Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi mạnh mẽ cuộc sống con người theo những cách mà không phải lúc nào chúng ta cũng thấy rõ. Một câu hỏi lớn được đặt ra là: Liệu con người còn có quyền từ chối AI và sống ngoài vòng ảnh hưởng của AI hay không?

Liệu con người còn có quyền từ chối AI
Các khung quản trị AI hiện nay đều nhấn mạnh tới việc sử dụng AI có trách nhiệm, tập trung vào sự công bằng, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Nhưng chúng thường bỏ qua một nguyên tắc quan trọng: quyền tách hoàn toàn khỏi các hệ thống AI mà không bị loại trừ hay chịu bất lợi. Ảnh minh họa: Shutterstock

Nguy cơ đứng ngoài

Từ chối AI không phải là điều đơn giản, bởi AI đã len lỏi vào nhiều hệ thống thiết yếu của xã hội — từ chăm sóc sức khỏe, giao thông, tài chính, đến các quyết định tuyển dụng, xét duyệt đơn thuê nhà, cấp tín dụng và chấm điểm tín dụng. AI cũng chi phối dòng tin người dùng thấy trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến dịch vụ công, và thậm chí định hình cả thông tin xuất hiện khi mọi người tìm kiếm trên internet.

Việc khiếu nại các quyết định mà AI tạo ra trong cuộc sống có thể cực kỳ khó khăn, thậm chí có thể phải cần đến sự can thiệp của tòa án. Càng khó hơn nếu chúng ta muốn sống hoàn toàn không có AI, vì điều đó đồng nghĩa với việc phải rút khỏi phần lớn cuộc sống hiện đại. Ví dụ, người dùng mạng xã hội Facebook ở hầu hết các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) đều không thể từ chối việc Facebook sử dụng dữ liệu công khai của họ (như bài đăng, bình luận, lượt tương tác v.v) để huấn luyện mô hình AIcủa tập đoàn này. Bản thân EU đã mất hơn một thập kỷ để thiết lập các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân cứng rắn, buộc các công ty như Facebook phải cho phép công dân của họ quyền từ chối (opt-out) chia sẻ dữ liệu cá nhân mà vẫn được sử dụng dịch vụ theo các điều khoản chung.

Nhìn chung, các hệ thống do AI điều khiển chứa đựng nhiều thiên kiến – tức là định kiến hoặc sự thiên vị vô thức – do được huấn luyện trên dữ liệu lịch sử vốn đã có thành kiến. Ví dụ, một số công cụ tuyển dụng tự động có thể ưu ái nam giới hơn nữ giới nếu dữ liệu huấn luyện cho thấy trong quá khứ, nam giới được tuyển dụng nhiều hơn. Năm 2018, Amazon đã phải hủy bỏ một hệ thống tuyển dụng AI vì nó đánh giá thấp hồ sơ của phụ nữ ứng tuyển vào các vị trí kỹ thuật.

Tương tự, các hệ thống chấm điểm tín dụng sử dụng AI có thể từ chối cho vay một cách không công bằng đối với những người thuộc nhóm dân cư thiểu số hoặc khu vực địa lý nhất định, dù họ có khả năng trả nợ tốt. Điều này không chỉ do thiên kiến trong dữ liệu mà còn vì nhóm thiểu số thường có hồ sơ tín dụng “mỏng” hơn, tức là ít dữ liệu lịch sử tín dụng, dẫn đến việc dự đoán rủi ro không chính xác và AI quyết định từ chối cho vay. Nếu AI trở thành “người gác cổng” cho các dịch vụ thiết yếu, những người chọn tránh xa AI - chẳng hạn như từ chối cung cấp dữ liệu cá nhân cho AI - có thể sẽ chịu thiệt thòi đáng kể.


Khi AI ngày càng len lỏi vào cuộc sống, vấn đề không chỉ là liệu nó có hoạt động hiệu quả hay không. Mà là liệu chúng ta có quyền quyết định mức độ hiện diện của nó trong cuộc sống mình hay không. Quyền được lựa chọn, được từ chối, là điều cốt lõi để bảo vệ sự tự chủ của con người trong kỷ nguyên số.


Hơn nữa, nhiều người bị gạt ra ngoài lề chỉ vì họ không phù hợp với khuôn mẫu mà AI thiết lập. Trong những trường hợp này, việc đứng ngoài thế giới AI không phải là lựa chọn cá nhân, mà là một vấn đề sống còn giữa một xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Khoảng cách giữa những người thích ứng với AI và những người bị bỏ lại phía sau ngày càng khoét sâu, trở thành một rào cản xã hội nghiêm trọng. Ví dụ, tại Ấn Độ, chỉ 12% dân số từ 15 tuổi trở lên được trang bị các kỹ năng số cơ bản, cho thấy phần lớn dân số vẫn đang chật vật trong việc thích nghi với làn sóng chuyển đổi công nghệ.

Trong một bài viết mới đây trên tờ The Conversation, tiến sĩ James Kang, giảng viên cao cấp chuyên ngành Khoa học máy tính tại Đại học RMIT Việt Nam, nhận định rằng đây không chỉ là vấn đề thiên kiến hay kém hiệu quả, mà nó “phản ánh một sự chuyển đổi xã hội căn bản, nơi những người được kết nối, được tối ưu hóa, và có dữ liệu điện tử mà máy móc có thể truy cập sẽ dần trở thành tầng lớp thống trị – trái ngược với phần còn lại của dân số bị bỏ lại trong vùng tối [của hệ thống số].”

Bài học về sự kiểm soát


Trong suốt chiều dài lịch sử, các tác phẩm khoa học viễn tưởng và thơ ca đã nhiều lần cảnh báo về hiểm họa khi con người giải phóng những lực lượng vượt khỏi tầm kiểm soát của mình. Ngày nay, AI là lực lượng không thể kiểm soát. Chúng có thể làm cho cuộc sống tiện lợi hơn bao giờ hết, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro nghiêm trọng khi vượt khỏi tầm tay.

Vấn đề không chỉ là an toàn mà còn là tự do. Như nhà sử học Yuval Noah Harari từng nhắc nhở trong cuốn sách ‘Nexus: Lược sử của những mạng lưới thông tin từ Thời đại Đồ đá đến Trí tuệ nhân tạo’ rằng “đừng bao giờ triệu hồi một sức mạnh mà ta không thể kiểm soát được”. Khi AI ngày càng len lỏi vào cuộc sống, vấn đề không chỉ là liệu nó có hoạt động hiệu quả hay không. Mà là liệu chúng ta có quyền quyết định mức độ hiện diện của nó trong cuộc sống mình hay không. Quyền được lựa chọn, được từ chối, là điều cốt lõi để bảo vệ sự tự chủ của con người trong kỷ nguyên số.

Chẳng hạn, người dùng mạng xã hội liệu có thể bật một chế độ ‘Incognito’ (ẩn danh) để tiếp cận các luồng thông tin mới - không bị thuật toán chi phối bởi sở thích, nhóm cá nhân hay lịch sử tương tác trước đó - nhằm thoát khỏi “bong bóng lọc” thông tin khép kín và mở rộng tiếp xúc với các quan điểm đa dạng hơn? Nếu có một cơ chế để tắt chế độ AI hoặc thay đổi cách thức thông tin được gợi ý, con người sẽ có cơ may phá vỡ vòng kiểm soát vô hình của AI, mở rộng phạm vi tư duy và gìn giữ sự độc đáo của từng cá thể.

Dù hầu hết các khung quản trị AI đều nhấn mạnh tới việc sử dụng AI có trách nhiệm, tập trung vào sự công bằng, minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhưng chúng thường bỏ qua một nguyên tắc quan trọng: quyền tách hoàn toàn khỏi các hệ thống AI mà không bị gạt ra ngoài lề hay chịu bất lợi.

Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng cần tạo ra các chính sách không chỉ điều chỉnh AI mà còn tôn trọng tự do cá nhân. Mọi người cần có lựa chọn sống không phụ thuộc vào AI mà không bị phân biệt đối xử hay bị tước quyền tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, dù là trong y tế, giáo dục, tài chính v.v

Hơn nữa, dù việc từ chối AI có là một lựa chọn hay không, thì trước hết, mọi người cần được tiếp cận với ‘bình dân học vụ số’ để hiểu cách các hệ thống AI đang tác động đến cuộc sống của họ và có công cụ cần thiết để chất vấn nếu muốn. Việc đảm bảo rằng người dân biết cách sử dụng và kiểm soát những công nghệ đang định hình thế giới là điều thiết yếu để duy trì lợi ích và tự do trong kỷ nguyên số.

Chúng ta hiện không có một nút tắt khẩn cấp để bật-tắt AI khi cần. Giống như điện, nước hay internet, AI đang trở thành một phần cốt lõi của cuộc sống hiện đại, không thể đảo ngược chúng mà không gây ra một gián đoạn lớn. Vì vậy, khi AI thâm nhập vào từng ngóc ngách của cuộc sống, chúng ta cũng cần tạo ra các lựa chọn tương xứng để đối mặt với một tương lai khi AI trở nên ngoài tầm kiểm soát.

Theo The Conversation, Stanford HAI, Technology Review

Bài đăng KH&PT số 1344 (số 20/2025)