Sau khi phân tích bài học kinh nghiệm của ba đô thị nước ngoài đã cam kết giảm mức phát thải ròng xuống mức "0" (Net Zero) và bối cảnh của Đà Nẵng, một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đã rút ra các đề xuất để giảm phát thải cho thành phố này.

Thành phố Đà Nẵng có tiềm năng lớn để trở thành một ví dụ điển hình trong việc thúc đẩy các sáng kiến giảm mức phát thải ròng xuống mức “0”. Ảnh: VGP
Thành phố Đà Nẵng có tiềm năng lớn để trở thành một ví dụ điển hình trong việc thúc đẩy các sáng kiến giảm mức phát thải ròng xuống mức “0”. Ảnh: VGP

Một nhóm nhà nghiên cứu Việt Nam, Nhật Bản và Malaysia đã xem xét một loạt chính sách phát triển của ba thành phố cam kết giảm mức phát thải ròng xuống mức "0" (Net Zero) vào năm 2050 và xây dựng các kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu này, bao gồm Yokohama và Kitakyushu ở Nhật Bản, và Kuala Lumpur ở Malaysia.

Vì Việt Nam cũng đưa ra cam kết Net Zero tương tự , và bởi “chính quyền các địa phương, dù ở cấp thành phố hay cấp tỉnh, đều có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đạt được mục tiêu chung của quốc gia”, nên các nhà nghiên cứu tin rằng việc đưa ra các gợi ý chính sách cho Đà Nẵng - một trong ba đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương và có những điểm tương đồng với ba thành phố kể trên - có thể giúp Đà Nẵng trở thành một trường hợp tiên phong để tham khảo.

Sau khi phân tích bài học kinh nghiệm của ba thành phố nước ngoài và bối cảnh địa phương của Đà Nẵng, nhóm nghiên cứu đã rút ra một số đề xuất để giảm phát thải cho Đà Nẵng như sau:

Thứ nhất, Đà Nẵng nên triển khai tối đa các giải pháp tiết kiệm năng lượng và điện hóa.

Các thành phố như Yokohama, Kitakyushu và Kuala Lumpur đều đang giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng cách ưu tiên tiết kiệm năng lượng và điện hóa trong các lĩnh vực. Điện hóa được xem là chiến lược quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, vì nó thay thế cho nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm.

Điều này có nghĩa là, Đà Nẵng cũng cần xác định các khu vực tiềm năng để điện hóa - như sản xuất, vận tải và xây dựng - nhằm thay thế năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch trong các quá trình sản xuất công nghiệp, sản xuất điện, sưởi ấm, làm mát, di chuyển v.v.

Theo các nhà nghiên cứu, điện hóa ở Đà Nẵng có thể bắt đầu từ các phương tiện công và giao thông công cộng, bao gồm cả taxi. Mục tiêu hiện tại là 25% xe buýt chạy bằng điện vào năm 2030, tuy nhiên con số này nên được tăng thêm. Thậm chí, Đà Nẵng có thể cân nhắc mục tiêu 100% phương tiện công và đội xe giao thông công cộng chạy bằng điện vào năm 2030.

Đối với việc tiết kiệm năng lượng, một trong những chính sách sắp tới của cả nước là tăng giá điện, với kỳ vọng việc tăng chi phí sử dụng điện sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và hộ gia đình dùng điện một cách hiệu quả hơn. Do vậy, để nhận được sự ủng hộ từ công chúng trong việc tăng giá sắp tới, Đà Nẵng cần đẩy mạnh hoạt động tư vấn và nâng cao nhận thức của mọi người về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ hai, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để tăng tốc quá trình giảm phát thải carbon.

Là một thành phố đang phát triển nhanh chóng, Đà Nẵng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và giảm lượng khí thải từ hệ thống năng lượng.

Vì không có nhà máy điện quy mô lớn nên hiện tại, Đà Nẵng phụ thuộc vào nguồn điện nhập khẩu từ các tỉnh lân cận, như Quảng Nam (đối với thủy điện) và Quảng Trị (đối với điện than). Chính vì thế, Đà Nẵng có thể tăng cường việc tự cung tự cấp điện sạch của mình, bằng cách phát triển điện mặt trời, với tiềm năng điện mặt trời lên tới 1,138 MW trên mái, 394 MW trên mặt đất, và 163 MW trên mặt nước.

