Cùng với sự phát triển kinh tế, tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều biện pháp kiểm soát rượu bia như luật cấm lái xe khi uống rượu, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, cùng với tác động của đại dịch COVID-19, đã đặt ra câu hỏi: liệu người dân có uống ít rượu bia hơn?
Để trả lời câu hỏi này, một nghiên cứu mới đã áp dụng phương pháp phân tích dịch tễ học dựa trên nước thải (Wastewater-Based Epidemiology – WBE) để theo dõi xu hướng tiêu thụ rượu bia tại Hà Nội từ năm 2018 đến 2023. Đây là lần đầu tại Việt Nam, phương pháp này được sử dụng liên tục trong thời gian dài, giúp cung cấp cái nhìn khách quan, chính xác và chi tiết về thói quen uống rượu bia của người dân. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Public Health vào tháng 5/2025.
Trước đó, phương pháp WBE đã được một số thành viên trong nhóm nghiên cứu sử dụng để chứng minh tính khả thi của việc giám sát dịch bệnh COVID-19 bằng nước thải, thông qua việc tìm kiếm các
chỉ dấu RNA của virus SARS-CoV-2 có trong nước thải tại bang Queensland (hệ thống thực tế) và Hà Nội (nghiên cứu thí điểm) hồi năm 2021.
Trong nghiên cứu theo dõi tiêu thụ rượu bia này, các nhà nghiên cứu đến từ Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Dược Hà Nội, Viện Công nghiệp Thực phẩm FIRI và Đại học Queensland đã theo dõi một chất chỉ thị sinh học gọi là ethyl sulfate. Đây là một chất chuyển hóa đặc trưng, xuất hiện trong nước tiểu trong vòng 2-12 giờ sau khi uống rượu bia. Nồng độ ethyl sulfate trong nước thải được coi là phản ánh nồng độ cồn tiêu thụ trong vài giờ trước đó.
Bằng cách thu thập các mẫu nước thải liên tục trong ít nhất 30 ngày mỗi năm ở một địa điểm trên sông Kim Ngưu đại diện cho khu vực với khoảng 400.000 người sinh sống, các nhà khoa học đã đo nồng độ ethyl sulfate, từ đó tính ngược lại mức độ tiêu thụ rượu trên bình quân đầu người (mL/người/ngày).
Kết quả phân tích cho thấy, tổng lượng tiêu thụ rượu bia tại Hà Nội có xu hướng giảm rõ rệt trong suốt sáu năm, với mức giảm trung bình khoảng 7,5% mỗi năm.
Đỉnh điểm giảm mạnh nhất diễn ra trong giai đoạn 2020–2021, trùng với thời điểm Hà Nội áp dụng nhiều biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế hoạt động tại các quán bar, nhà hàng. Tuy nhiên, từ năm 2022 trở đi, dấu hiệu tăng trở lại trong tiêu thụ rượu bia đã được ghi nhận, phù hợp với xu hướng bán hàng trên toàn quốc.
Vào mùa đông, lượng tiêu thụ rượu bia của người dân tăng rõ rệt so với các mùa còn lại, có thể do trùng với các dịp lễ hội và sự kiện lớn như Tết Nguyên đán. Trong khi đó, mức tiêu thụ rượu giữa mùa xuân, mùa hè và mùa thu không có nhiều khác biệt đáng kể.
Đáng chú ý, mức tiêu thụ rượu "duy trì ổn định vào tất cả các ngày trong tuần", kể cả trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Nghĩa là người dân không chỉ uống rượu vào ngày cuối tuần, mà cả ngày làm việc. Bất kể tác động của đại dịch COVID-19, hành vi uống rượu hằng tuần đã trở lại bình thường sau khi các hạn chế cách ly xã hội được dỡ bỏ.
Theo các nhà nghiên cứu, việc mức độ tiêu thụ rượu duy trì trong tuần phản ánh một nét văn hóa đã ăn sâu tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội. Với nhiều người, việc nhậu nhẹt sau giờ làm không chỉ là giải trí mà còn là cách để hòa nhập, giữ gìn quan hệ xã hội và công việc. Trong các buổi tụ họp, lời mời rượu từ bạn bè, đồng nghiệp thường khó khước từ, khiến nhiều người uống rượu bia quá mức. Do đó, dù nhận thức về rủi ro sức khỏe ngày càng tăng, ảnh hưởng từ môi trường xã hội vẫn khiến nhiều người khó giảm lượng rượu tiêu thụ.
Hơn nữa, việc mua rượu bia ở Việt Nam không bị hạn chế. Không khó để tìm thấy các quán nhậu bình dân vừa phục vụ đồ ăn vừa bán đồ uống có cồn với giá phải chăng. Và rượu bia cũng được bày bán rộng rãi tại các quầy tạp hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, khiến việc tiêu thụ trở nên thuận tiện và dễ mang tính bộc phát.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra sự thay đổi đáng kể trong cách thức tiêu thụ: trong giai đoạn 2022-2023, người dân có xu hướng giảm uống tại quán và tăng mua về nhà. Mặc dù sự thay đổi này có thể do người dân thích nghi với các hạn chế tụ tập vì COVID-19, nhưng việc thực thi quy định cấm lái xe khi uống rượu từ ngày 1/1/2020 cũng có thể là nguyên nhân góp phần thay đổi thói quen uống rượu.
Quy định cấm lái xe khi uống rượu bia khiến việc uống rượu bia tại nhà hàng, quán bar trở nên kém hấp dẫn hơn, đồng thời thúc đẩy xu hướng uống rượu bia một cách thận trọng hơn - chủ yếu tại nhà hoặc ở những địa điểm gần nhà.
Các dữ liệu nghiên cứu nước thải chỉ ra rằng, khi mới ban hành, quy định này không tạo ra sự thay đổi lập tức, dù mức phạt cực kỳ cao (phạt tiền, tạm đình chỉ giấy phép lái xe và trong trường hợp nghiêm trọng là phạt tù). Dù nhiều quán nhậu trở nên vắng khách - tạo kì vọng rằng người dân sẽ giảm uống rượu bia - nhưng dữ liệu theo dõi nước thải cho thấy,
trong vòng nửa tháng kể từ khi thực thi quy định mới, việc tiêu thụ rượu giảm không đáng kể ở cấp độ cộng đồng, và mức độ tiêu thụ rượu vào các ngày trong tuần và cuối tuần gần như không thay đổi trước và sau khi có quy định.
Trên thực tế, sự thay đổi về tiêu thụ rượu diễn ra khá từ từ, có độ trễ và nằm trong một xu hướng dài hạn, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau. Bằng chứng là bất chấp sự chuyển đổi sang uống rượu tại nhà, dữ liệu bán hàng cho thấy tổng lượng bia rượu tiêu thụ quốc gia của tất cả các thương hiệu trong năm 2022–2023 đã trở lại mức tương đương với những năm trước đại dịch, nghĩa là mọi người mới chỉ đang thích ứng hành vi (thay đổi địa điểm uống) hơn là giảm vĩnh viễn mức tiêu thụ.
“Nhìn chung, kết quả nghiên cứu cho thấy xu hướng tiêu thụ rượu trong suốt sáu năm qua – bao gồm cả giai đoạn đại dịch – chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đan xen như các biện pháp y tế công cộng, việc thực thi chính sách và những biến động kinh tế - xã hội rộng hơn. Điều này nhấn mạnh rằng để giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến rượu bia, Chính phủ cần triển khai các chiến lược đa chiều, phối hợp nhiều giải pháp cùng lúc”, các tác giả nhấn mạnh.
Họ cũng nhận định rằng phương pháp giám sát qua nước thải là một cách đơn giản và tiết kiệm để theo dõi mức tiêu thụ rượu bia lâu dài trong cộng đồng, đồng thời đánh giá hiệu quả của các chính sách hoặc chiến dịch can thiệp trong tương lai.
Chẳng hạn, gần đây Chính phủ đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia và rượu, bắt đầu tăng hơn 20% từ năm 2026, hướng tới mức tối đa 100% vào năm 2030. Trong bối cảnh đó, phương pháp giám sát qua nước thải có thể cung cấp dữ liệu khách quan và đáng tin cậy, giúp Chính phủ đưa ra các quyết định điều chỉnh mức thuế phù hợp theo diễn biến thực tế.