Versailles là trung tâm quyền lực của hoàng gia Pháp vào thế kỷ 17 và 18, nơi đây nổi tiếng với cung điện và các khu vườn xa hoa. Song, Versailles cũng là cái nôi của tinh thần khoa học.
Cung điện Versailles không chỉ là nơi hội tụ tinh hoa kiến trúc, nghệ thuật, mà nơi đây còn ghi đậm dấu ấn của sự đổi mới kỹ thuật vào thế kỷ 17. Ví dụ, đài phun nước và ao hồ đẹp mắt trong khuôn viên chỉ có thể hoạt động nhờ một dự án kỹ thuật thủy lực có quy mô chưa từng có. Đó là cỗ máy Marly đồ sộ, nó hút nước từ sông Seine và bơm lên một ngọn đồi dốc nhằm đưa nước đến Versailles. Cỗ máy đặc biệt như vậy được thiết kế theo yêu cầu của vua Louis XIV - vị vua đã ra lệnh xây dựng Versailles và còn được gọi là Vua Mặt trời. Khi nhắc tới triều đại của ông và những người kế vị, người ta chủ yếu nhớ tới sự xa hoa hào nhoáng, thế nhưng khối tài sản khổng lồ của họ cũng tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy. Vua Louis XIV, Louis XV và Louis XVI đã khuyến khích khoa học phát triển và sẵn sàng tận dụng những tiến bộ công nghệ xuất hiện trong thời đại của mình.
Dưới triều đại các vị vua, khoa học về thế giới tự nhiên rất phát triển. Lý do đơn giản bởi vì những người đàn ông quyền lực này ham mê những con vật và cỏ cây kì quái. Để đáp ứng nhu cầu, các nhà thực vật đã trồng và nghiên cứu các loài thực vật kỳ lạ, sáng tạo kỹ thuật cho phép nhiều loại trái cây đặc thù, như dứa, phát triển tại Versailles.
Tại đây từng có một vườn thú nuôi các loài động vật như gấu mèo coati và đà điểu đầu mào, thậm chí có một con tê giác do Thống đốc Pháp tại Ấn Độ dâng tặng. Trong thời Cách mạng Pháp, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia ở Paris đã mua lại nó. Con tê giác được giải phẫu và nhồi bông sau khi chết vào năm 1793. Cho tới nay, con tê giác đã được lưu giữ trong hơn hai trăm năm.
Văn hóa khoa học trở nên phổ biến và thịnh hành dưới triều vua Louis XV và Louis XVI. Các thành viên trong gia đình hoàng gia và giới quý tộc được giáo dục về vật lý, toán học và hóa học với những nhân vật xuất chúng. Đơn cử như dưới thời cai trị của vua Louis XV, con em hoàng gia và quý tộc được học vật lý và lịch sử tự nhiên với Jean-Antoine Nollet – nhà vật lý nổi tiếng, người chuyên thực hiện các thí nghiệm vật lý và đã phát hiện ra sự thẩm thấu.
Tuy nhiên, các khám phá khoa học không dừng lại ở việc thỏa mãn thói xa xỉ và óc tò mò của các vị vua, mà nó còn giúp giải quyết các vấn đề trong nước lẫn nâng cao uy tín của nước Pháp, mở rộng tầm ảnh hưởng của đất nước này trên trường quốc tế.
Chúng ta có thể kể đến những cải tiến trong y học, chẳng hạn như con dao mổ cong do bác sĩ phẫu thuật hoàng gia của Vua Louis XIV, Charles-François Félix thiết kế. Khi đức vua bị rò hậu môn, bác sĩ của ông phải phát minh ra một con dao mổ tùy chỉnh. Bác sĩ Félix đã thử nghiệm công cụ mới trên những người tá điền địa phương, khiến vài người tử vong trong quá trình này. Sau đó, ông đã phẫu thuật thành công cho nhà vua và Louis XIV sống đến năm 1715, triều đại kéo dài 72 năm của ông là một kỷ lục thế giới.
Dưới triều đại của Louis XV (người trị vì từ năm 1715 đến năm 1774), một bà đỡ tên là Angélique du Coudray đã có công giúp giảm mạnh tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại Pháp. Vào thời điểm đó, dân số ở vùng nông thôn nước Pháp vô cùng thấp gây suy giảm năng lực quân sự khiến nhà vua lo lắng. Vào năm 1759, ông đã thuê bà du Coudray đi khắp các vùng nông thôn để đào tạo các nữ hộ sinh khác về cơ chế sinh nở. Dụng cụ mà bà sử dụng là “những ma-nơ-canh tinh xảo có kích thước bằng người thật”, mà bà gọi là “La Machine”.
La Machine được làm bằng gỗ, vải và bìa cứng, phủ một lớp vật liệu màu hồng để mô phỏng da. Về mặt giải phẫu, nó bao gồm xương chậu, cơ quan sinh dục và đùi trên, cũng như tử cung có thể tháo rời với một dải ruy băng lụa cho phép mô phỏng các mức độ giãn nở tử cung khác nhau. Trong đó cũng bao gồm một trẻ sơ sinh kích thước thật, một thai nhi bảy tháng tuổi và thậm chí một cặp song sinh có thể được đưa vào ma-nơ-canh theo nhiều cách khác nhau để mô phỏng cả ca sinh thường lẫn phức tạp hơn. Ma-nơ-canh thai nhi cũng có các cấu trúc giải phẫu quan trọng, chẳng hạn như thóp, cho phép nữ hộ sinh được học các kỹ năng quan trọng như điều hướng thông qua sờ nắn. Ma-nơ-canh thai nhi được kết nối thông qua dây rốn màu xanh và đỏ có thể tháo rời với nhau thai mô phỏng. Các miếng bọt biển trong đó sẽ tiết ra chất lỏng trong suốt và màu đỏ (mô phỏng nước ối và máu) để tăng độ chân thực. Đến năm 1780, 2/3 số nữ hộ sinh ở Pháp là học trò của bà du Coudray. Số phụ nữ và bác sĩ được bà đào tạo lên đến hơn 5.000 người.
Sau khi Louis XV qua đời vì bệnh đậu mùa, người kế vị ông là Louis XVI tuyên bố rằng gia đình hoàng gia thực hiện tiêm chủng. Họ đã cho lan truyền những tấm áp phích để trấn an công chúng về thành công của việc tiêm chủng, góp phần làm tăng nhận thức và chấp nhận việc tiêm chủng đậu mùa trong công chúng Pháp.
Không chỉ lĩnh vực y tế được hưởng lợi nhờ ý muốn của nhà vua. Để thể hiện sức mạnh của mình, các vị vua đã cho thực hiện các cuộc trình diễn phi thường, chẳng hạn như chuyến bay khinh khí cầu của hai anh em Joseph-Michel và Jacques-Étienne Montgolfier tại Versailles vào năm 1783. Vào ngày 19/9, Aérostat Réveillon đã bay lên cùng những sinh vật sống đầu tiên ở trong chiếc giỏ gắn dưới khinh khí cầu: một con cừu, một con vịt và một con gà trống (dù Vua Louis XVI đã đề xuất rằng họ nên để những tên tội phạm bị kết án thay thế). Dưới sự chứng kiến của Vua Louis XVI và Hoàng hậu Marie Antoinette tại cung điện hoàng gia ở Versailles, chiếc khinh khí cầu đã bay trên không trong 8 phút, qua 3km, đạt độ cao 460m và hạ cánh an toàn.
Tiếp theo, nhà vua đã cho phép chuyến bay chở người. Vì thế, Étienne đã chế tạo một khinh khí cầu có thể tích 1699 mét khối. Chiếc khinh khí cầu này được trang trí bằng những hình vẽ màu vàng trên nền xanh lam đậm, gồm hoa diên vĩ, các cung hoàng đạo và Mặt trời với khuôn mặt của Louis XVI ở giữa. Vào ngày 21/11/1783, Pilâtre de Rozier và một sĩ quan quân đội, hầu tước d’Arlandes, đã bay lên độ cao 914m trên bầu trời, bay được 9km trong 25 phút, từ trung tâm Paris tới vùng ngoại ô. Đây là một thành công vang dội trong thời đại bấy giờ.
Dòng họ quyền lực Bourbon đã biến mất trong Cách mạng Pháp, song những dấu ấn khoa học của thời đại nhiều biến động này vẫn còn trường tồn tới ngày nay.
Nguồn:
artsci.case.edu, hal.science, historyhit.com
Bài đăng KH&PT số 1336 (số 12/2025)