Có lẽ không phải ngẫu nhiên, mà trong tuần qua, đồng thời ba hội thảo về chuyển đổi số diễn ra, từ đối tượng là các doanh nghiệp lớn của câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu LBC, đến cộng đồng khởi nghiệp ở Sihub và nhà khoa học ở Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng.

Từ trái sang: TS. Lương Vũ Ngọc Duy, ông Nguyễn Bá Quỳnh và người điều phối Nguyễn Phi Vân tại cuộc toạ đàm. Ảnh: LBC
Từ trái sang: TS. Lương Vũ Ngọc Duy, ông Nguyễn Bá Quỳnh và người điều phối Nguyễn Phi Vân tại cuộc toạ đàm. Ảnh: LBC

Trong khi đó, hai tập đoàn lớn về viễn thông của Việt Nam cũng đã sẵn sàng cho cuộc chuyển đổi số để đưa chiến lược mới của doanh nghiệp sang mô hình “cung ứng dịch vụ số”.

Công cuộc chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Một cuộc “ăn trưa làm việc” thường kỳ của CLB Doanh nghiệp Dẫn đầu LBC với sự tham gia trao đổi của ông Nguyễn Bá Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty Global CyberSoft, Tiến sĩ trẻ Lương Vũ Ngọc Duy, Giám đốc điều hành Zara Yerntex Co. Ltd, đồng thời là Phó giám đốc chương trình thạc sĩ – Viện John von Neumann và phần dẫn dắt của bà Nguyễn Phi Vân đã đưa ra một bức tranh “chuyển đổi số hay bị bỏ lại” khá thú vị.

Sự khác biệt trong tốc độ

Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng toàn cầu, được ứng dụng trong rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức qua cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Gia tăng lợi nhuận vài trăm phần trăm, tiết kiệm chi phí công nghệ, vận hành hệ thống dữ liệu phức tạp ở mức thời gian thực, chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động, cá nhân hóa cao độ trải nghiệm khách hàng trên nền tảng số với quy mô cực lớn và tốc độ cực nhanh …là những giá trị thu được từ chuyển đổi số.

Theo báo cáo của The Heritage Foundation, một viện nghiên cứu và giáo dục từ Mỹ, công bố tốc độ ứng dụng công nghệ tại nước Mỹ, để điện thoại di động có thể đến với hơn 50% người Mỹ phải mất đến hơn 40 năm, từ năm 1903. Nhưng chỉ mất 2 năm để một nửa dân số Mỹ tiếp cận với những chiếc điện thoại thông minh.

Rõ ràng, sự khác biệt lớn nhất giữa cuộc cách mạng công nghệ số 4.0 so với các cuộc cách mạng khác, đó chính là tốc độ. Công nghệ đang được ứng dụng vào doanh nghiệp càng nhanh, thay vì tính bằng thập kỷ như những cuộc cách mạng công nghệ trước đây, mà chỉ tính bằng năm, thậm chí bằng ngày!

Tuy nhiên, chỉ có 23% số lượng những CEO của các tập đoàn, công ty lớn hiểu được chuyển đổi số là gì và biết được cách dẫn dắt, theo anh Nguyễn Bá Quỳnh, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hitachi Consulting, Tổng giám đốc Global Cybersoft chia sẻ. Từ đây, cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi trong cách quản lý doanh nghiệp. Đó sẽ không còn là từ trên xuống (top down), mà sẽ là cả từ dưới lên (bottom up), từ trên xuống và thương lượng, (negotiation). Sự sáng tạo và chuyển đổi số sẽ phải đi từ tất cả các phòng ban, từ tất cả các nhân viên cho đến cấp quản lý. Tất cả mọi người cùng đưa ra quyết định và các giải pháp với tốc độ càng ngày càng nhanh. Có thể, sẽ có một ngày nào đó, điều này chỉ được tính bằng phút.

