13 năm trước, hai nhà khoa học Simon Cherry và Ramsey Badawi của Đại học UC Davis (Mỹ) đã đề xuất ý tưởng về một cỗ máy có khả năng quét toàn bộ cơ thể người và tạo ra hình ảnh 3D nhằm giúp các chuyên gia y tế, từ chuẩn đoán tình trạng bệnh cho tới phát triển các loại thuốc mới.

Đến nay, ý tưởng này dường như đã trở thành hiện thực, khi những hình ảnh 3D đầu tiên về toàn bộ cơ thể được máy tạo ra thậm chí còn ấn tượng hơn nhiều so với kỳ vọng của nhóm sáng chế.

Máy quét EXPLORER ra đời từ sự kết hợp của hai kỹ thuật chụp hình ảnh phổ biến trong y khoa: cắt lớp phát xạ positron (PET) và cắt lớp vi tính (CT), có khả năng quét toàn bộ cơ thể người cùng lúc. Và đây cũng mới chỉ là một lợi thế so với các công nghệ quét hiện có khác, khi EXPLORER có thể quét toàn bộ cơ thể chỉ trong 20 – 30 giây, tức nhanh gấp 40 lần so với chụp PET. Ngoài ra, công nghệ này cũng tỏ ra an toàn hơn, khi chỉ đòi hỏi một lượng bức xạ rất thấp – nhỏ hơn nhiều so với một lần chụp PET. Chưa hết, EXPLORER thậm chí còn có thể xuất hình ảnh dưới dạng phim, rất thuận tiện cho các bác sĩ theo dõi đường đi của thuốc trong cơ thể người.


Video hình ảnh 3D do EXPLORER tạo ra. Nguồn: UC Davis.

Cả Cherry và Badawi đều tỏ ra cực kỳ ấn tượng với những hình ảnh 3D đầu tiên thu được từ EXPLORER. “Mặc dù trong suốt nhiều năm, tôi đã luôn cố hình dung, xem những hình ảnh này trông sẽ như thế nào, nhưng thật khó có thể tưởng tượng chúng lại chân thực và chi tiết đến vậy” - Cherry phát biểu trong một thông cáo báo chí. Ngoài ra, Badawi còn bổ sung thêm: “Hiện con người vẫn chưa phát minh ra bất cứ thiết bị nào khác có khả năng tương tự, cho nên đây thực sự là một bước tiến kỳ diệu”.

Cherry tin rằng, những hệ thống EXPLORER này sẽ sớm được triển khai và ứng dụng trên toàn thế giới. Vì thế, hãy xem những video và hình ảnh quét 3D toàn bộ cơ thể đầu tiên này để có cái nhìn thoáng qua về tương lai của lĩnh vực y học hình ảnh.