Trận động đất Hanshin tháng 1/1995 gây thiệt hại vật chất nặng nề tại Kobe, trong đó hệ thống cung cấp nước của thành phố bị hư hỏng nặng, thành phố rơi vào tình cảnh thiếu nước trầm trọng trong nhiều ngày.

Khu cảng Kobe lung linh vào buổi tối. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Khu cảng Kobe lung linh vào buổi tối. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Việc vận chuyển nước bằng xe bồn chỉ cung cấp được lượng nước hạn chế, giao thông bị hư hỏng nặng do động đất khiến cho ôtô chở nước không di chuyển được vào trung tâm thành phố, đặc biệt những khu đông dân cư.

Những trục trặc lộ rõ sau thảm họa Hanshin đã khiến thành phố nhận ra nhu cầu phải cải thiện hệ thống cung cấp nước.

Tháng 7/1995, chính quyền thành phố Kobe đã xúc tiến kế hoạch cơ bản xây dựng “hệ thống cung cấp nước công suất lớn chống động đất.”

Mục tiêu của kế hoạch này là xây dựng một hệ thống ngầm cung cấp nước có khả năng trữ nước và công suất dẫn nước lớn, ít chịu tác động của thảm họa, giảm thiểu rủi ro phát sinh bằng cách không tập trung hạ tầng thiết yếu về một điểm và có thời gian khôi phục nguyên trạng ngắn nhất.

Hệ thống đường ống dẫn nước công suất lớn được khởi công và hoàn thành giai đoạn một, phần dẫn nước từ ranh giới thành phố Ashiya đến đường ống sông Sumiyoshi vào năm tài chính 2002, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 30/6/2003.

Sau khi công việc sửa chữa điểm giao nhau Motoyama hoàn tất, hoạt động dẫn nước từ hệ thống dẫn công suất lớn đến các đường ống ngầm còn lại bắt đầu được khởi công từ ngày 17/1/2007.

Hiện tại, phần ống dẫn từ sông Sumiyoshi đến nhà máy lọc nước Okuhirano vẫn đang trong quá trình xây dựng và chính quyền đang cân nhắc xây dựng phần đường ống đến trạm bơm Myodani ở quận Tarumi.

Hệ thống đường ống ngầm dẫn nước công suất lớn được xây dựng với mục tiêu tạo ra hệ thống cung cấp nước dự phòng trong trường hợp hệ thống hiện nay bị hỏng hoặc trong quá trình sửa chữa.

Việc đường ống dẫn nước chạy ngầm nhằm loại trừ khả năng hoạt động phân phối nước bị ảnh hưởng trong trường hợp xảy ra đình trệ giao thông do hậu quả của các thảm họa.

Một điều quan trọng nữa là việc xây dựng bể chứa dung tích lớn trong khuôn khổ hệ thống ngầm, dự trữ lượng nước đủ khả năng cung cấp cho người dân Kobe trong 12 ngày.

Ông Tadahiro Nagasato, Phòng Xây dựng của Trung tâm quản lý làm sạch nước, Nhà máy nước thành phố Kobe cho biết căn cứ vào dân số hiện nay của Kobe, nếu một người dùng 3 lít nước một ngày thì hệ thống này trữ được 59.000 tấn nước, đủ cho toàn bộ dân thành phố dùng trong 12 ngày.

Ông nhấn mạnh hệ thống đường dẫn được thiết kế chịu được trận động đất với quy mô tương đương với thảm họa 1995.

Có thể nói sau thảm họa động đất Kobe, Nhật Bản đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Một trong những bài học lớn nhất là chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó trong tình huống xấu nhất cho người dân tại các khu vực dễ xảy ra thảm họa, trong bối cảnh Nhật Bản nằm gần nơi giao nhau của hai thềm lục địa, vì vậy phải hứng chịu khoảng 20% số trận động đất mạnh nhất thế giới.

Việc xúc tiến kế hoạch xây dựng “hệ thống cung cấp nước công suất lớn chống động đất” tại Kobe, song song với việc cải tiến triệt để hệ thống xử lý nước thải ở khu vực này, đều là những chương trình lớn của chính quyền thành phố.

Thông qua những dự án này, thành phố Kobe không chỉ xây dựng được một mạng lưới hạ tầng có khả năng chống chịu động đất, mà nhận thức của công chúng đối với các nguy cơ cũng ngày càng được nâng cao. Điều này cũng góp phần tạo ra khả năng phục hồi nhanh chóng cho thành phố Kobe sau thảm họa động đất kinh hoàng năm 2005.

Không những thế, Kobe là một trong những thành phố hàng đầu thế giới với những công trình hạ tầng được thiết kế mang tính đại chúng cao.

Bài học phát triển hạ tầng chất lượng cao sau thảm họa ở Kobe cũng giúp ích rất nhiều cho Nhật Bản khi giải quyết các vấn đề liên quan sau vụ động đất-sóng thần hồi tháng 3/2011./.