CEO của Microsoft, Satya Nadella, trong cuốn sách “Nhấn nút tái tạo” đã chia sẻ hành trình chuyển đổi số cho tập đoàn công nghệ khổng lồ này. Ông đã không hề chuyển đổi bất cứ điều gì về mặt công nghệ. Thay vào đó, ông đã đưa văn hóa học hỏi (learning culture) và tư duy học hỏi (learning mindset) vào trong Microsoft. Từ đó giúp công ty chuyển đổi và đưa tập đoàn nhiều lần vượt mặt Apple về giá trị vốn hóa.

Vậy nên, việc chuyển đổi số không hẳn là điều gì quá khổng lồ, chỉ cần tạo một môi trường cho ai cũng có thể được học, được tiếp cận những điều mới. Để doanh nghiệp có thể đi đầu, không bị chậm chân trong công cuộc chuyển đổi số thì learning mindset là một yếu tố không thể thiếu. Bởi, trong cuộc chuyển đổi số diễn ra trên diện rộng toàn cầu, điều đang cần nhất là nguồn nhân lực có khả năng học và áp dụng công nghệ nhanh nhất.

Điều này cũng tương tự đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Có một thông tin khá bất ngờ: phần mềm quản trị đường sắt ở London hiện nay là do những lập trình viên trẻ Việt Nam đang làm việc với Global Cybersoft thuộc tập đoàn Hitachi Consulting Việt Nam làm ra, theo lời kể của chuyên gia Nguyễn Bá Quỳnh. Đây chính là cơ hội để Việt Nam có thể tăng tốc, rút ngắn khoảng cách phát triển đối với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sự khác biệt về nền tảng

Theo ông Quỳnh, điện toán đám mây chính là nền tảng (platform) cho mọi đột phá cho công cuộc chuyển đổi số. Chúng ta có lẽ cũng đã nghe đến khái niệm platform business, nền kinh tế nền tảng. Ở đó tất cả các giá trị gia tăng được xây dựng nên từ nhiều các nền tảng khác nhau và sẽ có “người xây nền tảng” và “người tạo giá trị gia tăng” từ những nên tảng đó.
Ở một số công ty, robot và trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng vào để xử lý các công việc của con người, từ những việc văn phòng đơn giản cho đến phân tích dữ liệu với độ chính xác gần như tuyệt đối và thời gian chỉ trong vài phút. AI (trí tuệ nhân tạo) không còn là điều viễn tưởng, nó đang diễn ra hằng ngày tại các nước phát triển.

Và với công nghệ điện toán đám mây, cùng với các tập đoàn khổng lồ như Google, Amazon,... đã tạo ra cơ hội cho các nước đang phát triển được tiếp cận với các công nghệ tiên tiến nhất, thay vì chi trả hàng chục triệu đô la để mua như vài năm trước đây. Cuộc chuyển đổi kỹ thuật số trên toàn cầu hiện nay chính là cơ hội lớn cho mọi doanh nghiệp, mọi quốc gia. Với các công nghệ tiên tiến: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, internet vạn vật... những nhà quản trị nên tìm hiểu và thay đổi cách kinh doanh và chính các công nghệ mới sẽ thực hiện mọi việc nhanh hơn, chính xác hơn.

Vậy nên sự khác biệt giữa nền kinh tế của cuộc cách mạng chuyển đổi số và của những cuộc cách mạng công nghệ trước đây đó là việc xây dựng nền tảng trên phạm vi toàn cầu và được dân chủ hóa cho tất cả các nước giàu hay nước nghèo. Và hãy thôi mắc công hỏi, tôi cần, tôi nên ứng dụng không mà phải hỏi: tôi thích nghi thế nào. Với cái điện thoại thông minh trong túi bạn, đã có thể làm mọi thứ với nó, không chỉ chụp ảnh, giao tiếp, mua bán mà tất tần tật. Bạn không chấp nhận và vận dụng thì thua thiệt so với người biết tận dụng thôi.