Sao la mang tải trọng di truyền cao do có các vùng bộ gene dài thiếu đa dạng - một điểm đặc trưng của các loài nguy cấp.
Sao la là loài đặc biệt quý hiếm và bí ẩn bậc nhất thế giới.
Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) là loài thú móng guốc đặc hữu của dãy Trường Sơn. Kể từ khi được phát hiện, sao la vẫn là một trong những loài động vật có vú bí ẩn nhất thế giới do quần thể phân bố rất nhỏ và cực kỳ khó quan sát trong tự nhiên.
Để hiểu rõ hơn về loài động vật quý hiếm này, một nhóm các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, trong đó có PGS.TS Lê Đức Minh từ Khoa Môi trường, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã tiến hành giải trình tự toàn bộ hệ gene và lần đầu tiên xác lập được đặc điểm di truyền quan trọng của loài thú này.
Nghiên cứu được thực hiện trên 26 mẫu xương và mô mềm được thu thập và lưu giữ trong hơn 30 năm qua. Kết quả phân tích di truyền cho thấy sao la là một loài thú cổ, có họ hàng xa với các loài trâu bò, PGS.TS Lê Đức Minh chia sẻ trên
bản tin của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Mặc dù phạm vi phân bố rất nhỏ, nhưng sao la có sự phân hóa di truyền thành hai quần thể chính: một ở phía Bắc (Hà Tĩnh - Quảng Bình) và một ở phía Nam (Huế - Quảng Nam). Sự phân hóa này được ước tính xảy ra cách đây khoảng 5.000-20.000 năm, trùng với thời kỳ băng hà cuối cùng.
Một điểm đáng chú ý là sao la mang tải trọng di truyền cao do có các vùng bộ gene dài thiếu đa dạng - một điểm đặc trưng của các loài nguy cấp.
Tuy nhiên, các biến thể có hại chủ yếu tập trung ở các vùng không mã hóa, và không được chia sẻ giữa hai quần thể, cho thấy khả năng kháng chịu và cơ chế tự loại bỏ gene lặn có hại của loài này vẫn đang tồn tại.
Kết quả nghiên cứu được trình bày trong bài báo “Genomes of critically endangered saola are shaped by population structure and purging” trên tạp chí Cell.
Mỹ Hạnh