Sự kiện cổ xưa và bí ẩn này luôn thu hút nhiều suy đoán về việc ai sẽ được chọn để dẫn dắt giáo hội và 1,4 tỷ tín đồ trên toàn thế giới.

Cuộc mật nghị bầu chọn tân giáo hoàng sau khi Giáo hoàng Leo XIII qua đời vào năm 1903. Nguồn: The Guardian
Cuộc mật nghị bầu chọn tân giáo hoàng sau khi Giáo hoàng Leo XIII qua đời vào năm 1903. Nguồn: The Guardian

Nhà nguyện Sistine, với những bức bích họa thời Phục hưng tráng lệ, là nơi diễn ra nghi lễ thiêng liêng nhất của giáo hội Công giáo: bầu chọn một giáo hoàng mới. Tuy nhiên, đằng sau vẻ trang nghiêm, các cuộc mật nghị trước đây từng là vũ đài của những mưu đồ chính trị tàn nhẫn.

Cuộc mật nghị đầu tiên được tổ chức tại nhà nguyện Sistine vào năm 1492, đã chọn ra một trong những giáo hoàng vô đạo đức nhất, Alexander VI, từng có con với nhiều phụ nữ và đã giành được ngôi vị giáo hoàng bằng cách mua phiếu bầu, hứa hẹn lợi ích cho những người ủng hộ.

Ngày nay, các hồng y sẽ bị cô lập với thế giới bên ngoài cho đến khi chọn được giáo hoàng mới - một thông lệ có nguồn gốc từ thế kỷ 13. Tuy nhiên, nghi lễ trang trọng này là một chiến lược nhằm tạo ra vẻ thiêng liêng cho những hoạt động chính trị trần tục.

“Giáo hoàng được coi là người đại diện của Chúa ở trần gian, có quyền lực tối thượng đối với mọi tín đồ Công giáo trên khắp thế giới”, Miles Pattenden, nhà sử học về giáo hoàng ở Đại học Oxford, cho biết. “Việc thiết kế quá trình mật nghị nhằm củng cố khẳng định này”.

Thuở ban đầu, tất cả những người Công giáo - cả giáo sĩ và giáo dân - đều có quyền bầu chọn nhà lãnh đạo tinh thần của mình. Đôi lúc, họ đưa ra lựa chọn dựa trên những dấu hiệu thiêng liêng, chẳng hạn như vào thế kỷ thứ ba, một con chim bồ câu đậu trên đầu một linh mục, và đó được coi là biểu hiện của Chúa Thánh thần.

Nhưng khi Giáo hội Công giáo thiết lập quyền cai trị trực tiếp ở một số khu vực của Ý, các gia đình quý tộc La Mã đã cạnh tranh khốc liệt để giành ngôi vị giáo hoàng, với vô vàn âm mưu, thậm chí các trận chiến đường phố dữ dội. Năm 1059, Giáo hoàng Nicholas II đã tìm cách chấm dứt các cuộc xung đột này bằng cách giao quyền bầu chọn giáo hoàng cho các giáo sĩ cấp cao.

Các hồng y tiến vào nhà nguyện Sistine để bầu người kế nhiệm Giáo hoàng John Paul I vào năm 1978. Nguồn: The Guardian
Các hồng y tiến vào nhà nguyện Sistine để bầu người kế nhiệm Giáo hoàng John Paul I vào năm 1978. Nguồn: The Guardian

Tuy nhiên, việc bầu chọn giáo hoàng vẫn là một nhiệm vụ khó khăn, và trở thành sân khấu cho các cuộc cạnh tranh địa chính trị ở châu Âu, đặc biệt là giữa những nhà cai trị Pháp và Tây Ban Nha. Họ đều muốn giáo hoàng đứng về phía mình.Để giảm bớt nguy cơ chia rẽ, năm 1179, Giáo hoàng Alexander III đã đưa ra quy định “một người, một phiếu bầu và hai phần ba hồng y phải đồng ý” để chọn ra tân giáo hoàng - đến nay vẫn còn hiệu lực.

Cuộc bầu cử giáo hoàng dài nhất từ ​​trước đến nay diễn ra vào thế kỷ 13 tại Viterbo, một nơi nghỉ dưỡng của giáo hoàng gần Rome. Các hồng y đã tranh luận trong gần ba năm về việc chọn giáo hoàng người Ý hay Pháp. Trước tình trạng này, cư dân nơi đây đã nhốt các giáo sĩ trong dinh thự, xây gạch chặn cửa sổ, chỉ đưa bánh mì và nước để ép các giáo sĩ phải ra quyết định.

Người được chọn sau đó là Giáo hoàng Gregory X, ông đã ban hành một sắc lệnh yêu cầu các cuộc bầu chọn giáo hoàng phải tiến hành theo “cum clave”, tiếng Latin có nghĩa là “với chìa khóa”. Ông ra lệnh trong quá trình bầu chọn, các giáo sĩ phải bị cô lập với thức ăn và tiện nghi tối thiểu cho đến khi chọn ra được giáo hoàng mới.

Bất chấp quy định, các cuộc bầu chọn giáo hoàng vẫn đầy bất ổn, bị tác động bởi nhiều phương thức vận động hành lang, mua phiếu bầu trắng trợn và kết quả đôi lúc đầy tranh cãi. Việc cô lập mang tính lý tưởng hơn là thực tế, đặc biệt là khi số lượng hồng y tăng mạnh từ mức trung bình 30 vào những năm 1400 lên 70 vào một thế kỷ sau đó.

“Một yêu cầu bắt buộc là tính bảo mật, nhưng trên thực tế, người ta luôn vi phạm”, nhà sử học Maria Antonietta Visceglia cho biết.

Các hồng y thường xuất thân từ các gia đình quý tộc giàu có, được phép mang theo ba người hầu hoặc cố vấn riêng. Trong đội ngũ này có cả gián điệp lén đưa tin đến Paris và Madrid qua những lần giao đồ ăn.

“Không gian rộng lớn này có rất nhiều kẽ hở bảo mật”, Visceglia cho biết. “Nó không đủ kín - những người bên ngoài vẫn theo dõi chặt chẽ và trao đổi tin tức với bên trong”.

Trong suốt thế kỷ 17 và 18, người đứng đầu các quốc gia Công giáo ở châu Âu cũng “thực hiện quyền phủ quyết” đối với các cuộc bầu cử giáo hoàng, theo Pattenden, các đại sứ Pháp và Tây Ban Nha thường trình “danh sách các hồng y mà đức vua của họ sẽ không đồng ý để trở thành giáo hoàng”.

Từ thời Phục hưng trở đi, việc cá cược kết quả mật nghị giáo hoàng đã trở thành một hoạt động kinh doanh béo bở, tiếp thêm động lực để các nhà cái thu thập thông tin từ các đầu bếp, thợ mộc hoặc những người làm việc tại nơi tổ chức mật nghị.

“Một thị trường cá cược khổng lồ về kết quả bầu chọn giáo hoàng đã xuất hiện ở Rome”, Pattenden, tác giả của cuốn Electing the pope in Early Modern Italy, 1450-1700, cho biết. “Không chỉ các thế lực châu Âu mà cả những nhà cái cũng cài gián điệp bên trong.”

Mọi thứ đã thay đổi kể từ khi Rome trở thành một phần của nước Ý thống nhất vào năm 1870, các giáo hoàng mất đi quyền lực thế tục, ngoại trừ trong phạm vi Vatican. Giờ đây, tính bảo mật được tuân thủ nghiêm ngặt hơn.“Giáo hội tuyên bố rằng mật nghị là quá trình thiêng liêng nội bộ, do Chúa Thánh thần quyết định và không ai có thể can thiệp”, Pattenden cho biết.

Bắt đầu từ năm 1878, các cuộc mật nghị đều được tổ chức tại nhà nguyện Sistine. Trước đó, mật nghị diễn ra ở nhiều nơi khác nhau - phần lớn vẫn ở Rome. Một số mật nghị từng diễn ra bên ngoài nước Ý, chẳng hạn mật nghị năm 1314-1316 được tổ chức tại Pháp, mật nghị năm 1415-1417 diễn ra tại Đức.

Năm 1903, hoàng đế Áo Franz Joseph thực hiện quyền phủ quyết đối với một hồng y nổi tiếng, dẫn đến sự phản đối dữ dội. Sau đó, Giáo hoàng Pius X đã cấm quyền phủ quyết thế tục cũng như bất kỳ hành động can thiệp nào của những nhà cầm quyền.

Bên cạnh việc siết chặt tính bảo mật, lợi ích của công chúng cũng được quan tâm hơn. Trong mật nghị năm 1939, lần đầu tiên người ta đã lắp đặt một bếp lò có ống khói cao tại nhà nguyện Sistine để đốt các lá phiếu sau mỗi vòng bỏ phiếu nhằm thông báo cho các tín đồ đang chờ đợi tại quảng trường Thánh Peter về kết quả bầu chọn giáo hoàng qua màu khói đen hoặc trắng.

“Quyền lực là điều hấp dẫn - và bạo lực cũng như thao túng bầu cử không phải là điều mới lạ”, Joëlle Rollo-Koster, giáo sư về lịch sử Trung cổ, Đại học Rhode Island, nhận xét. “Trải qua nhiều thế kỷ, người ta mới xây dựng được một quy trình bầu chọn giáo hoàng không có sự thao túng và bạo lực như hiện nay”.

Nguồn: Financial Times, The Conversation, NPR

Bài đăng KH&PT số 1344 (số 20/2025)