Viện Tài nguyên Thiên nhiên (LUKE) tại Phần Lan vừa phát triển thành công một giải pháp canh tác mới – tận dụng và chuyển đổi các thùng container thành trại nuôi cá.

Mỗi hệ thống này có cấu tạo bao gồm cả bể nuôi lẫn công nghệ tái chế nước cần thiết. Thiết kế theo kiểu mô-đun cũng cho phép mở rộng quy mô của những trại nuôi plug-and-play (sẵn sàng hoạt động). LUKE hiện đang nộp đơn xin cấp bằng sáng chế, trong khi công ty Business Finland thuộc Bộ Lao động và Kinh tế Phần Lan (FMEE) thì tài trợ khoảng 378.000€ để giúp thương mại hóa công nghệ này.

Các nhà nghiên cứu tại Phần Lan đang phát triển một hệ thống trại nuôi theo kiểu môđun, làm từ thùng containers. Ảnh: LUKE.

Các nhà nghiên cứu tại Phần Lan đang phát triển một hệ thống trại nuôi theo kiểu môđun, làm từ thùng containers. Ảnh: LUKE.

Ý tưởng cốt lõi đằng sau mẫu concept là tính môđun hóa và khả năng ứng dụng các công nghệ xử lý nước đa chức năng. “Khái niệm môđun giúp tiết kiệm chi phí thiết kế, sản xuất và mua sắm cấu phần, cũng như trong việc thiết lập trại nuôi,” trưởng dự án Tapio Kiuru cho biết trong một thông cáo báo chí.

Hiện tại, một nguyên mẫu trại nuôi đang được thử nghiệm tại Laukaa nhằm kiểm chứng tính khả thi về mặt kinh tế cùng tiềm năng thương mại hóa trong tương lai. “Chúng tôi sẽ tập hợp các mô hình và mạng lưới cộng tác cần thiết để mang đến một mô hình kinh doanh cùng nhiều kế hoạch thương mại hóa để làm nền tảng cho hoạt động kinh doanh mới, dù là của công ty khởi nghiệp hay đã hoạt động lâu năm,” Kiuru lý giải.

Công việc lắp ráp hệ thống trên có thể được thực hiện một cách nhanh chóng, sản xuất từng giai đoạn và mở rộng quy mô một cách linh hoạt. Các nhà nghiên cứu nhận định: mẫu concept trại nuôi môđun cùng giải pháp tái sử dụng nước một phần sẽ đơn giản và dễ triển khai hơn nhiều so với công nghệ tuần hoàn. Từng môđun có thể được vận chuyển dễ dàng tới bất cứ nơi nào, dù trong nhà hay ngoài trời. Chu trình tuần hoàn một phần nhưng đơn giản và đáng tin cậy sẽ giúp giảm thiểu rủi ro canh tác cùng chi phí đầu tư. Ngoài ra, đầu bơm áp lực cực thấp còn mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng.

“Giải pháp của LUKE hoàn toàn có thể phù hợp với một số thách thức chính hiện nay trong nuôi trồng thủy sản tuần hoàn như chi phí đầu tư, thức ăn và nhân công cao,” Kiuru cho biết thêm. Mặc dù đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, song nhiều vấn đề về sinh học và rủi ro kỹ thuật trong các hệ thống RAS hiện vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ngoài ra, chi phí đầu tư cao cũng lại là một thách thức nữa, và nhiều trại nuôi RAS thương phẩm vẫn chứng minh được khả năng sinh lợi.

Hệ thống được thiết kế thuận tiện cho việc di chuyển. Ảnh: LUKE.

Hệ thống được thiết kế thuận tiện cho việc di chuyển. Ảnh: LUKE.

Mẫu concept của LUKE hướng tới tận dụng nguyên tắc “dòng chảy hỗn hợp” (mixed-cell raceway principle), trong khi “công nghệ xử lý và giải pháp tuần hoàn nước mới sẽ đáp ứng được mật độ nuôi và cho ăn cao”. Theo đó, mỗi thùng container sẽ là một đơn vị nuôi hoàn chỉnh và sẵn sàng hoạt động khi được đấu nối tại chỗ với hệ thống điện nước. Việc lắp đặt đường ống ngầm là không cần thiết và tất cả quy trình xử lý nước đều được thực hiện trực tiếp trong bể – mang lại hiệu quả cao và giúp tận dụng tối ưu không gian. Ngoài ra, các môđun cũng có thể được kết hợp để làm thành những hệ RAS đầy đủ hoặc bán phần, tùy theo nhu cầu của khách hàng.