Cuối tuổi 20, giữa tuổi 50 và cuối những năm tuổi 80 là những điểm mốc của cảm giác cô đơn - theo nghiên cứu tại San Diego, Mỹ.

Theo các nhà khoa học, chúng ta vẫn chưa có nhiều hiểu biết về sự cô đơn và những ảnh hưởng của trạng thái cảm xúc này tới con người, tuy nhiên từ những gì ta đã biết cũng chỉ ra rằng cô đơn thì không tốt.

Đã có hàng núi những bằng chứng cho thấy cô đơn không chỉ có hại cho sức khỏe của bản thân như nguy cơ vấn đề về tâm thần hoặc bệnh tim mạch tăng, mà còn gây ra những điều tồi tệ hơn như khả năng tử vong sớm. Thậm chí có một số nhà nghiên cứu khuyến nghị chúng ta cần coi cô đơn như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Trong khi các nhà khoa học vẫn đang tìm ra nguyên nhân gây ra trạng thái cô đơn và mối liên hệ của sự cô đơn với các bệnh lý, thì một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng sự cô đơn có thể xảy ra phổ biến hơn so với những gì chúng ta nghĩ và có những độ tuổi nhất định trong đời nó lên tới đỉnh điểm.

Ảnh: Getty Image
Ảnh: Getty Image

Trước đây, nghiên cứu về các nhóm tuổi dễ bị cô đơn nhất đã cho ra những kết quả mâu thuẫn. Tuy vậy, bác sĩ phẫu thuật thần kinh lão khoa, ông Dilip Jeste ở Đại học California San Diego, và nhóm của ông giả thuyết rằng người già có thể dễ bị cảm thấy cô đơn hơn dựa trên bằng chứng là những người già hơn thường có xu hướng dành thời gian một mình nhiều hơn. Nhưng khi họ phân tích các đánh giá sức khỏe tâm lý cho 340 cư dân của quận San Diego trong độ tuổi từ 27 đến 101, kết quả lại cho ra nhiều điều khác nữa.

Khi phân tích diễn giải, giả thuyết của nhóm nghiên cứu đúng một phần, với kết quả cho thấy mức độ cô đơn lên đến đỉnh điểm đối với những người ở độ tuổi 80.

Tuy nhiên, đó không phải là sự tăng đột biến duy nhất trong dữ liệu. Sự cô đơn cũng lên đến đỉnh điểm khi con người ở cuối độ tuổi 20 và một đỉnh cao khác xuất hiện ở những người trong giữa độ tuổi 50.

Dữ liệu không cho chúng ta biết chính xác lý do tại sao những đỉnh này tồn tại khi thực hiện phân tích, nhưng các nhà nghiên cứu suy đoán rằng những đỉnh nhọn xuất hiện trùng với khi những khó khăn và căng thẳng xảy ra trong mỗi độ tuổi trên.

Bác sĩ Jeste giải thích trên CNN: “Những năm cuối độ tuổi 20 thường là giai đoạn có những quyết định lớn trong cuộc đời, chúng ta thường rất căng thẳng vì luôn cảm thấy rằng bạn bè của mình đưa ra quyết định tốt hơn, và có rất nhiều sự trăn trở, cảm giác tội lỗi về lý do tại sao bản thân làm điều này hay làm điều kia.”

Ngược lại, “Giữa tuổi 50 là thời kỳ khủng hoảng tuổi trung niên”, ông Jeste nói, bởi những gánh nặng về sức khỏe ở tuổi này càng khiến chúng ta nhận thức rõ hơn về cái chết.

Khi chúng ta đến cuối độ tuổi 80, những gánh nặng tâm lý này có thể đạt đến đỉnh cao mới, khi cơ thể suy yếu, các chứng bệnh như mất trí nhớ và sự ra đi của người vợ hoặc người chồng. “Đây có lẽ là mốc dễ hiểu nhất trong ba thời kỳ”, ông Jeste nói.

Cô đơn | Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock

Trong khi việc xác định các đỉnh này trong dữ liệu gây nhiều sự chú ý, điều khiến nhóm ngạc nhiên nhất là trạng thái cô đơn xảy ra ở tất cả các nhóm tuổi.

Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ mắc chứng cô đơn trong dân số Hoa Kỳ từng được báo cáo cao nhất lên đến 57% và thấp nhất là 17%.

Ông Jeste và nhóm của ông ngờ rằng dữ liệu của mình sẽ cho kết quả gì đó ở giữa, nhưng đó không phải là những gì họ tìm thấy. Nhóm của ông khám phá ra rằng trong hơn ba phần tư (76%) đối tượng phân tích trải qua mức độ cô đơn từ mức trung bình đến trầm trọng (theo thang đo chuẩn mà nhóm sử dụng để đánh giá)

Trong một phát biểu, ông Jeste giải thích: “Kết quả phân tích này rất đáng chú ý vì những người tham gia nghiên cứu không được coi là những người có nguy cơ cao mắc chứng cô đơn ở các cấp độ từ trung bình đến trầm trọng”.

“Họ không bị rối loạn cơ thể nghiêm trọng. Họ cũng không mắc các bệnh tâm thần nghiêm trọng như trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt. Nhìn chung, những người tham gia đều là những người bình thường.”

Nhưng bên cạnh thực tế u ám đó, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra một phát hiện lạc quan khác.

Ngoài việc đo lường mức độ cô đơn và sự cô lập xã hội của những người tham gia, các nhà nghiên cứu còn đánh giá họ với “Thang đo trí tuệ San Diego” – một bài kiểm tra do ông Jeste hợp tác xây dựng - để đo lường trí tuệ theo một số lĩnh vực cốt lõi gắn liền với các vùng não nhất định và gắn với những năng lực như thái độ xã hội, điều tiết cảm xúc, khả năng phản biện và nhận thức về bản thân, cũng như sự khoan dung…

Theo Thang đo trí tuệ San Diego, các nhà nghiên cứu tìm thấy mối quan hệ ngược chiều lớn giữa trí tuệ và sự cô đơn. Nói cách khác, cơ bản những người có trí tuệ ít trải qua sự cô đơn hơn.

“Điều đó có thể do thực tế các hành vi được dùng để định nghĩa về trí tuệ - như đồng cảm, trắc ẩn, điều tiết cảm xúc, và nhận thức về bản thân – giúp chống lại hoặc ngăn chặn một cách hiệu quả trạng thái cô đơn tột cùng”, tác giả thứ nhất của nghiên cứu, bà Ellen Lee giải thích.

Vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về nền tảng tâm sinh lý phức tạp của trạng thái cô đơn, nhưng chúng ta cũng nên lưu ý rằng những phát hiện mới này dựa trên đánh giá của một nhóm người nhỏ tại một khu vực xác định trên thế giới. Nhưng khi đối mặt với một thứ được coi là “đại dịch toàn cầu” như thế, bất kỳ tri thức hay hiểu biết nào có thể giúp con người tránh khỏi sự cô đơn đều được chào đón.

Ông Jeste tin rằng: “Chúng ta cần phải nghĩ về sự cô đơn theo một cách đi. Đó không phải chỉ là sự cô lập xã hội”.

“Một người có thể ở một mình nhưng không cảm thấy cô đơn, trong khi một người khác có thể ở trong một đám đông nhưng lại cảm thấy cô đơn. Chúng ta cần tìm giải pháp và cách can thiệp để giúp kết nối mọi người và giúp họ trở nên thông thái hơn.”

Nguồn:

https://www.sciencealert.com/loneliness-peaks-at-three-key-times-in-life-but-there-s-a-unique-way-to-fight-it-scientists-say?perpetual=yes&limitstart=1