Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm gia tăng khoảng cách giữa các nhóm xã hội và các nước trên thế giới, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam phát triển một nền kinh tế bao trùm hơn nếu có những chính sách kiểm soát AI phù hợp.

Việt Nam có thể bứt phá trong nông nghiệp thông qua việc dùng AI để đánh giá, điều chỉnh và dự báo quá trình chăn nuôi, trồng trọt.
Việt Nam có thể bứt phá trong nông nghiệp thông qua việc dùng AI để đánh giá, điều chỉnh và dự báo quá trình chăn nuôi, trồng trọt.

Nguy cơ gia tăng bất bình đẳng do AI

Trong hội thảo công bố Báo cáo Phát triển Con người (HDR) 2025: “Vấn đề lựa chọn: Con người và các cơ hội trong kỷ nguyên AI” gần đây do UNDP thực hiện, bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Tăng trưởng Bao trùm của tổ chức này cho biết AI có thể khoét rộng thêm sự bất bình đẳng giữa các nước phát triển và đang phát triển, theo cách mà người ta không ngờ tới.

Không ngờ là bởi 21.000 người, ở 36 nước khác nhau tham gia khảo sát trong phạm vi báo cáo đều “đều khá lạc quan về tác động cũng như tính hữu ích của AI” - bà Đỗ Lê Thu Ngọc nhận định. Đặc biệt, theo bà Thu Ngọc, riêng với các nước đang phát triển (có chỉ số phát triển con người thấp và trung bình) lại có sự lạc quan “rất cao” về việc ứng dụng công nghệ này.

Tuy nhiên, đi sâu vào thực tế, những người viết báo cáo lại thấy bức tranh không lạc quan đến vậy. Những nước có chỉ số phát triển con người cao (HDI cao - thường là những nước phát triển) có mức độ sẵn sàng với AI cao hơn so với các nước có HDI thấp trên nhiều khía cạnh bao gồm: khung pháp lí, khả năng ứng dụng của AI trong khu vực công, kỹ năng của người sử dụng AI. Nói cách khác, các nước phát triển có thể tận dụng ưu thế của AI tốt hơn và càng bỏ xa những nước đang phát triển. Đó còn chưa kể, những nước đang phát triển, thường có xu hướng ứng dụng các công cụ AI của các nước phát triển thay vì phát triển công cụ của riêng mình, đứng trước những nguy cơ bị áp đặt thông tin, văn hóa, quan điểm chưa chắc đã phù hợp với điều kiện và bối cảnh của mình. “Những câu trả lời của ChatGPT thường phản ánh quan điểm cũng như các đặc điểm văn hóa của những người dân ở các nhóm nước có HDI cao… Như vậy, tiếng nói của ai sẽ được đưa vào trong câu trả lời của ChatGPT? Những người ở các nhóm yếu thế, những câu hỏi và quan điểm, suy nghĩ của họ có được đưa vào trong các câu trả lời hay không?” - bà Thu Ngọc lo ngại.

Không chỉ giữa các quốc gia, khoảng cách số giữa các nhóm xã hội trong cùng một nước cũng có thể gia tăng, khi các nhóm vốn dễ bị tổn thương như phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi hay người khuyết tật càng dễ bị bỏ lại phía sau. Trong quá trình tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng số cho Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), nhận thấy “trước đây công nghệ chỉ tầm vừa vừa thì các bạn có thể học công nghệ số tương đối đơn giản. Nhưng bây giờ công nghệ càng ngày càng phát triển, các bạn không có đủ thời gian [theo kịp] các thay đổi hằng ngày”. Trong khi trước kia nhiều người khuyết tật có thể kiếm sống bằng công việc lập trình website thì giờ đây AI hoàn toàn có thể đảm nhận công việc này, làm thu hẹp đáng kể số lượng công việc vốn đã ít ỏi của những người khuyết tật.

AI phục vụ phát triển kinh tế bao trùm

Tuy vậy, nếu nhận ra những nguy cơ này, Việt Nam có thể “lật ngược thế cờ”, tận dụng AI không chỉ dừng lại ở việc tăng trưởng GDP mà hướng đến một nền kinh tế bao trùm hơn: “Những bất bình đẳng trong xã hội Việt Nam hiện nay đem đến cả thách thức lẫn cơ hội trong việc dùng AI để hướng đến sự thịnh vượng và phát triển một cách nhân văn. [...] Vấn đề không nằm ở cách nhìn lạc quan về công nghệ này mà phải biết làm thế nào để Việt Nam sử dụng được nó, xây dựng các chiến lược, tăng cường phối hợp và triển khai để biến nó thành một động lực chuyển đổi sự phát triển đất nước”, GS. Jonathan London, Cố vấn Kinh tế UNDP, cho biết.

Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam không nhất thiết phải sáng tạo ra những sản phẩm AI để cạnh tranh với các tập đoàn trên thế giới khổng lồ về cả vốn lẫn công nghệ mà tìm đến những lĩnh vực ngách mà Việt Nam đang có lợi thế so sánh để phát triển các ứng dụng dựa trên trí tuệ nhân tạo. Mặc dù rất nhiều người đang phấn khích với việc tận dụng AI trong những ngành thời thượng như chip và bán dẫn, nhưng một lĩnh vực mà chúng ta thường xuyên xem nhẹ là nông nghiệp, nơi vẫn có nhiều dư địa để Việt Nam bứt phá thông qua việc dùng AI để đánh giá, điều chỉnh và dự báo quá trình chăn nuôi, trồng trọt.

Quan trọng không kém việc tạo ra những phát minh liên quan đến AI, đó là cách thực hành công nghệ này để càng nhiều người, ở càng nhiều điều kiện kinh tế đều có thể hưởng lợi từ nó. Một trong những gợi ý của GS. Jonathan London là dùng AI để tăng năng suất lao động trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh chỉ số này ở Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Để làm được điều đó, cần nỗ lực lớn trong việc đào tạo và cả đào tại để lực lượng lao động có thể tận dụng được công nghệ này. Điều này đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh già hóa dân số, người cao tuổi cũng tham gia thị trường lao động. Hiện nay, ước tính chỉ 30% những người tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin được đào tạo đầy đủ về AI.

Buổi đào tạo kỹ năng AI cho cán bộ, công chức TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuối năm ngoái. Ảnh: Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh
Buổi đào tạo kỹ năng AI cho cán bộ, công chức TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuối năm ngoái. Ảnh: Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh

Không chỉ dừng lại ở việc đào tạo để người lao động biết tận dụng AI, Việt Nam có thể áp dụng AI để hỗ trợ người lao động, đặc biệt là các lao động phi chính thức - chiếm gần 2/3 lực lượng lao động của Việt Nam (theo số liệu năm 2021). Nhiều nghiên cứu cho thấy các công cụ dựa trên AI có thể đưa ra những phân tích, đánh giá để chính phủ đưa ra những gói an sinh xã hội, gói hỗ trợ tài chính phù hợp cho nhóm lao động này.

Xa hơn nữa, Việt Nam còn có thể nâng cấp các dịch vụ công ích bằng cách tích hợp công nghệ AI để những người ở vùng sâu vùng xa, những người không có điều kiện kinh tế cũng có thể tiếp cận, chẳng hạn như dịch vụ giáo dục và y tế.

Để biến những ý tưởng trên thành hiện thực, Việt Nam cần phải đầu tư vào hạ tầng số công, dữ liệu mở và các sản phẩm số công cộng khác để tất cả mọi công dân, tổ chức và doanh nghiệp có thể sử dụng. Điều này cũng giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ tạo ra những ứng dụng “đo ni đóng giày” cho bối cảnh và nhu cầu của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Lam, Cố vấn Chính sách tại Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), cũng nói thêm rằng khu vực công của Việt Nam cũng đang nắm trong tay một khối dữ liệu khổng lồ và nên có những chính sách để dần mở và chia sẻ cho khu vực tư, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp khai thác mà vẫn đảm bảo an ninh dữ liệu.

Khung pháp luật cho AI có trách nhiệm


Để đảm bảo sự phát triển của AI phục vụ con người và mang lại lợi ích công bằng cho tất cả các nhóm xã hội, yêu cầu đặt ra là phát triển và ứng dụng các hệ thống AI có trách nhiệm và đáng tin cậy. Tuy nhiên, “khía cạnh đạo đức trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI hoàn toàn chưa được quan tâm và đề cập trực tiếp trong bất cứ một chiến lược quốc gia hoặc văn bản pháp luật nào”, bà Trần Thị Thanh Hương, Cán bộ Khoa học Xã hội và Nhân văn UNESCO, nói. Quyết định số 1290/QĐ-BKHCN của Bộ KH&CN hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu và phát triển hệ thống AI có trách nhiệm, lấy con người làm trung tâm chủ yếu mới chỉ quan tâm đến vấn đề cân bằng giữa phát triển và quản trị rủi ro, còn cân bằng giữa phát triển con người, xã hội, đảm bảo yếu tố bao trùm và nhiều vấn đề đạo đức khác chưa được đề cập.

Để xây dựng được một khung pháp luật như vậy cần kết hợp nhiều công cụ chính sách khác nhau và vì vậy cần sự tham gia của nhiều bộ, ngành và các bên liên quan khác nhau. Điều đó có nghĩa là, theo bà Trần Thị Thanh Hương, Việt Nam cần có một “nhạc trưởng” để điều phối chung và đưa ra một kế hoạch tổng thể, lộ trình để phát triển. “Hiện nay, mỗi bộ, ngành đang chỉ quan tâm đến phạm vi chức năng của mình”, bà nêu thực trạng. Theo Viện IPS, cần nhấn mạnh hơn nữa vai trò chỉ đạo, điều hành tập trung từ trên xuống của chính quyền Trung ương trong việc thiết lập tầm nhìn và giám sát việc thực hiện các kế hoạch hành động về AI cũng như vai trò cầu nối giữa các bên liên quan khác nhau, đảm bảo sự phối hợp và hợp tác hiệu quả giữa họ.

Bài đăng KH&PT số 1346 (số 22/2025)