Một nghiên cứu mới đã cung cấp bức tranh chi tiết về ô nhiễm kim loại nặng trong nước mặt ở Khánh Hòa, trong đó trẻ em đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe hơn hẳn người lớn.

Ô nhiễm kim loại nặng trong nước mặt (nước ở sông, hồ, đầm lầy, hay đại dương; tương phản với nước ngầm và nước trong bầu khí quyển) là vấn đề gây quan ngại trên toàn cầu do nó có thể tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng thông qua nhiều con đường khác nhau. Các kim loại có thể tồn tại lâu dài trong môi trường, tích tụ sinh học trong chuỗi thức ăn. Vấn đề này đòi hỏi phải kiểm soát mức độ của chúng dưới ngưỡng chấp nhận được. Tuy nhiên, nồng độ kim loại nặng trong các nguồn nước mặt trên toàn thế giới đã tăng lên trong những thập kỷ gần đây.

Nghiên cứu mới trên tạp chí Environmental Pollution do nhóm nhà khoa học từ Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường thuộc Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thực hiện đã đánh giá mức độ ô nhiễm kim loại nặng và các rủi ro liên quan đến sức khỏe và các nguồn gây ô nhiễm trong các vùng nước mặt khác nhau ở tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam.

Tỉnh Khánh Hòa được lựa chọn do có mạng lưới thủy vực dày đặc, với các con sông ngắn và dốc đổ ra biển Đông, và vì vậy có khả năng gây ô nhiễm các vùng biển quốc tế nếu có nồng độ kim loại nặng cao. Tỉnh cũng có hai mùa mưa và khô rõ rệt, giúp thuận tiện hơn trong đánh giá tác động của mùa và xác định các nguồn gây ô nhiễm.

Từ năm 2016 đến 2020, nhóm nghiên cứu đã thu thập 1.140 mẫu nước từ ba loại thủy vực gồm hồ chứa, sông và các kênh rạch nhỏ ở Khánh Hòa, phân tích bảy kim loại nặng phổ biến gồm sắt (Fe), kẽm (Zn), asen (As), đồng (Cu), chì (Pb), crôm (Cr) và cadimi (Cd).

Sông Cái chảy qua TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Sông Cái chảy qua TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: NNC

Kết quả cho thấy chỉ số ô nhiễm kim loại nặng (HPI) trung bình ở mức 24,3; trong đó kênh rạch nhỏ là nơi ô nhiễm nặng nhất (29,5), vượt xa sông (23,3) và hồ chứa (21,7).

Trong số các kim loại nặng, sắt có nồng độ cao nhất, trung bình đạt 392,4 μg L-1 - cao gấp nhiều lần các kim loại còn lại. Tuy nhiên, cadimi (nồng độ trung bình 0,57 μg L-1) mới là kim loại có ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số HPI khi đóng góp đến 84,4% mức độ biến thiên của chỉ số này.

Phân tích theo mùa cho thấy mức độ ô nhiễm kim loại nặng cao hơn vào mùa khô bởi hiện tượng cô đặc kim loại do thiếu nước, trong khi mùa mưa có thể pha loãng kim loại nhờ lưu lượng nước lớn. Nhưng ở một số khu vực, mùa mưa lại làm gia tăng nồng độ kim loại nặng do hiện tượng rửa trôi bụi đường và phân bón từ nông nghiệp vào hệ thống nước mặt.

Một trong những phát hiện đáng chú ý nhất là rủi ro đối với sức khỏe do ô nhiễm kim loại nặng khác nhau giữa trẻ em và người lớn. Sử dụng chỉ số nguy cơ (hazard index - HI), nhóm nghiên cứu phát hiện HI ở trẻ em vượt ngưỡng an toàn (1,2 - 1,48) trong khi ở người lớn thì thấp hơn nhiều (dưới 1). Điều này đồng nghĩa với việc trẻ em tại Khánh Hòa đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe nếu tiếp xúc với nước mặt ô nhiễm kim loại nặng - một vấn đề rất đáng quan ngại khi nước mặt thường được sử dụng để tưới tiêu hoặc thậm chí làm nguồn cấp nước sau xử lý sơ bộ.

Asen và crôm là hai kim loại có ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe trẻ em, trong đó asen chiếm đến 54% tổng mức độ rủi ro ở trẻ. Cả hai đều có thể gây hại đến hệ miễn dịch và phát triển thần kinh, đặc biệt ở độ tuổi còn nhỏ.

Qua phân tích thống kê đa biến, nghiên cứu xác định ba nhóm nguồn chính góp phần vào ô nhiễm kim loại nặng: khí thải giao thông và bụi đô thị từ xe cộ, công nghiệp được rửa trôi vào hệ thống thoát nước và kênh rạch khi có mưa; hoạt động nông nghiệp và các nguồn hỗn hợp khác như phân bón; và hoạt động khai thác mỏ, sản xuất sơn, nhuộm... Trong đó, cadimi và sắt được phát hiện chủ yếu đến từ dòng chảy mặt qua đất canh tác, đặc biệt từ phân bón và đất giàu chất hữu cơ. Lượng cadimi có xu hướng cao vào mùa khô, trùng với thời điểm bón phân cho cây trồng.

Từ bức tranh chi tiết về ô nhiễm kim loại nặng trong nước mặt ở Khánh Hòa, nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị như ưu tiên bảo vệ trẻ em khỏi tiếp xúc với nước mặt bị ô nhiễm; giám sát định kỳ các kim loại nặng, đặc biệt là cadimi, asen và crôm; và kiểm soát nguồn thải từ nông nghiệp, giao thông và công nghiệp, nhất là các khu vực có kênh rạch nhỏ gần khu dân cư. Ngoài ra, cần nghiên cứu và áp dụng công nghệ xử lý nước mặt, nhất là các giải pháp tự nhiên hoặc ít tốn kém có thể triển khai ở quy mô địa phương.

Nguồn: