Chỉ sau gần một tháng công chiếu, bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã bán được khoảng 1 triệu vé, đạt doanh thu khoảng 160 tỷ đồng và trở thành bộ phim Việt Nam về đề tài chiến tranh có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh nước nhà. Sự đón nhận nồng nhiệt này không chỉ gây bất ngờ với công chúng, giới làm phim mà thậm chí là với chính đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - người đã ấp ủ bộ phim suốt hơn 10 năm. “Lượng khán giả đến xem phim đông gấp vài chục lần so với những phim trước đây của tôi”, ông chia sẻ trong buổi tọa đàm mới được tổ chức gần đây tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN).
Lấy bối cảnh tại Củ Chi năm 1967 - thời kỳ mà chiến tranh Việt Nam đang diễn ra khốc liệt, bộ phim đã tái hiện lại cuộc chiến đấu kiên cường của đội du kích 21 người tại căn cứ Bình An Đông, với nhiệm vụ bằng mọi giá phải bảo vệ một nhóm thông tin tình báo chiến lược mới đến ẩn náu tại căn cứ - một hệ thống địa đạo phức tạp. Có phần khác với những bộ phim Việt Nam về chiến tranh trước đây - vốn thường được xem là khô khan và làm theo một khuôn mẫu, Địa đạo đã nhận được nhiều đánh giá tích cực khi bối cảnh được đầu tư cầu kỳ, kỹ thuật hóa trang chân thực cùng những âm thanh sống động giúp đem lại những trải nghiệm giàu cảm xúc cho người xem.
Nhưng có lẽ, điều khiến cho Địa đạo thoát ra được khỏi những định kiến về dòng phim chiến tranh và thu hút được đông đảo người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ, không chỉ nằm ở sự chăm chút trong kỹ thuật hình ảnh và âm thanh, mà còn nằm ở lối làm phim mới mẻ, khiêm nhường, lột tả sự hy sinh và khắc nghiệt của chiến tranh qua điểm nhìn của hệ thống nhân vật, cũng như khát khao làm phim đến “phát điên lên” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Một bức tranh chân thực
Sau 20 năm kể từ Sống trong sợ hãi (2005), đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mới quay trở lại với đề tài chiến tranh. Nếu như “Sống trong sợ hãi” là một bộ phim về thời kỳ hậu chiến - về một vùng đất mà những vết thương của chiến tranh vẫn còn dày đặc và để lại những sang chấn tinh thần trong đời sống người dân qua điểm nhìn của một người lính Việt Nam Cộng hòa, thì lần này Địa đạo lại đưa chúng ta quay ngược thời gian trở về với một thời kỳ đạn bom máu lửa mà những câu hát trong bài hát cuối bộ phim đã thể hiện rõ “cảm ơn dân mình đã vững vàng, vì quê hương chẳng màng nguy nan”.
Nhớ lại lý do lựa chọn Củ Chi, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng mình đã bắt gặp một câu chuyện “vừa có tính điện ảnh, vừa có tính con người”. Từ góc nhìn của ông, Củ Chi với những hệ thống hầm ẩn và những người du kích là một điển hình cho cuộc chiến của người Việt Nam chống lại những đế quốc lớn, thể hiện tính ứng biến của cuộc chiến tranh nhân dân. “Củ Chi lựa chọn mình, đề tài đó lựa chọn mình. Mình may mắn được lựa chọn, nên mình phải cố gắng hết sức để làm”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho hay.
Ấp ủ đề tài từ năm 2014, đến năm 2016, sau khi viết xong kịch bản, ông bắt đầu đi tìm cách để thực hiện. Và một trong những mong muốn của nhiều nghệ sỹ khi sáng tạo là tác phẩm của họ sẽ chứa đựng sự thật đời sống. Trong các tác phẩm về chiến tranh, những sự thật đời sống ấy sẽ phụ thuộc vào các điểm nhìn được thể hiện trong phim. “Mọi người có thể thấy rằng cuộc chiến ở Củ Chi rất đặc biệt. Nó là một cuộc chiến phi đối xứng, trong đó một bên là mấy ông nông dân cầm súng và một bên là cả một đội quân cực kỳ hùng hậu”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết. “Như vậy, đây không phải là một cuộc chiến theo kiểu quy ước thông thường hai bên đánh nhau, do đó nó cần có một cấu trúc câu chuyện phù hợp với tính chất của cuộc chiến”. Và có lẽ đó là lý do Địa đạo không có một nhân vật chính nổi lên như các phim siêu anh hùng hay phim chiến tranh thông thường. “Mình muốn làm một cái gì đó khiêm nhường, lùi lại, không phải là một cái gì cường điệu, to tát hay là đề cao cá nhân”, ông chia sẻ.
Thế nên, bộ phim đã được kể qua điểm nhìn của những người du kích sống trong địa đạo, họ tìm mọi cách để tồn tại và làm xong nhiệm vụ của mình, giống như những người đấu tranh để sinh tồn trong các phim thảm họa. Xuyên suốt Địa đạo là các lắt cát, các câu chuyện về tình đồng đội khi va chạm với nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tình yêu lứa đôi giữa những người không biết là địch hay ta, và câu chuyện về con người như những gì xảy ra với nhân vật Út Khờ trong hầm tối.
Có thể thấy, bộ phim là những mảnh ghép khác nhau, không xoay quanh một nhân vật trung tâm và có thể khiến cho một số khán giả cảm thấy bộ phim có phần dàn trải hay rời rạc. Song, đây cũng là một trong những đặc điểm của phim hậu điện ảnh, theo nhận xét của PGS.TS Phạm Gia Lâm - nguyên Trưởng Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, trường Đại học KHXH&NV (ĐHQGHN). Với việc lai ghép với thể loại phim tài liệu và có các đoạn phỏng vấn nhân chứng cuối phim, Địa đạo không chỉ giúp khán giả cảm nhận được về cuộc chiến một cách chân thực hơn mà còn có thể “tao ra hiệu ứng sau khi xem phim xong, khiến khán giả háo hức đi tìm xem mối liên hệ giữa phim với các nhân vật thực tế như anh hùng Tô Văn Đực (sáng chế gạt mìn) hay bà Võ Thị Mô”, PGS.TS Phạm Gia Lâm nhận xét.
Nếu ai đã đến rạp và xem Địa đạo sẽ thấy rằng xuyên suốt bộ phim là âm hưởng của bi kịch, “nhưng bi kịch này được hiểu theo nghĩa cao cả. Chúng ta cảm thương và khâm phục những người trong địa đạo, và thấy được sự hy sinh của họ - cái giá cho sự hòa bình của chúng ta hiện nay”, PGS.TS Phạm Gia Lâm nhận định.
Những thông điệp và hình ảnh ngầm ẩn trong Địa đạo cũng gợi ông nhớ đến những suy ngẫm của nhà thơ Konstantin Mikhailovich Simonov - người đã viết kịch bản cho series phim chiến tranh Nỗi khổ này không phải của riêng ai sau khi đến thăm Việt Nam vào năm 1972. “Dẫu mục đích của chúng ta có cao cả mấy đi chăng nữa thì chiến tranh đối với chúng ta bao giờ cũng là hiện tượng phản tự nhiên, một hiện tượng bi kịch. Cái bi kịch ấy có cả trong những ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến, kể cả trong những ngày thất bại lẫn trong những ngày chiến thắng. Nếu chúng ta quên mất điều đó thì chúng ta không thể nào viết được sự thật về chiến tranh”, PGS.TS Phạm Gia Lâm dẫn lại lời nhà thơ Liên Xô. “Như vậy, Địa đạo cũng là một dạng diễn ngôn về chiến tranh theo tinh thần phản chiến, nhấn mạnh mặt bi kịch của chiến tranh để cho con người ta ý thức cần phải chống chiến tranh”.
Mơ về những bộ phim có giá trị dài lâu
Dù đạt doanh thu “khủng” so với các bộ phim đang công chiếu cũng như tất cả các phim chiến tranh tại Việt Nam trước đây, song thực tế, Địa đạo vẫn “còn lâu mới hòa vốn” do tổng chi phí sản xuất lên đến khoảng 180 tỷ đồng. Với dòng phim chiến tranh, kinh phí cho sản xuất càng ở mức xa xỉ, việc tìm được nhà đầu tư không hề dễ dàng và mỗi bộ phim là “một chuyến phiêu lưu”, như nhận xét của PGS.TS Hoàng Cẩm Giang - Trưởng bộ môn Nghệ thuật học, Đại học KHXN&NV.
Trước những thách thức ấy, sự thôi thúc khiến đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mang đề tài chiến tranh và địa đạo Củ Chi lên màn ảnh sau 20 năm kể từ phim chiến tranh đầu tay đến từ một lý do có phần cá nhân trong hành trình sáng tạo của nhà làm phim này, gắn liền với những trải nghiệm hậu chiến và chiến tranh của dân tộc. Năm 2000, phim ngắn đầu tay của ông bất ngờ được chọn dự một liên hoan phim lớn quốc tế - một cú sốc như “cậu bé đá bóng làng được gọi vào đội tuyển quốc gia”.
Trải nghiệm đó khiến ông choáng ngợp, mất năm năm để tìm lại phương hướng sáng tạo. Ông nhận ra rằng, phải quay về với cội nguồn, về lịch sử, về những câu chuyện chân thật của con người Việt Nam, thì mới có thể vượt qua những rào cản về mặt kỹ thuật, kỹ năng khi đối chọi với các nền công nghiệp điện ảnh hùng hậu khác. “Trong nền công nghiệp điện ảnh, nếu mình làm một bộ phim mà không cảm thấy yêu, không cảm thấy thực sự là phát điên lên thì mình không làm được”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bộc bạch. Hành trình làm phim chiến tranh là một hành trình vô cùng gian truân, “gần như mọi thứ chống lại mình, mình không có tiền, mình không có những đội ngũ giỏi, mình không thể nào so sánh được với những nền công nghiệp điện ảnh hàng đầu trên thế giới”, ông thẳng thắn chỉ ra những thách thức khi làm phim tại Việt Nam. “Mình chỉ có cái chất liệu đời sống này, tinh thần của dân tộc này để làm thôi”.
Sau những vật lộn và “liên tục trầm cảm, phát điên” trong nghề, điều mà đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mong muốn là tạo ra được những bộ phim có giá trị dài lâu mà hàng chục năm sau vẫn còn có thể công chiếu hay xem lại. “Tôi hy vọng khán giả ủng hộ và hiểu hơn đối với các bộ phim như thế này, để những bộ phim kỳ công có thể dễ tìm nhà đầu tư hơn, và như vậy có thể tạo ra một nền điện ảnh mạnh trong tương lai”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ. “Những bộ phim thương mại rất cần thiết cho một nền công nghiệp điện ảnh tốt, nhưng phải có những bộ phim có thể mang lại giá trị lịch sử, giá trị nhân văn lâu dài và chạm được đến khán giả thì lúc đấy chúng ta mới thực sự có một nền điện ảnh sánh được với các nước”.
Trong suốt sự nghiệp đạo diễn của mình, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã nhận được không ít giải thưởng như: Giải Cánh diều vàng Việt Nam cho Phim điện ảnh xuất sắc nhất năm 2010 (Chơi vơi); Giải Cánh diều 2023 cho Đạo diễn xuất sắc phim truyện điện ảnh, Đạo diễn xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 (Tro tàn rực rỡ). Với Địa đạo, không ít người còn kỳ vọng bộ phim có thể được mang đi tranh giải ở các giải thưởng quốc tế. Nhưng từ góc nhìn của nhà làm phim Bùi Thạc Chuyên, những ánh mắt, những chia sẻ, sự đón nhận của khán giả, “đối với tôi còn ý nghĩa hơn sự tưởng thưởng của một nền văn hóa khác”, ông chia sẻ.
Nhà biên kịch và phê bình điện ảnh Vũ Ánh Dương từng nhận xét trong một bài viết trên Tia Sáng rằng, “từ Bùi Thạc Chuyên đến Bùi Thạc Chuyên là cuộc dịch chuyển trên hầu khắp các hệ thống sáng tạo, sản xuất phim ở Việt Nam: trong điện ảnh nhà trường với Cuốc xe đêm (2000), trong điện ảnh nhà nước với Sống trong sợ hãi (2005); Chơi vơi (2009), trong điện ảnh thương mại với Lời nguyền huyết ngải (2012), trong điện ảnh độc lập với Tro tàn rực rỡ (2022). Với 'Phong cách là lệch chuẩn', trong mỗi tác phẩm, Bùi Thạc Chuyên đều để lại dấu ấn bằng sự lệch ra khỏi cái chuẩn của hệ thống mình thuộc về”, và đây là một điều “thưa thớt quá đỗi trong điện ảnh Việt Nam”.
Bài đăng KH&PT số 1342 (số 18/2025)