Theo một nghiên cứu mới, trong khi tích cực ủng hộ việc mua bán thuốc và thực phẩm chức năng online, kiến thức của người tiêu dùng Việt Nam đối với hình thức kinh doanh này còn hạn chế.
Những năm gần đây, người tiêu dùng có thể mua bán nhiều loại mặt hàng online, bao gồm cả thuốc và thực phẩm chức năng. Trong bối cảnh này, một nhóm nhà nghiên cứu đến từ Đại học Dược Hà Nội, Đại học Phenikaa và Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã tiến hành khảo sát đầu tiên tại Việt Nam nhằm đánh giá kiến thức, thái độ và trải nghiệm của người dân về việc mua thuốc và thực phẩm chức năng trực tuyến.
Khảo sát được thực hiện trên 1.070 người trong giai đoạn 2022-2023. Người tham gia được tuyển chọn bằng hai phương pháp: lấy mẫu thuận tiện (chọn những người dễ tiếp cận) và lấy mẫu quả cầu tuyết (người tham gia giới thiệu thêm những người khác như bạn bè và người thân của họ tham gia cùng).
Phần lớn người tham gia khảo sát dưới 45 tuổi, trong đó 2/3 là phụ nữ và đã kết hôn. Đa số người tham gia có thu nhập bình quân dưới 9 triệu đồng/tháng. Hầu như tất cả đều có bảo hiểm y tế, và khoảng 20% có ít nhất một bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm xoang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
Kết quả công bố trên tạp chí Q1
BMC Public Health cho thấy, 97,2% số người tham gia khảo sát từng sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin sức khỏe, trong đó 65% tự chẩn đoán mà không cần đến gặp bác sĩ và 72,6% tự dùng thuốc điều trị các vấn đề sức khỏe của họ dựa trên thông tin tìm kiếm trên Internet.
Khoảng 52,8% số người được khảo sát cho biết từng mua thuốc và/hoặc thực phẩm chức năng trực tuyến. Trong số đó, chỉ 19,9% hiểu rằng không có điều luật nào tại Việt Nam cho phép bán thuốc online (tại thời điểm khảo sát, trước thời điểm Luật Dược mới ban hành và có hiệu lực vào tháng 7/2025).
“Đối với tính pháp lý của việc bán thuốc online, đó là một câu hỏi khá hóc búa khi bắt đầu soạn thảo bộ câu hỏi,” Th.S Đinh Xuân Đại từ Khoa Quản lý & Kinh tế Dược, Đại học Dược Hà Nội, đồng tác giả nghiên cứu, trao đổi với Khoa học & Phát triển vào cuối tháng 2/2025.
“Chúng tôi đã rà soát các văn bản pháp lý tại thời điểm đó và thấy rằng, để đảm bảo việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả, hầu hết các văn bản hướng dẫn - đặc biệt là
TT 02/2018/TT-BYT quy định về Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (GPP) - liên tục nhấn mạnh việc các cơ sở cần phải cung cấp, bán lẻ thuốc 'trực tiếp' đến người sử dụng thuốc kèm theo việc tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn và có hiệu quả. Suy ra, việc mua trên mạng không phải là 'trực tiếp' nên chúng không hợp pháp. Đó là lý do mà nhiều chuỗi cửa hàng dược lớn khi đó chưa tiến hành kinh doanh thuốc online. Một vấn đề khác là thuốc cần được bán kèm với sự tư vấn và hướng dẫn sử dụng từ dược sĩ. Tuy nhiên, khi mua online, điều này thường không được đảm bảo,” anh nói thêm.
Các nhà nghiên cứu đã dùng một mô hình hồi quy tuyến tính đa biến để đánh giá điểm kiến thức và thái độ của người Việt trong việc mua thuốc và thực phẩm chức năng trên Internet.
Các câu hỏi kiến thức chủ yếu xoay quanh các vấn đề như: liệu người tiêu dùng có biết việc mua thuốc online là không hợp pháp hay không; liệu họ có được phép mua thuốc chỉ kê đơn trực tuyến mà không có đơn thuốc không; liệu họ có biết các nguồn uy tín để mua thuốc và thực phẩm chức năng ngoài nhà thuốc của bệnh viện và nhà thuốc bên ngoài không; liệu họ có kiểm tra thông tin (như trình độ chuyên môn và uy tín) của người bán/nhà cung cấp thuốc hoặc thực phẩm chức năng trước khi mua hàng trực tuyến hay không; liệu họ có cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe (như bác sĩ và dược sĩ) trước khi mua thuốc trực tuyến, đặc biệt là các loại thuốc phải kê đơn, hay không v.v.
Kết quả, điểm kiến thức của người dân vào khoảng 4-9 điểm (trên tổng điểm 0-16), nghĩa là “kiến thức của nhiều người Việt Nam về mua thuốc và thực phẩm chức năng trực tuyến còn hạn chế”.
Ngược lại, điểm thái độ của người dân lại khá cao, vào khoảng 75-103 (trên tổng điểm 23-115, với mỗi câu hỏi có điểm số dao động từ 1 - hoàn toàn không đồng ý đến 5 - hoàn toàn đồng ý), thể hiện thái độ ủng hộ và tích cực đối với những lợi ích tiềm năng của việc mua thuốc và thực phẩm chức năng trực tuyến. Đây là dấu hiệu cho thấy các mô hình kinh doanh thuốc online có cơ hội tăng trưởng nhanh nếu có khuôn khổ pháp lý phù hợp.
Những lợi ích chính của việc mua thuốc và thực phẩm chức năng trực tuyến mà nhiều người đồng tình bao gồm: tiện lợi (87,1%); không bị gò bó về địa điểm (84,8%); có thể đặt hàng và mua sản phẩm sau giờ mở cửa (84,7%); và dễ dàng kiểm tra tình trạng sẵn có của sản phẩm (83,6%).
Tuy nhiên, việc mua thuốc và thực phẩm chức năng trực tuyến cũng tiềm ẩn một số nhược điểm: Khoảng 87,7% người được khảo sát cảm thấy lo lắng về khả năng mua phải hàng giả hoặc sản phẩm không đạt tiêu chuẩn; 85% lo lắng thông tin sản phẩm không chính xác; 83,7% lo ngại việc thiếu giám sát của cơ quan chức năng; và 82,5% lo ngại nguy cơ lạm dụng thuốc, tự dùng thuốc và không tuân thủ điều trị.
Đáng chú ý là có khoảng 84,3% người tham gia khảo sát cho rằng sẽ khó phân biệt giữa các hiệu thuốc trực tuyến hợp pháp và bất hợp pháp.
“Khi nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng, việc nâng cao hiểu biết của người dân là vô cùng quan trọng. Trong những năm tới, khi Bộ Y tế và các cơ quan liên quan ban hành các văn bản pháp lý và luật lệ về nhà thuốc trực tuyến cũng như việc kinh doanh thuốc trên Internet, các phương thức nhận diện nhà thuốc trực tuyến được cấp phép cần được tuyên truyền và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng,” các tác giả nhấn mạnh.
Thực tế, bán thuốc trực tuyến sẽ không hoàn toàn là bất hợp pháp ở Việt Nam, nhưng có những quy định và hạn chế nhất định. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược cho phép kinh doanh thuốc và nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, và website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, tuy nhiên một số điều khoản đã bắt đầu được thực thi từ ngày 1/1/2025, tạo điều kiện cho một số chuỗi dược và nhà thuốc bắt đầu bán online một cách hợp pháp. Tính đến cuối năm 2024, có khoảng 1.000 cơ sở bán thuốc trực tuyến đã thực hiện thủ tục đăng ký và khai báo với Bộ Công Thương.
Theo quy định,
• Thuốc được phép bán online: Việc bán lẻ thuốc trực tuyến chỉ được áp dụng cho thuốc không kê đơn. Trong trường hợp cách ly y tế do bệnh truyền nhiễm nhóm A, cơ sở kinh doanh có thể bán cả thuốc kê đơn theo quy định của Bộ Y tế.
• Thuốc bị cấm bán online: Các loại thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt và thuốc hạn chế bán lẻ không được phép kinh doanh trực tuyến. Bán buôn thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt cũng bị cấm theo phương thức thương mại điện tử.
• Nền tảng được phép kinh doanh: Việc kinh doanh thuốc và nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử chỉ được thực hiện trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, hoặc website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến. Không được phép bán thuốc trên các nền tảng khác như mạng xã hội.
• Điều kiện đối với cơ sở kinh doanh: Cơ sở kinh doanh dược phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và phải tuân thủ các quy định về giao dịch điện tử, thương mại điện tử, quảng cáo, và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các cơ sở này cũng phải thông báo việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo các chuyên gia, hoạt động bán thuốc online tại Việt Nam bắt đầu có từ những năm 2017 - 2018 và ngày càng phát triển mạnh. Ước tính thị trường thuốc online Việt Nam tới năm 2024 đạt khoảng 5 - 8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng.
|
Nguồn:
Doan, D.A., Vu, N.H., Nguyen, P.L. et al. Purchasing medicines and functional foods on the internet: a cross-sectional study investigating the knowledge, attitudes, and experience of Vietnamese people in 2023.
BMC Public Health24, 2619 (2024).
https://doi.org/10.1186/s12889-024-20103-w