Nghiên cứu sử dụng nguồn dữ liệu từ Khảo sát doanh nghiệp Việt Nam (VES) giai đoạn 2016 - 2020. VES do Tổng cục Thống kê tiến hành hằng năm nhằm thu thập thông tin về đặc điểm tài chính và hoạt động của các doanh nghiệp, đồng thời cung cấp thông tin cơ bản về các giám đốc doanh nghiệp, trong đó có thông tin về năm sinh.
TS Phạm Văn Đại đã phân loại các doanh nghiệp trong khảo sát dựa theo số lượng nhân sự, gồm doanh nghiệp siêu nhỏ (từ 10 nhân viên trở xuống), nhỏ (từ 11 đến 50 nhân viên) và lớn (trên 50 nhân viên). Kết quả, nhìn chung, quan niệm về “tuổi hạn” có tác động tiêu cực đối với các khoản đầu tư tài sản cố định (máy móc, nhà xưởng, các trang thiết bị…) của doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp nhỏ và lớn không thể hiện thay đổi đáng kể về đầu tư; ngược lại, các doanh nghiệp siêu nhỏ lại thể hiện sự giảm mạnh đầu tư khi giám đốc bước vào tuổi 49 và sự phục hồi đầu tư sau tuổi 53. Điều này thể hiện sự dồn nén về nhu cầu và mong muốn đầu tư trong khoảng tuổi 49-53.
Có thể lý giải kết quả trên do các tài sản cố định thường có giá trị lớn và giá trị sử dụng lâu dài nên có thể kéo theo chi phí chìm (chi phí đã được bỏ ra trong quá khứ và không thể thu hồi), cùng với những niềm tin mê tín về những xui xẻo hay tai họa trong “tuổi hạn” khiến cho các giám đốc có xu hướng hạn chế đầu tư.
Bên cạnh đó, trong doanh nghiệp siêu nhỏ, quyền lực tập trung nhiều vào giám đốc. Vậy nên, sự mê tín của giám đốc sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp trong những năm giám đốc bước vào “tuổi hạn”. Ngược lại, ở các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, quyền lực được phân bổ ít tập trung hơn, việc ra quyết định đầu tư sẽ được bàn bạc giữa các thành viên của ban điều hành hay hội đồng quản trị, nhờ vậy, ít chịu ảnh hưởng bởi “năm hạn” của giám đốc hơn.
Dưới góc độ của cá nhân các giám đốc, nghiên cứu cho thấy, các giám đốc nữ ít biểu hiện những niềm tin về “tuổi hạn” hơn so với các giám đốc nam. Điều này có thể lý giải do quan niệm dân gian về “tuổi hạn” thường vận vào nam giới thay vì nữ giới. Đặc biệt, nhóm các giám đốc chỉ có bằng THPT ít có khả năng mê tín hơn so với các giám đốc có bằng cao đẳng hoặc đại học, đại học tại chức. Kết quả này được cho là phù hợp với các nghiên cứu trước đây, theo đó, mối quan hệ thuận chiều trình độ học vấn và mê tín đã được công nhận.
Để giảm thiểu những tác động này, việc triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả là rất quan trọng. Một trong những chiến lược như vậy bao gồm thúc đẩy sự đa dạng trong ban lãnh đạo doanh nghiệp. Khi các thành viên trong ban lãnh đạo có trình độ học vấn, quan điểm và chuyên môn khác nhau thì doanh nghiệp có thể hóa giải những thành kiến tiềm ẩn và điểm mù của từng thành viên.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Journal of Comparative Economics vào đầu tháng ba vừa qua.