Khi bước chân vào lĩnh vực sách nói có bản quyền, Voiz FM đã mất tới một năm để để cán đích 1 triệu phút nghe được người dùng trả tiền. Nhưng rồi, chỉ sau 5 tháng và 7 tháng, họ đã đạt được hai cột mốc là 10 triệu và 15 triệu phút nghe được trả tiền. Điều đó chứng tỏ Voiz FM đã không đi nhầm đường.
Chúng tôi từng nghi ngờ có đúng không?
Sách nói có bản quyền dường như vẫn chưa mấy phổ biến ở Việt Nam. Người đọc chỉ quen với việc ra cửa hàng mua về một quyển sách, chứ bảo họ bỏ vài chục nghìn ra mua một file nghe trên điện thoại – hình như xa lạ lắm. Lạ bởi vì lên Youtube hay nhiều kênh khác cũng có không ít file nghe như vậy. Nhưng Lê Hoàng Thạch và những cộng sự của mình ở Wewe – startup phát triển ứng dụng sách nói Voiz FM lại quyết định đi ngược lại, bởi họ hiểu rằng, sách nói chắc chắn sẽ là xu hướng của tương lai. Con người bận rộn và họ không có nhiều thời gian để đọc nên có thể nghe khi di chuyển trên đường, đang làm việc nhà, nấu cơm. Và quan trọng hơn, để đi dài, đi xa và mở rộng, họ phải làm sách có bản quyền.
Đội ngũ phát triển Voiz FM. Nguồn: NVCC
“Những người sáng lập của Wewe đều là dân ngoại tỉnh. Những ngày di chuyển từ nhà lên thành phố, chúng mình giết thời gian bằng game và nghe sách. Tuy nhiên, sách nói vào thời điểm đó đều không có bản quyền, chất lượng thấp” – Lê Hoàng Thạch nhớ lại.
Vì thế, đến khoảng năm 2015-2016, đội ngũ sáng lập Voiz FM đã đến gặp các nhà xuất bản để đề nghị cùng làm sách nói có bản quyền nhưng bị từ chối với lý do ‘thị trường chưa đủ lớn’.
Thạch bảo: “Chúng tôi vẫn luôn nghĩ, những gì thuộc về văn hóa, ngôn ngữ thì người Việt cần phải tự tay làm, không nên để tới một ngày các công ty nước ngoài nhảy vào và chiếm lĩnh”. Vậy là cuối năm 2018, startup Wewe ra đời và chín tháng sau đó, VoiZ FM được ra mắt trên hệ thống với khoảng 200 đầu sách.
Chặng đường một năm chỉ kể trong một vài câu nghe có vẻ ngắn ngủi nhưng chứa đựng biết bao mồ hôi công sức. Họ đã đi gặp rất nhiều nhà xuất bản để đề nghị hợp tác mua bản quyền sách nói và không ai nhớ đã nhận được bao nhiêu cái lắc đầu. Nguyên nhân là bởi cảm thấy lợi nhuận thu về từ sách nói không quá lớn như sách giấy, trong khi đó, việc đàm phán bản quyền cũng không phải chuyện dễ dàng. Hoặc có những đơn vị lại cho rằng Voiz FM có thể thu được nhiều lợi nhuận nên hét giá rất cao. Có muôn vàn những cái khó với Voiz FM ở thời điểm đó. Chưa kể tới việc người dùng cũng không nhiều người chấp nhận.
“Trên các kho ứng dụng hay mạng xã hội giới thiệu của Voiz FM, chúng tôi thậm chí nhận được không ít bình luận chê bai “Có vài trăm đầu sách đòi thu tiền”. Có người còn đưa ra một danh sách những nơi đang cung cấp sách nói không bản quyền miễn phí”. – Thạch kể.
Có lẽ những cái khó ấy là sự lý giải hợp lý nhất cho việc, họ mất tới một năm để cán mốc 1 triệu phút nghe có trả tiền. Giữa những cái khó ấy, vẫn có những khách hàng sẵn sàng trả tiền từ ngày đầu tiên. Họ là những người đã quen với việc trả tiền cho nội dung nên nếu có than phiền nào đó, đều kín đáo nhắn rằng “khi nào có sách mới thì nhớ nhắn tin nhé”. Hay như giữa những cái lắc đầu của nhiều nhà xuất bản, Voiz FM đã được sự giúp đỡ nhiệt tình của hai đối tác bản quyền đầu tiên là anh Nguyễn Tuấn Quỳnh – Sài Gòn Book và chị Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp.
Với Voiz FM, họ giống như ngọn hải đăng để mỗi khi cả nhóm gặp khó khăn lại tiếp tục nhẫn nại đi tiếp trên chặng đường mà chính họ là người khai mở.
“Có những khách hàng đã trả tiền cho Voiz FM từ ngày đầu tiên đến tận bây giờ. Họ cũng đã chứng kiến kho nội dung được lấp đầy mỗi ngày. Đó là nỗ lực của cả team trong hơn một năm rưỡi vừa qua. Đến hôm nay, Voiz FM đã không đi nhầm đường” – Lê Hoàng Thạch nói.
Ứng dụng AI trong sản xuất sách nói
Một trong những áp lực của việc sản xuất sách nói đến từ giọng đọc. Rất ít người có giọng đọc đủ tốt để trở thành người đọc sách. Nếu như sách giấy, một nhà in không kịp có thể gửi tới 2-3 nhà in khác thì ở sách nói, nếu người này đọc không kịp, không thể chuyển cho người khác đọc cùng. Những áp lực về tiến độ, chất lượng giọng đọc trở thành một trong những cái khó khiến việc đẩy nhanh số lượng sách nói trên kho ứng dụng của Voiz FM gặp nhiều cản trở.
“Có những người đang đọc được ba phần thì viêm họng. Hoặc phải chờ thêm hoặc chuyển cho người khác đọc lại từ đầu vì một sách không thể có nhiều người đọc’ – Thạch nói. Bởi vậy khi bắt tay vào làm, xây dựng một hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể chuyển văn bản thành giọng đọc là điều mà Wewe đặt ra. Suốt hai năm trời, từ các giọng đọc mẫu có sẵn, đội ngũ phát triển đã tự hào khi “chuyển thể thành công” tới 30% sách giấy thành sách nói mà không nhiều người phát hiện ra.
“Có nhiều khách hàng còn nhắn “giọng đọc hay quá, cho tôi xin số liên lạc” mà không hề biết đó là ‘máy đọc’ không phải người’ – Vị giám đốc điều hành của Wewe tự hào kể. Tất nhiên, để đảm bảo cảm xúc cho người đọc, Wewe không tiết lộ những sách nào do người đọc và sách nào do máy đọc, nhưng Lê Hoàng Thạch vẫn hào hứng kể ra một ví dụ cho thấy, họ đã và đang nỗ lực thế nào trong việc xây dựng ứng dụng sách nói này và phục vụ nhu cầu của người nghe ngày một lớn hơn.
Tất nhiên, hiện nay các sách sử dụng giọng đọc của trí tuệ nhân tạo mới dừng lại ở những sách non-fiction, nhưng Wewe vẫn đang ấp ủ việc có thể chuyển thể được các tiểu thuyết văn học có sắc thái, biểu cảm trong một tương lai không xa.
“Chúng tôi hướng tới việc có thể mã hoá cảm xúc, tức là giọng nói Ai có cảm xúc buồn vui, có nhấn có nhá. Khi đó, người đạo diễn chỉ việc điều khiến cảm xúc theo từng đoạn cho phù hợp” – Lê Hoàng Thạch nói và thừa nhận đây là một câu chuyện tham vọng không biết có được không nhưng “vẫn quyết tâm làm”.
Tham vọng trở thành platform về audio
Khi người viết nhắc lại nhận xét của một người dùng về Voiz FM và một ứng dụng sách nói khác, Lê Hoàng Thạch mau mắn nói rằng việc đó là bình thường vì luôn có người thích có người không thích cách đọc này, giọng đọc kia, rất khó đo đếm được độ thích hay không thích của từng khách hàng.
Với startup này, điều họ quan tâm là các chỉ số có thể đo đếm được ví như số lượng đầu sách trong kho nội dung, lượng khách hàng trả tiền và số lượng phút khách hàng trả tiền. Hiện Voiz FM tự hào có tới hơn 2000 đầu sách và hơn 20.000 khách hàng trả tiền. Tính đến tháng 5/2021, Voiz FM có 15 triệu phút được khách hàng trả tiền. Đáng nói, con số 5 triệu phút tăng trưởng trong vòng hai tháng – một bằng chứng cho thấy Voiz FM đang phục vụ đúng thị hiếu của khách hàng.
“Nhu cầu người dùng rất đa dạng và chúng tôi muốn xây dựng nguồn nội dung đa dạng đủ dữ liệu cho nhu cầu của bất kỳ ai. Ở Voiz FM hiện nay chúng tôi có đủ các hình thức và nội dung để phục vụ khách hàng từ bản dài, bản tóm tắt của một cuốn sách, cuốn truyện, postcard hay truyện thiếu nhi” – anh Lê Hoàng Thạch nói.
Trong tương lai xa hơn, Wewe mong muốn Voiz FM sẽ không đơn thuần dừng lại ở một ứng dụng cung cấp sách nói mà có thể trở thành platform audio bản quyền đầu tiên ở Việt Nam. Theo đó, các đơn vị như nhà xuất bản, công ty sách hoàn toàn có thể đăng tải và kinh doanh các sản phẩm sách nói lên ứng dụng này để bán cho khách hàng. Ngoài ra, Voiz FM cũng có thể trở thành nơi kết nối nhà xuất bản với các giọng đọc, các công ty công nghệ để chủ động hơn trong việc sản xuất.
“Giờ đây Voiz FM đang làm từ A-Z nhưng sau này để kho sách trở nên phổ biến hơn, cần có sự chung tay của mọi người, để cùng nhau chia sẻ thông tin,kiến thức qua âm thanh” – Lê Hoàng Thạch hào hứng nói. Anh tin rằng, khi mà Gen Z - thế hệ lớn lên trong một trường số dần trưởng thành, những ứng dụng sách nói như thế này sẽ trở thành một phần trong cuộc sống, như cách họ đang nghe nhạc hiện nay.
Nhìn lại hơn một năm rưỡi vừa qua, nhà sáng lập Voiz FM tự hào nói rằng, nhìn thấy thành quả đạt được thì cảm thấy được đền đáp. Bởi chỉ cách đây chưa đầy một năm, khi chậm chạp cán mốc 1 triệu phút trả tiền đầu tiên, họ đã từng quay sang hỏi nhau “liệu mình có làm đúng không?”.