Một giám đốc điều hành của Huawei vừa cho biết, gã khổng lồ viễn thông này đang trong quá trình ra mắt hệ điều hành Hongmeng của riêng mình, để thay thế hệ điều hành Android sau khi bị Mỹ cấm vận.

Andrew Williamson, phó chủ tịch quan hệ công chúng và truyền thông của Huawei Technologies Co Ltd, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày hôm qua rằng công ty có thể sẽ đăng ký nhãn hiệu Hongmeng, hệ điều hành có thể tung ra trên một triệu thiết bị ở Trung Quốc.

Tháng trước, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa Huawei vào danh sách đen: cấm tập đoàn này làm ăn với các công ty công nghệ của Hoa Kỳ. Google đã đình chỉ quyền truy cập của Huawei vào các bản cập nhật của hệ điều hành Android. Các nhà cung cấp và thiết kế chip như Qualcomm, Intel, ARM cũng cắt nguồn cung cấp cho Huawei, tuân thủ các cấm vận từ chính phủ Mỹ.

Series điện thoại P30 mới ra mắt của Huawei.

"Huawei đang trong quá trình ra mắt một hệ điều hành thay thế", Williamson cho biết. "Đây không phải điều mà chúng tôi muốn làm, chúng tôi rất vui khi được là một thành viên của gia đình Android. Nhưng Hongmeng hiện nay đang được thử nghiệm, chủ yếu ở Trung Quốc. Tôi tin rằng Hongmeng đang được tung ra trên một triệu thiết bị".

Williamson nói rằng nếu căng thẳng thương mại leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện thì Hongmeng sẽ sẵn sàng để đi vào hoạt động trong vài tháng. Dữ liệu từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới cho thấy Huawei, nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới, đã đăng ký nhãn hiệu Hongmeng ở một số quốc gia.

Williamson nói các nhà sản xuất chip hiểu rằng cắt đứt kinh doanh với Huawei có thể gây ra hậu quả "thảm khốc" cho việc kinh doanh của họ. "Chúng tôi không yêu cầu riêng một ai vận động hành lang cho mình. Họ tự làm như thế từ sự thúc bách của bản thân vì đối với nhiều người trong số họ, Huawei là một trong những khách hàng lớn", ông nói.

Williamson cho biết ông dự kiến tăng trưởng doanh thu năm 2019 sẽ gần như không đổi ở mức khoảng 20%, so với mức tăng trưởng 19,5% năm ngoái. Hồi tháng 3 Huawei cho biết: ba nhóm kinh doanh chính của họ (mạng viễn thông, phần cứng và phần mềm cho doanh nghiệp, thiết bị điện tử) có thể sẽ tăng trưởng ở mức hai con số trong năm nay. Cụ thể, doanh thu của hãng trong quý I của năm nay tăng 39% so với năm ngoái, đạt mức 179,7 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 26,81 tỷ USD).

Một camera giám sát bên cạnh một tấm biển Huawei bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh. Ảnh: WashingtonPost.

Ngày càng có nhiều lo ngại đối với các thiết bị mạng và các thiết bị của Huawei nói chung từ các chính phủ trên khắp thế giới. Đến thời điểm này, nhiều quốc gia đã cấm các công ty viễn thông sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng di động thế hệ tiếp theo, 5G. Mỹ và Úc đã cấm Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G và Canada đang trong quá trình cân nhắc. Một số nhà mạng viễn thông châu Âu cũng tỏ ra lo ngại và xem xét loại bỏ thiết bị Huawei. Ví dụ như nhà mạng BT của Anh thậm chí đã loại bỏ các thiết bị Huawei khỏi các bộ phận chính của mạng 4G. Hoa Kỳ thì cáo buộc hệ thống "cửa sau" trong các bộ định tuyến, thiết bị chuyển mạch và các thiết bị khác có thể cho phép Trung Quốc theo dõi thông tin liên lạc của Hoa Kỳ.

Huawei đã nhiều lần phản đối các cáo buộc rằng sản phẩm của họ là mối đe dọa an ninh. “Bảo mật và bảo mật không gian mạng là ưu tiên hàng đầu của Huawei”, theo Mika Laudhe, Phó Chủ tịch về An ninh mạng, quyền riêng tư và đối ngoại toàn cầu của Huawei Technologies.

Nguồn: