Những ngôi mộ hoàng gia được phát hiện ở Trung Quốc vào năm 1968 đã hé lộ tập tục mai táng cũng như niềm tin về thế giới bên kia của người thời Hán.
Núi Linh Sơn nằm trên quận Mãn Thành, cách Bắc Kinh gần 200 km. Hơn 2.000 năm trước, hàng ngàn tấn đá của ngọn núi này đã bị chuyển đi ở sườn núi phía Đông để tạo dựng khu mộ phức tạp làm nơi an nghỉ cho cặp đôi quý tộc: Trung Sơn vương Lưu Thắng và Vương phi Đậu Oản.
Trong hai thiên niên kỷ tiếp theo, khu mộ này đã may mắn không bị những kẻ trộm mộ thăm viếng. Mãi tới năm 1960, một đoàn binh lính mới tình cờ phát hiện ra nó. Các nhà khảo cổ vô cùng kinh ngạc trước kỹ thuật xây dựng mộ cũng như những món đồ bồi táng giá trị. Thi hài của đôi vợ chồng quý tộc được mặc áo liệm kết bằng các tấm ngọc bích. Ngày nay, bộ áo liệm này là một trong những quốc bảo quý giá nhất của Trung Quốc.
Vị vương phương Bắc
Thân sinh của Lưu Thắng là Cảnh Đế - vị Hoàng đế thứ sáu thời nhà Hán (triều đại thứ hai của Trung Quốc, cai trị từ năm 206 TCN đến năm 220 SCN). Trong những năm Cảnh đế lên ngôi, bạo loạn xảy ra khắp nơi. Vào năm 154 TCN, Cảnh Đế phái Lưu Thắng tới trấn áp vùng Trung Sơn, vùng biên giới phía Đông Bắc của đế chế.
Việc khoét núi xây hai ngôi mộ nguy nga giống nhau về kích thước và cấu trúc như vậy ắt đã phải khởi công từ sớm sau khi Lưu Thắng tới nắm quyền. Các ngôi mộ hẳn phải mất hàng thập kỷ mới hoàn thành, tốn kém rất nhiều của cải cũng như thách thức kỹ thuật xây dựng. Vào thời điểm Trung Sơn vương Lưu Thắng và Vương phi Đậu Oản qua đời (lần lượt vào năm 113 TCN và khoảng năm 104 TCN), hai ngôi mộ chứa đầy đồ bồi táng xa hoa đã sẵn sàng đón chủ nhân của mình. Sau đó, lối vào mộ bị lấp kín bằng các bức tường gạch và niêm phong bằng sắt nung chảy hòng bảo vệ khu mộ không bị xâm phạm.
Khám phá mang tính cách mạngVào tháng 6/1968, một trung đội đóng quân tại tỉnh Hà Bắc đã phá vỡ một bức tường đá trong các cuộc đào bới nhằm xây dựng hầm trú bom trên sườn núi Linh Sơn. Đằng sau bức tường sụp đổ, họ phát hiện một nơi dường như là phòng an táng.
Viện Khảo cổ học thuộc Học viện Khoa học Bắc Kinh được giao nhiệm vụ tiếp quản nơi này và họ nhanh chóng thành lập đội ngũ để nghiên cứu. Nhóm chuyên gia nhanh chóng xác minh nơi đây đúng là một phòng chôn cất cổ xưa. Cảm xúc phấn khích càng dâng cao khi họ phát hiện một ngôi mộ thứ hai cách nơi đầu tiên không xa. Chỉ trong mùa hè năm đó, đội ngũ này đã hoàn tất việc khai quật, và các ngôi mộ Mãn Thành trở thành biểu tượng cho những thành tựu nổi bật của nền văn minh Trung Hoa dưới thời nhà Hán.
Cả hai ngôi mộ đều có cấu trúc giống nhau: người ta phải đi qua một địa đạo hẹp dẫn vào một tiền sảnh lớn được che bằng rường cột mái ngói. Tiền sảnh được chia thành hai khu vực: căn phòng ở phía Bắc chứa kho thực phẩm, lương thực được bảo quản trong các bình đất nung, cho người đã mất hưởng dụng ở thế giới bên kia. Căn phòng ở hướng Nam có chuồng ngựa, tại đây các nhà khảo cổ đã khai quật được các cỗ xe cùng các bộ xương ngựa - biểu tượng tối thượng của quyền lực quý tộc.

Khu vực trung tâm hình thành một đại điện, cũng có rường cột mái ngói. Ở giữa là hai mái che, ở xung quanh có nhiều đồ vật xếp thành hàng: tượng gốm tượng trưng cho người hầu, các bình bằng đồng, đèn và vũ khí nghi lễ. Phía sau căn phòng này là một cánh cửa đá dẫn vào phòng an táng. Căn phòng này có trần bằng đá, ở giữa đặt một cái quách. Nơi đây và căn phòng liền kề được xem là nơi ở riêng tư của người đã khuất.
Chế phục cho linh hồn
Khu mộ của Trung Sơn vương Lưu Thắng và Vương phi Đậu Oản là những ngôi mộ đầu tiên của hoàng gia nhà Hán được phát hiện còn nguyên vẹn. Di tích này có ý nghĩa trọng đại vì cấu trúc tinh xảo cùng hai món đồ đặc biệt trong số các đồ bồi táng khác: hai bộ áo liệm kết bằng các tấm ngọc bích giống áo giáp. Trước đó, các nhà sử học chỉ biết tới loại chế phục này qua mô tả trong văn chương.
Bộ áo được tạo thành từ hàng ngàn mảnh ngọc bích xâu lại bằng chỉ vàng và dây kim loại. Mỗi bộ gồm 12 phần, được thiết kế để ôm sát hình dáng cơ thể người mặc.
Với các nhà khảo cổ học, hai bộ đồ bằng ngọc, đồ bồi táng còn nguyên vẹn cùng nhiều thứ khác đã hé mở cánh cửa để nhìn vào một phần cuộc sống của những người ở thời Hán: niềm tin của họ, phong tục tập quán và nghệ thuật tang lễ. Tuy rằng việc ướp xác không thịnh hành ở Trung Hoa vào thời điểm này, song tiền nhân đã dùng nhiều phương pháp để bảo quản phần phi vật chất của người mất, chẳng hạn như linh hồn. Một số truyền thống của nước này tin rằng linh hồn con người có hai phần: hồn và phách.
Phần hồn bao gồm tinh thần của một người. Còn phách là linh hồn của hoạt động và năng lượng của cơ thể. Khi con người ta còn sống thì hai phần này hòa hợp trong cơ thể, nhưng chúng sẽ phân ly khi thân xác chết đi. Phần hồn về với tổ tiên. Còn phách vẫn ở lại trong cơ thể, và có thể bị coi là thứ ô trọc, cần tấm liệm bằng ngọc bích trấn giữ.
Hai ngôi mộ có thể phản ánh quan niệm kép nói trên. Cả hai công trình đều giống như cung điện ngầm, phản ánh nơi cư trú ở cõi dương của người quá cố. Các cấu trúc bằng gỗ và đá bên trong ngôi mộ ứng với các yếu tố của một cung điện trần thế. Tiền sảnh và đại điện tạo thành một cõi giới cho phần phách và cơ thể có thể tiếp tục tồn tại và hưởng dụng giống như khi còn sống nhờ các món đồ chôn theo.
Hai chiếc ghế trống ở giữa sảnh chính trong ngôi mộ của Lưu Thắng ban đầu được phủ bằng các tán che bằng lụa, xung quanh là các bình gốm và tượng nghi lễ được xếp thành hàng. Hình ảnh này tái hiện một nghi lễ tượng trưng cho vương gia và vương phi. Phòng an táng được xây bằng đá, căn phòng cuối cùng trong cung điện vĩnh hằng của họ, là nơi mà người ta tin rằng người quá cố sẽ đạt được sự bất tử.
Việc sử dụng ngọc bích đã hoàn thiện ý nghĩa biểu tượng này. Loại silicat mịn, có kết cấu chặt chẽ này gắn liền với niềm tin về thiên đường và sự bất tử. Chúng được sử dụng trong các nghi lễ mai táng hàng ngàn năm trước thời các vị vương nhà Hán. Chữ Hán biểu thị từ “ngọc” (玉) có nét tương đồng với chữ “vương” (王). Điều này phản ánh quan niệm rằng ngọc là biểu tượng của hoàng quyền, được xem như “đá của hoàng đế”.
Nguồn:
Nationalgeographic
Bài đăng KH&PT số 1346 (số 22/2025)