Nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã tận dụng bã đậu nành để sản xuất dịch thủy phân, có thể dùng để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng,

Bã đậu nành hay còn gọi tắt là bã đậu, là phần rắn còn lại sau quá trình sản xuất đậu phụ, sữa đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành khác. Phần lớn lượng bã này được sấy khô bán cho nhà máy chế biến thức ăn gia súc. Phương pháp tận thu này tiêu tốn năng lượng và không đem lại lợi nhuận cao. Còn một phần bã đậu được bán tươi, tuy nhiên bã đậu chứa nhiều chất dinh dưỡng cũng như độ ẩm cao nên rất dễ hư, cần được sử dụng nhanh chóng.

Bã đậu thô chứa protein lên đến 15,2% - 33,4% (chất khô), cùng các axit amin như methionine, cystein, valine, tyrosine, threonine, histidine, glycine,…

Nông dân thường tự ủ hoai bã đậu nành để làm phân bón cho cây trồng. Tuy nhiên, phương pháp này có một số hạn chế như sản phẩm thu được có hàm lượng đạm tương đối thấp, do quá trình ủ không được kiểm soát tốt, hệ vi sinh vật tạp nhiễm, hệ số chuyển đổi từ nguyên liệu đầu vào thành các đạm amin thấp, sản sinh ra nhiều độc tố không có lợi cho cây trồng như S, H2S. Hơn nữa, thời gian ủ kéo dài trung bình 4 - 6 tháng nên số lượng ít, không kịp đáp ứng nhu cầu sử dụng của cây.

Vì vậy, nhóm tác giả ở Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã thực hiện nghiên cứu chế phẩm hữu cơ hòa tan từ bã đậu nành.

Bã đậu và dịch thủy phân từ bã đậu do nhóm sản xuất. Ảnh: NNC

Qua khảo sát và đánh giá chất lượng bã đậu ở một số cơ sở sản xuất tại Củ Chi, TPHCM, nhóm thực hiện chọn nguồn bã đậu có độ ẩm 78,37%, hàm lượng protein 26,77% và nitơ tổng số 25,92 mg/g làm nguyên liệu để tiến hành nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu phân lập và tuyển chọn bốn chủng Bacillus sp., trong đó chủng CL3 thuộc loài Bacilllus subtilis có khả năng chuyển hóa protein trong bã đậu nành cao, với hiệu suất thu hồi hơn 60%. Nhóm cũng hoàn thiện quy trình lên men bã đậu nành (bã đậu được đưa vào hệ thống lên men, tỷ lệ nước:bã là 3:1, bổ sung dịch chứa vi khuẩn Bacillus sp., với độ pH = 7, thời gian lên men 48 giờ, nhiệt độ 37℃) để thu hồi protein trong dịch lên men với hiệu suất lên đến 84,61%. Từ khoảng 5 kg bã đậu có thể sản xuất 100L dịch thủy phân.

Chế phẩm có lượng đạm ≥ 10 g/L, Arsen (As) ≤ 0,1ppm, chì (Pb) ≤ 0,1ppm. Kết quả thử nghiệm cho thấy, với chất bảo quản kali sorbate 0,75%, chất lượng của dịch lên men không thay đổi, hàm lượng đạm tổng số còn 10,37 g/L sau sáu tháng.

Nhóm nghiên cứu cũng đã hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm hữu cơ hòa tan chứa axit amin từ bã đậu nành quy mô 100 L/mẻ, có thể chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu.

Đề tài do nhóm thực hiện đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.