Khu vực công đã tham gia tích cực vào quá trình ươm tạo startup, nhưng liệu khu vực này có sẵn sàng nuôi dưỡng startup bằng những khoản đầu tư “mạo hiểm” tiếp theo?

Vườn ươm khởi nghiệp BSSC tại TPHCM là một trong những nơi tham gia vào chương trình SpeedUp. Ảnh: BSSC
Vườn ươm khởi nghiệp BSSC tại TPHCM là một trong những nơi tham gia vào chương trình SpeedUp. Ảnh: BSSC

Việt Nam đang chi tiêu ngày càng nhiều cho việc nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vì chính quyền trung ương hy vọng rằng việc tăng hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân độc đáo này có thể giúp tạo ra cơ hội tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Cả nước hiện có hơn 200 vườn ươm và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, phần lớn đều được hình thành theo Chương trình Đề án 844 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Dọc theo chiều dài đất nước đã xuất hiện một vài trung tâm khởi nghiệp lớn, trong đó chương trình tăng tốc khởi nghiệp SpeedUp của Sở KH&CN TPHCM đã đầu tư hơn 33 tỷ đồng vào hàng chục dự án trong các ngành công nghiệp mới nổi. Ở miền Trung, chính quyền Huế cũng thiết lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế (HSF) với năng lực đầu tư tối đa 2 tỷ đồng/dự án, bắt đầu từ năm 2021.

Đầu tư của chính phủ vào các công ty trẻ là một phần trong nỗ lực lớn hơn để giảm sự phụ thuộc của đất nước vào đầu tư tài sản cố định và phát triển một nền kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo thiết kế của Đề án 844, các nguồn lực của nhà nước sẽ đổ xuống các tổ chức trung gian như vườn ươm và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, từ đó kiến tạo môi trường thuận lợi giúp các dự án khởi nghiệp phát triển. Các doanh nghiệp sẽ được hưởng hỗ trợ của chính phủ thông qua những ưu đãi về không gian làm việc, tiền thuê đất, ưu đãi thuế, dịch vụ tư vấn, đăng ký sở hữu trí tuệ, kết nối thị trường cung cầu, gặp gỡ nhà đầu tư…

Năm ngoái, hàng trăm công ty đã nhận được dịch vụ từ các vườn ươm do chính phủ điều hành. Họ thuộc các ngành công nghiệp chiến lược như IT, tự động hóa, công nghệ sinh học, sản xuất thiết bị tiên tiến, giáo dục, thương mại, truyền thông, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ - dự án của tương lai?

Trong thiết kế của mình đến năm 2025, Đề án 844 có nhắc đến việc xem xét khả năng thiết lập một quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ. Tuy nhiên điều này có vẻ không dễ dàng. Cơ chế hiện nay không cho phép nhà nước tham gia đầu tư trực tiếp cho startup kể cả thông qua hình thức hợp tác với một quỹ tư nhân, mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành nghị định 38 cho phép “sử dụng ngân sách địa phương đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo”.

Lý do rất đơn giản, vì đặc điểm của khởi nghiệp là phần lớn các dự án thất bại. Cơ quan nào quản lý các dự án thất bại sẽ bị coi là vi phạm luật ngân sách nhà nước, Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ trong một buổi trò chuyện với Khoa học & Phát triển hồi năm 2019 và thường xuyên nhắc lại trong những năm tiếp theo.


Vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam qua các năm. Nguồn: Nextrans
Vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam qua các năm. Nguồn: Nextrans

Trong khi đó, ở khu vực tư nhân, việc ươm tạo đang tiến xa hơn nhờ được tích hợp với những thể chế đầu tư mạo hiểm (Ventures Capital). Thành lập năm 2015, Vietnam Silicon Valley (VSV) - vươn ươm startup tư nhân đầu tiên của Việt Nam - đầu tư cho các startup nổi trội thông qua quỹ VSV Capital. Quỹ này có khả năng rót từ 30.000-50.000 USD tiền mặt để đổi lấy 7-10% vốn chủ sở hữu của các công ty khởi nghiệp. Vì tập trung vào các công ty đang ở giai đoạn pre-seed và seed để giúp họ nhanh chóng xác nhận khả năng tồn tại của sản phẩm và mô hình kinh doanh trước khi mở rộng quy mô, nên chỉ sau vài năm, các công ty trong danh mục đầu tư mạo hiểm có thể tăng mức định giá thị trường từ 5-10 lần, đem lại lợi nhuận cho cho các nhà đầu tư.

Việc cấp một lượng ‘vốn mồi’ nho nhỏ cho các startup giai đoạn đầu không chỉ giúp cho những công ty này sống sót mà còn có cơ hội để vươn lên mạnh mẽ. “Chúng tôi cho rằng đã ươm tạo thì phải đầu tư, nếu không sẽ chỉ như dạy chay, các startup không phát huy được thế mạnh”, bà Thạch Lê Anh, đồng sáng lập VSV chia sẻ tại diễn đàn cấp cao ‘Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Đồng bằng sông Hồng’ diễn ra vào chiều 11/5 tại TP Nam Định.

Từ năm 2021, còn xuất hiện các quỹ đầu tư VSV-Nghệ An Ventures xây dựng theo mô hình được chuyển giao của VSV cho các startup người Nghệ An có ý tưởng đột phá. Hay như quỹ BK Fund do các doanh nhân, các cá nhân có “gen” từ Đại học Bách khoa Hà Nội đầu tư, góp vốn. Bản thân những quỹ cộng đồng này còn rất non trẻ và thường bắt tay với một số vườn ươm uy tín để theo sát các startup trong quá trình ươm tạo. Họ cũng thường đi cùng với các quỹ đầu tư chuyên nghiệp để chia sẻ rủi ro thông qua việc đồng đầu tư.

Một số tập đoàn lớn đã triển khai các đơn vị đầu tư mạo hiểm để tìm kiếm lợi nhuận tài chính và các công nghệ mới. Chẳng hạn, FPT ra mắt FPT Ventures nhằm cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp gọi vốn seed hoặc series A trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mobile, Internet, tài chính.

Có thể nói, trong hơn nửa thập kỷ qua, khu vực công của Việt Nam đã làm rất tốt việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua các khoản đầu tư gián tiếp. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo này, nhiều chuyên gia tin rằng chính quyền có thể tạo được tác động mạnh mẽ hơn bằng cách khơi thông các nguồn tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp.

Điều này đã được chứng thực thông qua một vài mô hình ở địa phương. Chẳng hạn, chương trình SpeedUp của Sở KH&CN TP.HCM tạo hiệu ứng cực kì tốt trong việc thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân: 1 đồng hỗ trợ của nhà nước gọi được 6 đồng đầu tư từ bên ngoài.

Bà Phan Thị Quý Trúc, Phó phòng Công nghệ và Thị trường Công nghệ, Sở KH&CN TP.HCM cho biết, từ năm 2017 tới nay, trong gần 60 dự án đã được SpeedUp nghiệm thu, có 9 dự án gọi được vốn cho giai đoạn tiếp theo (tức 15% số dự án) với tổng vốn huy động được là khoảng 20 tỷ đồng - gấp 5,7 lần so với phần kinh phí hỗ trợ trước đó của chương trình là khoảng 3,5 tỷ đồng.

SpeepUp đã “tiêu tiền” ngân sách để hỗ trợ kinh phí phát triển dự án cho các startup với hình thức nhiệm vụ KH&CN và thông qua các vườn ươm, trung tâm tăng tốc khởi nghiệp. Mỗi dự án có thể nhận hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng trong thời gian 2 năm, miễn sao họ có các sản phẩm ở TPHCM và có tiềm năng mở rộng ra những thị trường mới.

Những khoản đầu tư này có tính chất “mạo hiểm” vì không phải mọi dự án đều tiếp tục gọi vốn thành công, nhưng mặt khác cũng mang tính “hỗ trợ” rất lớn và tránh được những ràng buộc cứng nhắc của các quy định.

SpeedUp ra đời trong tình thế khu vực tài chính công chưa sẵn sàng chấp nhận rủi ro, nhưng đã nhìn thấy được tiềm lực to lớn của sự đổi mới sáng tạo. Trong 6 năm, mô hình này mới chỉ được triển khai ở một địa phương có hệ sinh thái năng động nhất cả nước, nhưng những người vận hành cho rằng hoàn toàn có thể nhân rộng ra nhiều tỉnh thành khác.

Còn nhiều cơ chế mới đang chờ các địa phương khám phá. Các tỉnh, thành có thể trực tiếp, gián tiếp hoặc kết hợp với khu vực tư nhân để thiết kế ra những chương trình hỗ trợ startup mới.

Doanh nghiệp nhà nước cũng có thể tham gia vào cuộc chơi đầu tư mạo hiểm nếu gỡ bỏ được những rào cản về pháp lý, cho phép họ giải phóng những quỹ khoa học và công nghệ trị giá hàng trăm tỷ đồng đang ngủ yên.

Và ở cấp quốc gia, nhiều startup đang hi vọng vào sự xuất hiện của một quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ.