Các nhà khoa học sốc nặng khi phát hiện một con cá cái có bộ dạng bình thường ở bể nuôi tại Đại học Hull (Anh) đã phát triển cơ quan sinh dục đực, tự thụ tinh cho các trứng của mình và đẻ ra 4 con.

cá mọc tinh hoàn, tự sướng, dị thường, động vật

Con cá nước ngọt nhiệt đới có tên cichlid nói trên đã đẻ thêm 42 con nữa trong năm tiếp theo. Theo tạp chí Royal Society Open Science, đây là trường hợp "tự sướng" đầu tiên được ghi nhận ở một loài động vật có xương sống, sinh sản bằng giao phối.

Hiện tượng "tự sướng" ở đây, về cơ bản, ám chỉ tới việc cá thể tự quan hệ tình dục với chính nó và sinh sản. Hiện tượng này từng được phát hiện ở loài cá killi mangrove, danh pháp khoa học Mangrove rivulus, nhưng đối với những sinh vật này, "tự sướng" lại là một dạng thức chính để sinh sản.

"Ở loài cá killi mangrove, tự sướng là một sự thích nghi. Người ta tin rằng, chúng có thể cảm thấy khó khăn trong việc tìm bạn tình và tự sướng đối với chúng còn tốt hơn là rốt cuộc không sinh sản", nhà nghiên cứu Ola Svensson đến từ Đại học Gothenburg (Thụy Điển) giải thích.

Chuyên gia Svensson và các đồng nghiệp trước đây từng cho lai giống hai loài cá cichlid khác nhau để tạo ra một cá cái bình thường, nhưng là sản phẩm lai. Sự lai giống như vậy có xảy ra trong tự nhiên và cả trong các môi trường phòng thí nghiệm. Sau khi con cá này chết, nhóm nghiên cứu xác định rằng, nó có cả buồng trứng đặc trưng cá cái và một tinh hoàn đặc trưng cá đực.

Đối với những con cá dị thường như trên, việc sinh sản thường diễn ra trong miệng, đồng nghĩa với việc các tinh trùng sẽ được thả thụ tinh cho trứng ở đó.

Nhiều trường hợp "không chồng mà chửa" đã được ghi nhận ở nhiều loài động vật khác nhau, từ cá mập tới bọ cạp. Tuy nhiên, kiểu sinh sản này thường được đề cập tới như hiện tượng "trinh sản" (parthenogenis) và không bao gồm sự thụ tinh.

Điều khiến trường hợp mới về cá cichlid "không chồng mà chửa" khác biệt và dị thường là, nó vừa là mẹ, vừa là cha của các cá con, đồng nghĩa với việc quá trình giao phối vẫn diễn ra.

Một số cá con là đực, trong khi số khác là cái. Chúng đều có thể sinh sản bình thường, nhưng con cái của chúng không có khả năng "tự sướng". Ngoài ra, các con cháu của chúng còn phải hứng chịu tình trạng "suy yếu vì lai gần", bộc lộ qua sự đa dạng di truyền ở mức tối thiểu.

Câu hỏi đặt ra là, nếu đây không phải là một hình thức sinh sản thành công, tại sao nó vẫn tiến hóa để tồn tại? Các nhà nghiên cứu nhận định, đối với một số loài sinh vật nhất định, việc sinh sản theo cách này còn tốt hơn là không thể sinh sản.