, trước bữa ăn sẽ có tiếng kèn báo hiệu gọi nước, người hầu sẽ đổ nước thơm lên tay thực khách và đưa khăn để lau khô trước khi ăn.
Việc ăn bằng tay không chỉ thiết thực mà còn mang ý nghĩa văn hóa. Ở châu Âu, thức ăn chủ yếu được bày trên các đĩa chung. Người ta dùng tay và dao để cắt và chia sẻ thức ăn, mang đến cảm giác gần gũi và đoàn kết trên bàn ăn.“Bạn với tay vào các món ăn chung, cắt đồ ăn bạn cần, kết nối với thức ăn và mọi người xung quanh”, Kenneth Albala, tác giả cuốn Food in Early Modern Europe, nhận xét.
Nhưng khi nĩa xuất hiện, nó đã dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc trên bàn ăn. Thay vì chia sẻ bằng tay, thức ăn được kiểm soát bởi nĩa. Chiếc nĩa không chỉ xiên vào đồ ăn mà còn phá tan truyền thống. Với đó chính là mục tiêu của những người giàu có và quyền lực. Giới quý tộc và thương gia giàu có ở châu Âu nhanh chóng đón nhận nĩa, ca ngợi sự tinh tế của nó, dùng nĩa để phân định ranh giới giữa những người có đẳng cấp cao, tinh tế với những người ăn bằng tay.
Một nhân vật quan trọng góp phần phổ biến việc sử dụng nĩa là Catherine de’ Medici, sinh ra trong gia tộc Medici quyền lực ở Ý. Khi kết hôn với Henry II của Pháp vào năm 1533, Catherine đã mang đến những quy tắc ứng xử trên bàn ăn, nghi thức xã giao và cách dùng các dụng cụ ăn uống, bao gồm nĩa. Theo Galasso, dù nĩa đã xuất hiện trong giới quý tộc Pháp trước đó nhưng Catherine đã góp phần phổ biến chúng. Những bữa tiệc xa hoa và cách cư xử tinh tế của bà đã biến nĩa trở thành một biểu tượng của sự thanh lịch, tinh tế và phân biệt xã hội trong giới quý tộc Pháp.
Việc chấp nhận nĩa diễn ra chậm và không đồng đều. Ở Anh và Mỹ thời kỳ đầu, đàn ông đặc biệt phản đối sử dụng nĩa vì cho rằng không nam tính, là hành động phô trương không thiết thực trong ăn uống.
Nhưng khi giới quý tộc sử dụng đĩa, cốc và dụng cụ ăn uống riêng ngày càng nhiều, vị thế của nĩa đã thay đổi. Nó trở thành một biểu tượng cho địa vị, tạo ra khoảng cách với những người sùng đạo, phân biệt giữa những người tinh tế và không tinh tế.
“Nĩa không chỉ thay đổi cách chúng ta ăn uống”, Albala giải thích. “Nó đã thay đổi con người tại bàn ăn, cách chúng ta tương tác với nhau và thái độ với thực phẩm. Nĩa trở thành công cụ chia tách giữa con người với nhau, với đồ ăn và những bản năng cơ bản nhất”.
Nĩa đã dần phổ biến, không chỉ giới hạn trong tầng lớp thượng lưu vào cuối thế kỷ 17 và 18 do sự phát triển thương mại, toàn cầu hóa và việc sắp xếp chỗ ngồi trong bàn tiệc. Đến thế kỷ 19, nĩa đã trở thành công cụ ăn uống thông dụng trên khắp châu Âu và một số vùng ở châu Mỹ.
Ngay cả khi nĩa được sử dụng hằng ngày, các nghi lễ xoay quanh nó vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến văn hóa ẩm thực. Chẳng hạn, bữa ăn thời Victoria nhấn mạnh vào nghi thức dùng nĩa và dao một cách tinh tế. Nhưng khi sản xuất hàng loạt giúp giảm giá các hàng hóa, tính quý phái của nĩa cũng giảm bớt.
Trớ trêu thay, sự tinh tế một thời của chiếc nĩa lại là nguyên nhân khiến nó ít được ưa chuộng hiện nay. “Ý tưởng rằng bạn phải sử dụng nĩa theo quy cách tiêu chuẩn đang dần phai nhạt, giống như nghi thức ăn uống nghiêm ngặt của thời Victoria”, Albala nhấn mạnh.
Ẩm thực ngày nay đang tìm lại những gì mà chiếc nĩa từng loại bỏ: sự tương tác xúc giác với thức ăn, niềm vui khi chia sẻ và khi ăn bằng tay. Ẩm thực đường phố và các bữa ăn tập thể đang ngày càng phổ biến, tập trung vào các tương tác trực tiếp với đồ ăn.
Chiếc nĩa có thể đã chế ngự bản năng động vật của nhân loại, nhưng sự khát khao kết nối vẫn luôn tồn tại. Rốt cuộc, hành động ăn uống luôn là một ngôn ngữ chung mà không một công cụ nào có thể kiểm soát hoàn toàn.
Nguồn: National Geographic, Fast Company
Bài đăng KH&PT số 1347 (số 23/2025)