Vấn đề các nhà lập trình lừa tiền người dùng khi bán những ứng dụng “quảng cáo một đằng, làm một nẻo” lại một lần nữa dấy lên khi trên trang Medium.com có nhắc tới một ứng dụng lừa đảo do nhà lập trình Việt Nam viết. Tuy nhiên, người dùng liệu có dễ dàng bị mắc bẫy?

Kiếm 1,8 tỷ đồng/tháng từ App Store

Theo như bài viết được đăng tải trên trang Medium.com của tác giá Johnny Lin, ứng dụng có tên “Mobile protection :Clean & Security VPN” do nhà phát triển có tên “Ngan Vo Thi Thuy” mới được đánh giá muộn nhất là cách đây 2 tháng nhưng đã kiếm ra được khoảng 80.000 USD/tháng (tương đương 1,8 tỷ đồng/tháng) – lọt top những ứng dụng kiếm được nhiều tiền nhất trên App Store.

Tuy nhiên, khi kiểm tra ứng dụng này, tác giá Johnny Lin thấy có rất nhiều điểm nghi vấn: nhà sáng lập không nêu tên công ty mình đang làm việc trong khi muốn truy cập mọi lưu lượng internet của người dùng tải ứng dụng về; phần giới thiệu “nói một đằng, làm một nẻo” khi ảnh chụp màn hình khẳng định là “quét bảo mật internet nhanh và đầy đủ” để “bảo vệ bạn khỏi các liên hệ trùng lắp". Không hề có mối liên quan nào!

Ngoài ra, tác giả Lin còn nhận thấy nhiều vấn đề khi xem tới phần đánh giá của người dùng. Hầu hết mọi đánh giá đều cho ứng dụng 5 sao tuyệt đối, nhưng thời gian những đánh giá này xuất hiện chỉ sau khi ứng dụng lọt vào danh sách ứng dụng kiếm tiền nhiều nhất ngày 20/4.

Tới phần kiểm tra tính năng của ứng dụng thì những tính năng ứng dụng đưa ra hoặc vô dụng, không liên quan, hoặc dẫn người dùng tới một thông báo “bạn sẽ trả 99,99 USD cho 7 ngày đăng ký”. Và đây được cho là cái bẫy để dụ người dùng không tinh ý. Chỉ bằng một nút bấm, cứ sau 7 ngày, bạn phải trả một khoản tiền là gần 100 USD.


Ứng dụng Mobile protection :Clean & Security VPN lọt top ứng dụng kiếm nhiều tiền nhất.

Các kịch bản đặt ra

Theo người viết bài Johnny Lin, sở dĩ người dùng bị móc túi vì đã tin tưởng những ứng dụng lên top tìm kiếm dựa trên hoạt động của search ads (quảng cáo tìm kiếm) trên AppStore.

Search ads là một cách thức mới để các nhà phát triển có thể quảng bá ứng dụng iOS của họ trên App Store. Hệ thống tìm kiếm của App Store sẽ xác định mức độ liên quan giữa quảng cáo của bạn với truy vấn tìm kiếm của người dùng, và nó sẽ hiển thị quảng cáo của bạn nếu nó cảm thấy chúng phù hợp. Đây là một trong những công cụ quảng cáo cực kì quan trọng đối với các nhà xuất bản ứng dụng và các nhà tiếp thị, vì theo thống kê có tới 65-80% ứng dụng được cài đặt thông qua truy vấn tìm kiếm của người dùng trên App Store hoặc Google Play.

Tuy nhiên, một số ý kiến được đăng tải trên cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam Launch cho rằng việc một ứng dụng “lừa đảo” kiếm được 1,8 tỷ đồng/tháng thực ra là để che giấu cho hoạt động rửa tiền bất hợp pháp. Tài khoản facebook Tai Tran cho rằng đây là hành động “chuyển tiền từ thẻ này sang thẻ khác”. Có nghĩa là sau khi ăn cắp được thông tin tài khoản người dùng, những kẻ lừa đảo hợp thức hóa số tiền chúng lấy được từ các tài khoản ngân hàng nạn nhân bằng việc mua một ứng dụng vô thưởng vô phạt.

Cũng có ý kiến cho rằng đây là việc “thuận mua vừa bán” bởi trong quá trình tải ứng dụng về, trên ứng dụng có xuất hiện các thông báo có nội dung lựa chọn. Người dùng, theo thói quen bỏ qua các bước khi cài đặt, đã vô tình đồng ý với các điều khoản của nhà phát triển và họ phải chịu trách nhiệm về hệ quả của việc đó.

Có 2 luồng ý kiến về hậu quả của hành vi này. Tài khoản facebook Duc Le cùng nhiều người khác cho rằng đây là một hành động đáng xấu hổ và có thể dẫn tới hệ lụy vô cùng lớn là các nhà đầu tư không còn dành cho các startup Việt Nam những cái nhìn thiện cảm, từ đó ảnh hưởng tới môi trường đầu tư cũng như sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.

Nick facebook Vu Ngo thì cho rằng: “Về lâu dài nếu tràn lan (hiện tượng lừa đảo như trên) sẽ tạo nên sự kì thì đối với cộng đồng lập trình app Việt Nam nói riêng và tên Việt Nam nói chung”. Thậm chí có người còn nghĩ tới viễn cảnh “đen tối” khi App Store đóng cửa vĩnh viễn với các nhà lập trình tới từ Việt Nam.

Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng lập luận như trên là hơi thái quá. “…Cho nên nếu nói là để quơ đũa các ứng dụng từ Việt Nam thì hơi quá” và rằng những lập trình viên nghiêm túc không có gì phải lo cả. “Có thể là Apple tiến hành dẹp hết mấy app kiểu này hoặc là siết chặt khâu kiểm định app trước khi đưa ra giới thiệu cho người dùng thôi” – nick Anh Khoi cho hay.