Các nhà nghiên cứu khuyến nghị Đà Nẵng đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn về phát triển năng lượng tái tạo, bởi các mục tiêu hiện tại (ví dụ, năng lượng tái tạo chiếm gần 10% tổng cung năng lượng vào năm 2050) được vạch ra trước khi Việt Nam tuyên bố cam kết Net Zero tại COP26 và không thực sự tương xứng với các mục tiêu quốc gia mới cập nhật và tình hình hiện tại.

Nếu Đà Nẵng không thể tự cung cấp đủ năng lượng mặt trời theo nhu cầu thì nên mua năng lượng tái tạo từ các thành phố hoặc đô thị khác. Cụ thể, theo nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp lớn ở Đà Nẵng có thể tận dụng cơ chế hợp đồng mua điện trực tiếp (DPPA) để mua điện mặt trời từ Gia Lai hay điện gió ngoài khơi từ Bình Định. Việc nâng cấp lưới truyền tải kết nối với các tỉnh lân cận là cần thiết để nhập khẩu điện tái tạo.

Trong trường hợp chi phí mua năng lượng thấp hơn chi phí sản xuất ngay tại Đà Nẵng, thành phố có thể sử dụng dư lượng tiết kiệm để tạo ra quỹ phát triển, hỗ trợ cho thành phố hoặc các khu đô thị cung cấp năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Đà Nẵng hiện có hơn 30 địa điểm tiềm năng trong bán kính 50 km, có thể giúp giải quyết vấn đề gián đoạn của năng lượng mặt trời và gió, đồng thời tăng khả năng tiếp nhận năng lượng tái tạo trong nền kinh tế địa phương.

Thứ ba, tăng cường khả năng hấp thụ carbon thông qua hệ sinh thái trên cạn và dưới biển.

Theo các nhà nghiên cứu, Đà Nẵng nằm ở vị trí thuận lợi để tăng cường khả năng hấp thụ carbon cho cả nước thông qua các nỗ lực bảo vệ và trồng mới rừng. Thành phố hiện đang sở hữu khoảng 64.000 hecta rừng, chiếm khoảng 47% diện tích toàn thành phố. Đà Nẵng có thể xem xét việc mở rộng diện tích rừng.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn hệ sinh thái biển cũng góp phần quan trọng vào việc hấp thụ carbon. Thành phố có thể xác định mục tiêu cụ thể cho việc bảo tồn trên cạn và dưới biển, thông qua một tài liệu hướng dẫn riêng hoặc tích hợp vào các văn bản pháp lý hiện hành, như kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, Đà Nẵng cũng cần thúc đẩy việc kiểm soát ô nhiễm từ nước thải công nghiệp và đô thị, đặc biệt là giảm rác thải nhựa đại dương.

Thứ tư, xây dựng một bảng tổng hợp phát thải khí nhà kính cho chính quyền.

Để phát triển chuyên môn liên quan đến việc kiểm soát khí thải và giảm phát thải, nhóm nghiên cứu đề xuất Đà Nẵng nên bắt đầu bằng việc xây dựng một ‘Bảng tổng hợp phát thải khí nhà kính từ hoạt động của chính quyền địa phương (LGO)’.

Bảng tổng hợp này sẽ chỉ bao gồm lượng khí thải từ hoạt động của chính quyền thành phố, thường chiếm 3-7% tổng lượng khí thải của toàn thành phố. Một trong những lợi ích của LGO là giúp xác định vấn đề và cơ hội để cải thiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Các nhà nghiên cứu cho biết, kinh nghiệm của các thành phố Yokohama, Kitakyushu và Kuala Lumpur đều chỉ ra rằng chính quyền địa phương nên đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp giúp giảm phát thải carbon và chia sẻ thông tin đến với người dân và doanh nghiệp, ví dụ triển khai điện mặt trời mái nhà tại các tòa nhà công sở, triển khai các giải pháp công nghệ giúp quản lý tài nguyên tốt hơn v.v.

Những dự án này đều cần đo đếm kết quả giảm phát thải, và một bảng tổng hợp LGO sẽ giúp ích cho quá trình này.

Nghiên cứu đã được công bố trongTuyển tập Khoa học & Công nghệ Nhật Bảnvào tháng 12/2024.


Đà Nẵng rộngkhoảng 1283 km2; dân số 1,2 triệu người (2022), trong đó gần 87% sống ở đô thị.

Cơ cấu công nghiệp chính của thành phố là sản xuất (máy móc, điện tử, đóng tàu, hóa chất, dệt may) và du lịch.

Các ngành phát thải khí nhà kính nhiều nhất tại đây lần lượt là công nghiệp, giao thông và hộ gia đình.