Khảo sát hàng nghìn thanh thiếu niên cho thấy những người có vấn đề sức khỏe tâm thần dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội, nhưng lại ít hài lòng hơn về trải nghiệm trực tuyến của mình so với bạn bè đồng trang lứa.

Cụ thể, thanh thiếu niên mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần dành trung bình nhiều hơn 50 phút mỗi ngày trên mạng xã hội so với bạn bè. Họ cũng có nhiều khả năng không hài lòng với một số khía cạnh của trải nghiệm, chẳng hạn như số lượng bạn bè trực tuyến.

Hình minh họa. Nguồn: Getty

Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Nature Human Behaviour, khám phá cách những thiếu niên mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần cụ thể sử dụng mạng xã hội, và phát hiện rằng những người mắc các rối loạn như lo âu và trầm cảm dễ bị tổn thương hơn bởi các trải nghiệm trực tuyến tiêu cực so với những người mắc các tình trạng như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). “Đây là câu hỏi mà rất ít nghiên cứu từng giải quyết, đặc biệt với một mẫu lớn như vậy”, đồng tác giả Luisa Fassi - chuyên gia về sức khỏe tâm thần vị thành niên và việc sử dụng mạng xã hội tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ một khảo sát vào năm 2017 với 3.340 thiếu niên ở Vương quốc Anh từ 11 đến 19 tuổi, được thực hiện bởi Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS). Những người tham gia trải qua đánh giá lâm sàng chuyên sâu và được hỏi về việc họ sử dụng các trang mạng xã hội cũng như cảm nhận của họ về các nền tảng này.

Kết quả, 16% số người tham gia được xác định là có ít nhất một tình trạng sức khỏe tâm thần. Trong số đó, 8% bị rối loạn nội tâm hóanhư trầm cảm và lo âu – đặc trưng bởi các cảm xúc tiêu cực đối với bản thân – và 3% mắc các tình trạng rối loạn ngoại tâm hóa như ADHD – đặc trưng bởi các cảm xúc tiêu cực đối với người khác.

Phân tích cho thấy những người trẻ mắc tình trạng sức khỏe tâm thần nói chung dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội, và những người mắc các rối loạn nội tâm hóa có xu hướng so sánh bản thân với người khác trên mạng nhiều hơn so với những người mắc rối loạn ngoại tâm hóa hoặc không mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần. Những người bị rối loạn nội tâm hóa cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các bình luận hoặc phản ứng đối với bài đăng của họ, và có ít khả năng kiểm soát thời gian họ trên các nền tảng mạng xã hội.

Theo Fassi, các bác sĩ có thể sử dụng thông tin này để nghĩ ra các kỹ thuật giúp thanh thiếu niên điều chỉnh việc sử dụng mạng xã hội, hoặc giảm so sánh bản thân trên mạng xã hội.

Anne Marie Albano - nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về trẻ em và thanh thiếu niên tại Trung tâm Y khoa Đại học Columbia Irving, TP New York, đồng tình rằng kết quả này có thể có giá trị lâm sàng. “Chúng tôi thực hiện rất nhiều công việc liên quan đến giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội,” bà nói. “Chúng tôi giúp các em mắc rối loạn lo âu xã hội học cách phản hồi tin nhắn, lựa chọn các trang mạng phù hợp với sở thích của mình thay vì những trang làm trầm trọng thêm cảm giác tiêu cực về bản thân.”

Fassi lưu ý rằng phân tích này không thể giải thích liệu mạng xã hội có gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên hay không – đây vẫn là một chủ đề gây tranh luận trong giới nghiên cứu. Để trả lời câu hỏi này, cần có các thí nghiệm phân nhóm ngẫu nhiên theo kiểu sử dụng mạng xã hội khác nhau, hoặc các nghiên cứu theo dõi dọc trong thời gian dài.

Nguồn: